Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nếu không sửa luật thì không nghiêm, nhưng làm nghiêm thì làm không nổi

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trăn trở: "Nếu không sửa luật thì không nghiêm, nhưng đúng là làm nghiêm thì làm không nổi. Có những địa phương mỗi năm có tới 500 vụ án hành chính, chủ tịch UBND theo hầu tòa tất cả thì không còn thời gian điều hành, quản lý nhà nước nữa”.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng26/05/2025

tri-2588-8772.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 26-5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phá sản; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các ý kiến đều bày tỏ đồng ý với chủ trương điều chỉnh chuyển thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức hòa giải của tòa án nhân dân cấp tỉnh sang tòa án nhân dân khu vực để phù hợp với thực tiễn công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, với sự thay đổi này, tới đây trách nhiệm và thẩm quyền của tòa án khu vực sẽ rất nặng nề.

“Đề nghị phải tăng cường thẩm phán và thư ký cho tòa khu vực để có đủ năng lực giải quyết án”, ông Phạm Văn Hòa nói.

Vẫn theo ĐB Phạm Văn Hòa và một số ĐB khác, luật hiện hành quy định người đứng đầu cơ quan hành chính (chủ tịch UBND) chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình tham dự phiên tòa, nhưng thực tiễn xử lý án hành chính cho thấy trong rất nhiều trường hợp, chủ tịch UBND thường ủy quyền giám đốc sở, trưởng phòng, chánh thanh tra…

“Tuy nhiên, cũng nên quy định như thế vì họ biết rõ vụ việc, còn chủ tịch tỉnh trăm công ngàn việc, sao đi hầu tòa được”, ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

HT .jpg
Quang cảnh hội trường Diên Hồng, chiều 26-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng băn khoăn này, song ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) kiến nghị, để đảm bảo tính nghiêm minh trong tố tụng hành chính, dự thảo luật hoặc phải quy định rõ được phép ủy quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tham dự phiên tòa, hoặc nếu giữ như hiện hành thì phải bổ sung nhiều hình thức xử lý người đứng đầu cơ quan hành chính không tuân thủ thực thi pháp luật.

Phát biểu giải trình sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí công nhận, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng chế tài đối với chủ tịch UBND là đối tượng bị khởi kiện hành chính.

Theo Chánh án Lê Minh Trí, trách nhiệm của chủ tịch UBND không chỉ là tham dự phiên tòa, mà còn phải cung cấp tài liệu, đối thoại, tham gia phiên tòa và cuối cùng là chấp hành án.

“Tôi nói rất nhiều lần là nếu không sửa luật thì không nghiêm, nhưng đúng là làm nghiêm thì làm không nổi. Có những địa phương mỗi năm có tới 500 vụ án hành chính, chủ tịch theo hầu tòa tất cả thì không còn thời gian điều hành, quản lý nhà nước nữa”, ông Lê Minh Trí giải thích.

Người đứng đầu ngành tòa án cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để có giải pháp nghiêm minh nhưng khả thi.

VIỆTNGA.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về việc thành lập các tòa án chuyên biệt về phá sản, và sở hữu trí tuệ có thể kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp, Chánh án Lê Minh Trí khẳng định, không phải tất cả các tòa án khu vực đều có tòa chuyên trách về phá sản, và sở hữu trí tuệ mà chỉ có 3 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM có tòa chuyên trách về phá sản và 2 khu vực là TPHCM và Hà Nội có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Theo ông Lê Minh Trí, quy định như vậy là phù hợp.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/neu-khong-sua-luat-thi-khong-nghiem-nhung-lam-nghiem-thi-lam-khong-noi-post796886.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm