(kontumtv.vn) – Xác định nước sạch là một chỉ tiêu quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực cung cấp nguồn nước sạch cho người dân nông thôn. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn. Do đó, ngành chức năng đang tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả các công trình này.

Công trình cấp nước sinh hoạt cụm xã Diên Bình – Đăk Hring đưa vào khai thác từ tháng 12/2014 với công suất thiết kế hơn 1.600 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước cho 2.000 hộ dân. Hiện tại, công trình cấp nước cho 1.700 hộ dân trên địa bàn các xã Đăk Hring, Đăk Long của huyện Đăk Hà và xã Diên Bình của huyện Đăk Tô, hiệu suất khai thác đạt 85%. Việc đưa vào khai thác công trình này góp phần giúp các hộ dân có nguồn nước sinh hoạt ổn định, đảm bảo vệ sinh. Ông Phan Khánh Điền ở thôn 8, xã Diên Bình, nói: “Trước đây gia đình tôi chưa có nước sạch thì sử dụng bằng nước giếng, nhưng mà nước giếng ở khu vực này thì hơi bị phèn, sử dụng khó, giếng thì sâu, 30m – 40m mới có nước. Bây giờ sử dụng nước này thì rất tiện, nước sạch, không hôi, đảm bảo chất lượng, sử dụng vào sinh hoạt gia đình rồi cũng có tưới tiêu một ít trong vườn.”

Như nhiều vùng nông thôn khác, hàng năm, vào mùa khô, người dân ở thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. 4 năm trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi khi Trạm cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm chính thức đi vào hoạt động và đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch liên tục, ổn định cho cho 845 hộ dân trên địa bàn xã. Chị Nguyễn Thị Mai Ly ở thôn 3, xã Đăk Cấm, cho hay:“Gia đình tôi chuyển về đây cũng được 7 năm rồi, ngày trước vào mùa nắng thì nước nó khô hạn, nước không đủ dùng, nhiều khi phải đi mua nước ở ngoài về. Từ khi có công trình nước sạch chuyển về đây thì tôi cảm thấy rất hài lòng, bởi vì nắng thì gia đình không còn phải thiếu nước, không phải đi mua ở bên ngoài nữa mà mình sẽ có nước xài trực tiếp, nước thì sạch, xài thoải mái.”

Việc đầu tư, đưa vào khai thác các công trình cấp nước sạch đã giúp người dân nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hiện vấn đề cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn như nguồn nước cạn kiệt, suy thoái, ô nhiễm; chi phí đầu tư hệ thống cấp nước còn lớn; việc duy trì hạ tầng tốn kém; chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư, quản lý, khai thác công trình nước… Ông Hà Văn Luông – Trạm trưởng Trạm cấp nước sinh hoạt cụm xã Diên Bình – Đăk Hring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, cho biết thêm:“Khó khăn lớn nhất hiện nay là người dân sử dụng nước của công trình chưa cao. Trong thời tới chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước của công trình để đưa công trình ngày phát triển và nâng cao hiệu quả của công trình.”

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh còn 48,6% công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa bền vững và không hoạt động. Trước những yêu cầu đặt ra trong công tác cấp nước sạch nông thôn, ngành chức năng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững các công trình nước sạch nông thôn. Ông Bùi Văn Nhi – Phòng Kế hoạch, Kỹ thuật & Truyền thông Trung tâm Nước sạch&Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư, tu sửa, nâng cấp, mở rộng công trình, ưu tiên đầu tư công nghệ cấp nước tiên tiến để đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Y tế ban hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động, đề nghị Chính phủ, tỉnh Kon Tum có giải pháp về cơ chế tài chính, thuế, hỗ trợ giá nước cho người dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.”

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng trong thời gian tới, việc khai thác, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn ngày càng đạt hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân./.

Đăng Huy – Đức Thắng