Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng tầm giá trị và thương hiệu "Hủ tiếu Mỹ Tho"

Việt NamViệt Nam31/12/1969


Với giá trị văn hóa hàng trăm năm, hủ tiếu Mỹ Tho từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mỹ Tho nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung. Phát huy giá trị truyền thống bản địa đặc sắc, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố (TP) Mỹ Tho với những chủ trương, giải pháp đột phá đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế văn hóa ẩm thực; nâng tầm giá trị và thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho; để hủ tiếu Mỹ Tho trở thành một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống.

* Theo chị Phạm Thị Ngọc Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Mỹ Tho

Đây là lần đầu tiên UBND TP. Mỹ Tho tổ chức Lễ hội "Hủ tiếu Mỹ Tho" với chủ đề "Tinh hoa từng sợi gạo". Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, hứa hẹn là nơi trải nghiệm thú vị cho các thực khách. Tham gia Lễ hội, Hội LHPN Mỹ Tho thực hiện các hoạt động: Tổ chức thực hiện gian hàng nấu hủ tiếu đó là hủ tiếu Tuyết Nhi; gian hàng ẩm thực các loại bánh từ gạo; đặc biệt, Hội sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm làm sợi hủ tiếu. Hoạt động này nhằm mục đích tái hiện lại những khâu làm ra sợi hủ tiếu như: ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi, cắt thành sợi….


Chị Phạm Thị Ngọc Vân.

Để tạo tính hấp dẫn, Hội LHPN TP sẽ tổ chức Hội thi làm sợi hủ tiếu với 14 đội tham gia, mỗi đội có 04 thành viên là cán bộ, hội viên phụ nữ ở các xã, phường. Các đội sẽ thi 03 lượt trong 03 ngày (27, 29 và 30/12) và phải thực hiện tất cả các khâu làm ra sợi hủ tiếu. Tận mắt thấy được các công đoạn làm ra sợi hủ tiếu, du khách sẽ có một trải nghiệm hấp dẫn và thú vị. Tổng hợp kết quả 03 ngày, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho các đội đạt yêu cầu nhằm động viên, khuyến khích chị em phụ nữ.

Trong tương lai, Hội LHPN TP. Mỹ Tho sẽ nghiên cứu tổ chức các cuộc thi, nấu ăn có liên quan đến hủ tiếu nhằm để quản bá thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho.

* Theo ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho

Tôi không biết hủ tiếu Mỹ Tho có từ khi nào. Tôi bắt đầu đến với nghề làm bánh hủ tiếu từ năm 1983, qua tìm hiểu và học hỏi từ bạn bè, tôi mở cơ sở sản xuất bánh bún hủ tiếu tại nhà (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong TP. Mỹ Tho). Trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng tôi vẫn quyết không bỏ nghề và cho đến bây giờ gia đình tôi vẫn sống với nghề làm bánh hủ tiếu.

Năm 2007, Làng nghề bún - bánh - hủ tiếu Mỹ Tho và Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho được hình thành. Trong lộ trình khẳng định làng nghề truyền thống, vào tháng 12/2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho thương hiệu "Hủ tiếu Mỹ Tho". Tỉnh Tiền Giang cũng công nhận Làng nghề bún - bánh - hủ tiếu Mỹ Tho là một trong 13 làng nghề đầu tiên của tỉnh cần được đầu tư phát triển một cách toàn diện.


Ông Trương Văn Thuận.

Riêng Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho hiện có 06 cơ sở sản xuất, với sản lượng gần 10 tấn/ngày. Hủ tiếu Mỹ Tho được làm từ gạo Gò Cát, có đặc điểm nhỏ, dai, giòn và trong. Bản thân luôn rất trăn trở làm sao để giữ gìn nghề truyền thống này, vì do không chất bảo quản nên sợi hủ tiếu không để lâu. Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm hủ tiếu cần phải được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về khâu bảo quản, đóng gói, giới thiệu thị trường… Vì nếu không bảo quản đúng cách, sẽ làm giảm chất lượng và hương vị của sợi hủ tiếu.

Tâm huyết với nghề làm bánh hủ tiếu nên tôi không muốn nghề truyền thống này bị mai một, mà luôn cùng mọi người giữ nghề và góp phần quảng bá thương hiệu "Hủ tiếu Mỹ Tho" trên thị trường.

* Theo bà Trương Thị Thời, Chủ quán hủ tiếu Dì Tư, TP. Mỹ Tho

Khi nói đến hủ tiếu thì mọi người có thể nghĩ ngay đến rất nhiều quán ngon với nhiều món được chế biến từ sợi hủ tiếu như: hủ tiếu sate, hủ tiếu hải sản, hủ tiếu mực... và người dân TP. Mỹ Tho nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung không còn xa lạ với quán hủ tiếu Dì Tư. Hủ tiếu Dì Tư tại TP. Mỹ Tho là một quán ăn nổi tiếng với truyền thống lâu đời, phục vụ các món hủ tiếu thơm ngon, hấp dẫn. Quán nằm ngay chân cầu Hùng Vương, có không gian rộng rãi, thoáng mát và giá cả hợp lý. Nhân viên phục vụ nhanh nhẹn và chu đáo.


