Lãnh đạo Sở Sở VHTT&DL và Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Trung Kiên tham quan trưng bày ảnh. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Ở Phú Yên, các vùng nuôi tôm sử dụng túi ni lông tiện lợi đựng thức ăn cho tôm hùm rồi sẵn tay bỏ xuống biển, gặp gió trôi dạt vào bờ thành đám ni lông gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, tại Trường THPT Lê Trung Kiên (TX Đông Hòa), Sở VHTT&DL tổ chức hội nghị tuyên truyền và trưng bày lưu động ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa cho một tương lai xanh.
Chung tay hướng tới tương lai xanh
Hội nghị tuyên truyền và trưng bày lưu động đã thu hút đông đảo học sinh tham dự. Trong dịp này, các đại biểu và học sinh tham quan 150 bức ảnh triển lãm tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa. Chia sẻ về một số hoạt động trưng bày lưu động ảnh, tư liệu bảo vệ môi trường ngay triển lãm ảnh, em Đinh Tố Như, lớp 11B1 (Trường THPT Lê Trung Kiên) cho biết: Các hình ảnh, tư liệu trưng bày tại triển lãm cung cấp cho người xem những thông tin về tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe con người; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông dùng một lần để chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm gần gũi, thân thiện với môi trường hướng tới tương lai xanh.
Cũng theo em Đinh Tố Như, thông qua tư liệu và triển lãm ảnh em còn được biết, hiện nhiều người có thói quen sử dụng túi ni lông để đựng thực phẩm tươi sống và cả thực phẩm còn nóng mà không hề biết rằng nếu sử dụng túi ni lông đựng đồ ăn nóng (nhiệt độ từ 70-80oC), những chất độc hại trong túi sẽ hòa lẫn vào thức ăn. Nguy hiểm hơn nếu chứa thực phẩm đã được chế biến trong những túi ni lông nhuộm màu, các kim loại nặng như chì, cadimi sẽ gây hại cho bộ não, là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư... Chính vì vậy, em tuyên truyền gia đình và người thân sử dụng các dụng cụ thân thiện khác thay thế túi ni lông để đảm bảo sức khỏe.
Tham quan hàng trăm tranh ảnh, tư liệu phòng chống rác thải nhựa được trưng bày tại triển lãm, em Nguyễn Bảo Ngọc, lớp 11B4 (Trường THPT Lê Trung Kiên) chia sẻ: Qua triển lãm ảnh, em được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích và nhận thấy rõ ràng nếu muốn xây dựng tương lai xanh, mỗi cá nhân phải thực sự hành động cụ thể trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày. Thói quen lạm dụng túi ni lông sử dụng một lần đang khiến cho lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân.
Em Nguyễn Bảo Ngọc cho biết thêm, em có dịp vào Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa) và ra vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) thấy người nuôi tôm dùng túi ni lông đựng thức ăn cho tôm hùm, sau khi cho tôm ăn rồi tiện tay vứt túi xuống biển. Ngày này qua ngày khác, túi ni lông gặp gió gom lại thành đám ni lông trôi dạt vào bờ. Còn ở các khu dân cư, nhiều người thường tiện tay vứt rác thải nhựa, túi ni lông ở bất kỳ đâu như trên đường, bờ biển, cống rãnh, khiến cho rác thải tràn lan, khó thu gom, xử lý. Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa, ni lông xuống cống rãnh gây tắc nghẽn đường ống, làm ngập lụt đường phố… Vì vậy, em tuyên truyền gia đình và người thân cắt giảm sử dụng túi ni lông, sử dụng dụng cụ truyền thống thân thiện với môi trường, chung tay hướng tới tương lai xanh.
Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Cúc, giáo viên Trường THPT Lê Trung Kiên chia sẻ: Triển lãm tổ chức tại trường đã mang lại cơ hội để giáo viên, học sinh nhà trường tiếp cận thêm những thông tin, kiến thức về phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa, túi ni lông. Học sinh và nhà trường sẽ là những tuyên truyền viên tích cực cả hiện tại và tương lai, góp phần xây dựng một tương lai xanh. Thông qua hoạt động triển lãm ảnh ý nghĩa này, thầy cô và các học sinh mong muốn cùng nhau lan tỏa những thông điệp, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Trưng bày ảnh, tư liệu tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa là một hoạt động truyền thông thiết thực triển khai Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 175/QĐ-TTg, ngày 5/2/2021. Tiếp nhận bộ ảnh và tư liệu của Cục Thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, Sở VHTT&DL tổ chức hội nghị tuyên truyền, cùng với hoạt động trưng bày gần 150 ảnh, tư liệu tại Trường THPT Lê Trung Kiên với mong muốn các em học sinh của trường và của TX Đông Hòa là những tuyên truyền viên cho công cuộc bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của chúng ta không còn rác thải nhựa.
Học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên (TX Đông Hòa), tham quan trưng bày lưu động ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa cho một tương lai xanh. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Nói không với các sản phẩm nhựa
Theo các số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển. Vì vậy, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia xả rác nhiều nhất trên thế giới, một con số báo động.
Thực tế cho thấy, rác thải nhựa tập trung nhiều nhất tại các bờ biển, trải dài các tỉnh từ Bắc vào Nam. Những làng biển từ lâu đã là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Rác thải ngổn ngang đủ loại từ ni lông, thùng xốp, chai nhựa, ngư lưới cụ, còn có cả lốp xe, xác động vật… Vào mùa hè, dưới cái nắng gắt, rác bắt đầu phân hủy bốc mùi hôi thối khiến nhiều làng biển trở nên ngột ngạt.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa sinh hoạt được đưa ra môi trường, trong đó 20% được xử lý quay vòng theo dạng tái chế, 80% còn lại được xử lý dưới dạng chôn lấp. Rác thải nhựa tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…
Ông Nguyễn Lê Vũ cho biết thêm: Nếu không có những giải pháp kịp thời đối với các vấn đề về ô nhiễm rác thải nhựa thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người. Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực; thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông; sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời tham gia tích cực các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường.
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/ngan-ngua-rac-thai-nhua-qua-trien-lam-anh-33214f9/
Bình luận (0)