Bước đột phá cho phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập ở Việt Nam
Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, thể hiện quan điểm, tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới.
Nghị quyết khẳng định quan điểm cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế; khẳng định mô hình Nhà nước "kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường".
Quan điểm này hướng tới xây dựng mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành.
Ngay trong năm 2025, Nhà nước sẽ phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, những quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Mục tiêu là "cởi trói", "thông thoáng" thủ tục hành chính, tạo môi trường chính sách minh bạch và bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Nghị quyết đề xuất "tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm", khuyến khích "phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, nhân rộng, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế tư nhân".
Điều này mở đường cho việc tăng cường đào tạo nghề với quy mô và công nghệ hiện đại, trong đó có sự đóng góp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập (bao gồm cơ sở tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).
Nghị quyết khuyến khích "hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp" và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực. Đặc biệt, chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ chế này tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tích cực hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng chương trình, cung cấp trang thiết bị và đào tạo nghề cho người lao động.
Xét về cơ sở thực tiễn của Nghị quyết 68, việc phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông (Ảnh: Fanpage nhà trường).
Một cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dù nhỏ hay lớn, từ khi thành lập đến khi đi vào hoạt động, Nhà nước luôn phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, từ đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động, chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư…
Sau rất nhiều đầu tư, mỗi năm một cơ sở công lập cũng chỉ cung cấp cho thị trường lao động một lực lượng lao động qua đào tạo nhất định với quy mô đào tạo trung bình là 500 người.
Tương tự, một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có quy mô giống như một trường công lập, mỗi năm sau khi đào tạo xong, cũng cung cấp cho thị trường lao động khoảng 500 người qua đào tạo.
Điều quan trọng ở đây là Nhà nước không phải đầu tư bất cứ thứ gì, vẫn có được 500 người qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân còn tham gia vào việc đóng thuế thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Nói như vậy, không phải là phủ nhận vai trò, vị trí của của các cơ sở công lập mà để có nhận thức đầy đủ hơn về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong mối quan hệ tương quan giữa công và tư, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đang chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Thực trạng về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cũ), năm 2024, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1.198 cơ sở công lập và 683 cơ sở ngoài công lập, gồm 96 trường cao đẳng, 229 trường trung cấp, 358 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong số cơ sở ngoài công lập có 7 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 4 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 36%.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và vùng công nghiệp phát triển. Mặc dù các cơ sở này đang tổ chức đào tạo hầu hết ở các lĩnh vực, ngành nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, tuy nhiên chỉ tập trung vào những ngành nghề ít phải đầu tư thiết bị, máy móc.
Cũng có một số trường tư thục đào tạo những ngành nghề đòi hỏi đầu tư lớn như cơ khí, động lực, tự động hóa; điện - điện tử, công nghiệp dệt may… nhưng không nhiều.
Thời gian qua, các trường ngoài công lập đã vượt qua nhiều khó khăn, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị đào tạo hiện đại và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo.
Sự linh hoạt, nhanh nhạy với thị trường lao động, cách thức tổ chức, quản lý năng động, theo mô hình doanh nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đã những đóng góp quan trọng vào đào tạo nhân lực cho thị trường lao động.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập hiện nay còn nhỏ lẻ và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triển. Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách chung khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên chưa tính đến những đặc thù của loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Do vậy, chính sách chung vô hình chung có sự phân biệt giữa công và tư.
Nhiều cơ chế chính sách còn bất cập, nặng về thủ tục, vướng mắc về điều kiện, gây nên cản trở, khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, không hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, tuyển sinh khó khăn. Nhận thức xã hội đối với học nghề vẫn còn nặng nề, thanh niên sau tốt nghiệp phổ thông thường không muốn vào giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến việc tuyển sinh suy giảm cả hệ thống, trong đó có các cơ sở tư thục.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, nhất là ở bậc trung cấp, rơi vào tình trạng ngưng trệ, cầm cự vì không tuyển được người học.
Thứ ba, chất lượng đào tạo chưa đồng đều ở các trường. Có trường chất lượng rất tốt, thậm chí một số ngành nghề đào tạo còn tốt hơn trường tốt khu vực công lập nhưng sự đồng đều chưa có. Nhiều ngành nghề đào tạo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, do cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, giáo viên còn hạn chế.
Các mô hình hợp tác với doanh nghiệp mới phát triển ở một số cơ sở tư thục lớn, có thương hiệu hoặc có cơ sở có doanh nghiệp.
Thứ tư, giảng viên và nguồn lực đầu tư hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập thường thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất và tuyển giảng viên chất lượng. Không được ưu đãi đất đai như trường công, trường tư thục thường phải tự huy động vốn nên đất đai, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và thiết bị thực hành kém hơn.
Phần lớn cơ sở phải thuê đất hay trả thuế sử dụng đất 100%, làm tăng gánh nặng tài chính, chưa kể nhiều cơ sở nhỏ thiếu vốn vay ưu đãi. Các chính sách tín dụng cho giáo dục tư nhân còn ít và thủ tục phức tạp.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ một số khó khăn trong phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập
Từ quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 68, cần đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa những cơ chế, chính sách để "cởi trói" cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và thu hút các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo lao động cho thị trường.
Theo đó, một số giải pháp cần chú ý như sau:
Một là, sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, bãi bỏ và cắt giảm các điều kiện, hồ sơ của tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật, 30% điều kiện kinh doanh); tăng cường hậu kiểm.
Các thủ tục cần được ưu tiên xem xét như:
Thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc phân hiệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Xem xét, bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Mặt khác, khi quy định điều kiện của thủ tục này cần tính đến đặc thù của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài;
Thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Xem xét, bãi bỏ thủ tục này. Thực tế cho thấy, thủ tục này nặng về hành chính, gây phiền hà, khó khăn rất lớn cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhất là đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Có thể gộp thủ tục này vào thủ tục thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không hình thành thủ tục riêng. Thủ tục này chỉ nên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có tổ chức đào tạo nghề nhưng không thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề, hợp tác xã…
Thủ tục đăng ký hoạt động liên kết với nước ngoài: Tương tự như đăng ký hoạt động trong nước, xem xét nên bãi bỏ thủ tục này; chỉ thực hiện đăng ký khi đào tạo những ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề đào tạo của Việt Nam hoặc không có trong danh mục ngành nghề đào tạo của trường khi xin đăng ký thành lập.
Hai là, thể chế những ưu đãi về chính sách về thuế, đất đai, tín dụng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, nhất là những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm ở hệ thống pháp luật có liên quan. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cần ưu tiên giao đất, cho thuê đất dài hạn với chi phí ưu đãi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có kế hoạch phát triển mở rộng, nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu; cho thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương; miễn hoặc giảm mạnh thuế sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trong giai đoạn đầu cần mở rộng nguồn vốn hỗ trợ cho giáo dục tư thục (vốn ODA, quỹ đầu tư phát triển với lãi suất thấp), đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Ba là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục cần được hỗ trợ về nâng cao năng lực quản trị, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên tương tự như đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, quản lý đào tạo không phân biệt công - tư; bình đẳng trong công tác đánh giá, khen thưởng, tôn vinh đối với những đóng góp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Có thể nói, Nghị quyết 68 đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập cũng cần được coi trọng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bởi là một thành phần quan trọng trong đào tạo lao động trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Nghị quyết 68 đã đặt ra khung định hướng hỗ trợ quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân, song việc cụ thể hóa thành các cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể là nhiệm vụ tiếp theo cấp bách của các bộ, ngành có liên quan.
Thiết nghĩ, khi những rào cản được gỡ bỏ, chắc chắn hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hải Yến
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nghi-quyet-68-go-kho-cho-giao-duc-nghe-nghiep-ngoai-cong-lap-20250521121220553.htm
Bình luận (0)