Bà Trương Thị Thời (Dì Tư).

Nấu hủ tiếu bán từ những năm 1975, với gánh hủ tiếu bán ở đầu hẻm, bà Trương Thị Thời (gọi thân mật là Dì Tư) đã nuôi 05 người con khôn lớn. Hiện nay, dù đã 77 tuổi nhưng Dì Tư vẫn là đầu bếp chính của quán. Dì Tư là người trực tiếp nêm nồi nước lèo, cũng như hướng dẫn chọn hủ tiếu và rau củ sao cho tươi ngon nhất.

Dì Tư chia sẻ: Bí quyết để có một tô hủ tiếu thơm ngon đó là bánh hủ tiếu và nước lèo. Bánh hủ tiếu phải là sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho, nước lèo phải hầm từ xương cùng với các loại rau củ để tạo hương vị thơm ngon. Đặc biệt, nước lèo được Dì nấu bằng đường phèn và nước dừa. Tận dụng khoảng sân rộng trước nhà để bán, không phải thuê mặt bằng, nên giá cả Dì chủ động điều chỉnh phù hợp tất cả các đối tượng.

Chính vì thế mà quán hủ tiếu Dì Tư luôn đông khách; chỉ trong buổi sáng quán bán hàng trăm tô hủ tiếu. Quán Dì bán buổi sáng đến tầm 10 giờ, sau đó nhân viên sẽ vệ sinh quán cho thật sạch sẽ; đến 14 giờ sẽ bắt đầu hầm xương và chuẩn bị nguyên liệu cho hôm sau. Dì Tư cho biết đã truyền nghề này lại cho con và có thể sẽ mở thêm chi nhánh, góp phần đưa hương vị hủ tiếu Mỹ Tho vang xa…

Khi đến quán, thực khách sẽ có cảm giác ấm áp và gần gũi. Nhiều thực khách cảm thấy thoải mái và gần gũi khi ngồi ăn tại quán hủ tiếu. Không khí nơi đây thường diễn ra trong sự nhộn nhịp, nhưng cũng đầy thân thiện, tạo cảm giác như một gia đình.

* Theo chị Nguyễn Trần Ngọc Thương, người dân xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho

Bản thân là một người dân của Đô thị Mỹ Tho 345 năm và hơn ai hết lại là một công dân sống tại quê hương xã Mỹ Phong anh hùng, nơi có làng nghề truyền thống bún, bánh hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh từ thuở xa xưa và tồn tại đến ngày hôm nay. Tôi cảm thấy vô cùng háo hức khi những ngày này đi khắp nơi đâu đâu cũng nghe quảng cáo về hủ tiếu Mỹ Tho và nhất là lễ hội “Hủ tiếu Mỹ Tho - Tinh hoa từng sợi gạo" sẽ chính thức khai mạc vào tối 27/12, chào mừng kỷ niệm 345 năm Đô thị Mỹ Tho.

Nếu ai có dịp được tham quan và trải nghiệm tận mắt quy trình làm ra sợi hủ tiếu thì sẽ thấy nó rất kỳ công và đó là từng giọt mồ hôi của người lao động khi vừa gút gạo, vừa xay gạo, tráng và phơi để sau đó cắt thành phẩm những sợi hủ tiếu đưa đi tiêu thụ. Bên cạnh, bản thân cũng là một thực khách vô cùng yêu thích món ăn hủ tiếu Mỹ Tho, mỗi buổi sáng chỉ cần thưởng thức 01 tô hủ tiếu với sợi bánh dai dai, mùi nước lèo thơm phức với miếng sườn ngọt lịm…, sẽ cảm thấy tinh thần thật sản khoái, đầy năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả. Một điểm đặc biệt của hủ tiếu Mỹ Tho là sự đa dạng trong cách chế biến. Thực khách có thể chọn từ hủ tiếu xào, hủ tiếu nước, cho đến các phiên bản khác nhau tùy theo sở thích cá nhân. Hủ tiếu quê tôi là như thế đó, xin mời du khách dành thời gian ghé ngang và cùng thưởng thức nhé.


Chị Nguyễn Trần Ngọc Thương.

Hủ tiếu Mỹ Tho không chỉ là món ăn, mà còn là kỷ niệm của nhiều người, đặc biệt là với những ai lớn lên ở vùng miền này. Món ăn gợi nhớ đến quê hương, gia đình và những bữa cơm sum vầy bên người thân. Có thể thấy rằng hủ tiếu Mỹ Tho không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn là một phần của văn hóa và trải nghiệm sống của người dân nơi đây.

Phương Mai



Nguồn: https://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/nang-tam-gia-tri-va-thuong-hieu-hu-tieu-my-tho-/57539673

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm