Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Rung chân là tật hay bệnh lý?; 3 món nên ăn thường xuyên để giảm huyết áp hiệu quả; Triệu chứng cảnh báo cơ thể đang thiếu sắt...
Tìm ra nguyên nhân bất ngờ vì sao ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ
Trong bối cảnh tỷ lệ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm tuổi 15 - 39 trên toàn cầu tăng lên một cách đáng lo ngại, hàng loạt nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân.
Trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí eJHaem, các nhà khoa học đã tìm ra một nguyên nhân bất ngờ nhưng quan trọng làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ.
Tỷ lệ mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở nhóm tuổi 15 - 39 trên toàn cầu tăng lên một cách đáng lo ngại
Ảnh minh họa: AI
Thiếu máu cục bộ là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu. Tình trạng này xảy ra do cơ thể thiếu sắt, tức không có đủ lượng sắt dự trữ để hỗ trợ sản xuất hồng cầu.
Ngoài ra, hiện nay ước tính có 10-15% số ca đột quỵ xảy ra ở người trong độ tuổi từ 18-50, độ tuổi dễ bị thiếu máu do thiếu sắt nhất.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cincinnati, Bệnh viện Đại học Cleveland và Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ) đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 21 triệu người tham gia trong độ tuổi từ 15 - 50, từ hơn 300 bệnh viện ở Mỹ.
Trong số những người tham gia, có 36.989 người từng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Kết quả đã phát hiện thiếu máu do thiếu sắt làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ tuổi.
Cụ thể, ở những người từng bị đột quỵ, tỷ lệ bị thiếu máu do thiếu sắt cao một cách đáng ngạc nhiên - gấp 5 lần so với người không bị đột quỵ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.5.
3 món nên ăn thường xuyên để giảm huyết áp hiệu quả
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ và suy thận. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo thay đổi lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống, có thể giúp kiểm soát tốt huyết áp cao.
Thậm chí, nếu huyết áp cao chỉ mới ở giai đoạn đầu thì việc thay đổi lối sống có thể đảo ngược tình trạng này mà không cần dùng thuốc. Ngoài việc hạn chế muối, tăng cường vận động, giảm cân thì một số loại thực phẩm tự nhiên cũng giúp điều hòa huyết áp hiệu quả.
Sô cô la đen và táo chứa các chất chống ô xy hóa có tác dụng giảm huyết áp
ẢNH: AI
Những loại siêu thực phẩm có thể góp phần kiểm soát huyết áp cao nếu ăn thường xuyên gồm:
Sô cô la đen. Sô cô la đen là một trong những món ăn vừa ngon miệng vừa tốt cho tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất chống ô xy hóa flavonoid trong ca cao có khả năng làm giãn mạch máu, từ đó hạ huyết áp tự nhiên.
Một phân tích tổng hợp từ 20 nghiên cứu đăng trên chuyên san BMC Medicine cho thấy việc ăn thường xuyên sô cô la đen có thể giảm trung bình 2-3 mmHg huyết áp tâm thu và tâm trương.
Trà. Trà, đặc biệt là trà xanh và trà đen, rất giàu polyphenol, một nhóm hợp chất chống ô xy hóa giúp cải thiện chức năng mạch máu và hạ huyết áp. Nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Nutrition cho thấy uống trà xanh đều đặn trong 12 tuần giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 2,6 mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 2,2 mmHg.
Ngoài tác dụng hạ huyết áp, trà còn giúp giảm cholesterol "xấu" LDL, tăng cholesterol "tốt" HDL và cải thiện chức năng nội mô mạch máu. Để tối đa hóa lợi ích này, hãy uống trà nguyên chất, tránh thêm đường hoặc sữa đặc. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.5.
Triệu chứng cảnh báo cơ thể đang thiếu sắt
Thiếu sắt là một trong những tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến trên thế giới. Nếu không xử lý kịp thời thì thiếu sắt có thể gây giảm chất lượng giấc ngủ, giảm tập trung và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Nhiều người nghĩ rằng triệu chứng thiếu sắt chỉ đơn giản là mệt mỏi hay da tái nhợt. Tuy nhiên, có một dấu hiệu ít người biết là tình trạng ngứa ran hoặc cảm giác như kim châm ở chân, tay, đặc biệt vào ban đêm. Đây có thể là biểu hiện của hội chứng chân không yên, một rối loạn thần kinh có liên quan đến nồng độ sắt trong não thấp.
Gan bò và cá hồi là những món rất giàu chất sắt
ẢNH: AI
Sắt thường được biết đến là khoáng chất cần để tạo hemoglobin, loại phân tử protein của hồng cầu có chức năng mang ô xy đi khắp cơ thể. Chưa dừng lại ở đó, sắt còn đóng vai trò then chốt trong hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Các nghiên cứu cho thấy sắt là yếu tố thiết yếu cho quá trình tổng hợp dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng, khả năng tập trung và điều khiển vận động.
Hội chứng chân không yên là một rối loạn đặc trưng với cảm giác khó chịu, ngứa ran hoặc thôi thúc phải cử động chân, đặc biệt vào buổi tối. Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Clinical Sleep Medicine phát hiện hơn 40% bệnh nhân mắc hội chứng chân không yên có nồng độ ferritin, một loại protein dự trữ sắt, thấp dưới mức bình thường. Bên cạnh đó, thiếu sắt còn có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng nhận thức, kém tập trung, lo âu, trầm cảm nhẹ. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-nguyen-nhan-lam-tang-dot-quy-o-nguoi-tre-185250523234805489.htm
Bình luận (0)