Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương bồi hồi nhớ lại chuyến lưu diễn 17 năm trước, khi đoàn nghệ thuật Rô băm Resmay Bưng Chông (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) lần đầu tiên mang theo những điệu múa cung đình Khmer cổ xưa đến với thủ đô Washington D.C. (Mỹ).

 Tự hào mang văn hóa Việt Nam ra thế giới

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương cho biết, năm 2007, khi lễ hội đời sống dân gian Smithsonian - một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất thế giới diễn ra tại Washington D.C với chủ đề “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa”, Việt Nam vinh dự có 11 loại hình văn hóa dân gian được lựa chọn để tham gia, trong đó có múa Rô băm - loại hình nghệ thuật cung đình Khmer có lịch sử hàng trăm năm.

Dưới ánh đèn sân khấu, những vũ công Khmer với trang phục lộng lẫy, động tác mềm mại nhưng đầy uy quyền, đã đưa khán giả Mỹ bước vào một thế giới huyền bí, nơi thần thoại, tín ngưỡng và tâm hồn người Khmer hòa quyện trong từng cử chỉ.

 Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương (thứ hai từ trái sang) cùng 3 người trong đoàn múa Rô băm sang Mỹ biểu diễn năm 2007.

Nhớ lại những ngày biểu diễn trên đất Mỹ, nghệ nhân Lâm Thị Hương vẫn không giấu được niềm xúc động: “Chúng tôi mang đến Mỹ những vũ điệu từng được trình diễn trong cung đình, những điệu múa chậm rãi, uyển chuyển nhưng đầy quyền lực, khiến khán giả say mê. Không chỉ biểu diễn, chúng tôi còn giao lưu với bạn bè quốc tế, kể cho họ nghe về những câu chuyện đằng sau điệu múa, về văn hóa của cộng đồng Khmer Nam Bộ”.

Chuyến đi năm ấy đã mở ra một cánh cửa mới cho nghệ thuật múa Rô băm. Từ một loại hình biểu diễn gắn với những ngôi chùa, những dịp lễ hội truyền thống, múa Rô băm đã bước ra sân khấu thế giới, khẳng định vị thế của một di sản văn hóa quý giá.

Cha truyền con nối…

Nghệ nhân Lâm Thị Hương sinh ra trong gia đình dân tộc Khmer có 6 anh chị em ở một ngôi làng nhỏ thuộc ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tất cả anh chị em của bà đều biểu diễn được Rô băm, nhưng nhờ khả năng nổi bật, bà được giao trọng trách làm Trưởng đoàn Rô băm đời thứ 5 của gia đình.

Lớn lên giữa những giai điệu nhạc ngũ âm và những vũ điệu chuẩn mực của Rô băm, bà Hương không chỉ học múa, mà còn thấm nhuần tinh thần, ý nghĩa sâu sắc của loại hình nghệ thuật này.

Không giống như các loại hình sân khấu khác, Rô băm sử dụng vũ đạo làm ngôn ngữ chính để kể chuyện. Chính vì vậy, không phải ai cũng có thể cảm nhận hết ý nghĩa ẩn chứa trong từng động tác. Để giúp khán giả hiểu rõ hơn, các nghệ nhân thường lồng ghép lời thoại, lời kể chuyện hoặc hát diễn giải nội dung trong quá trình biểu diễn.

Điểm đặc biệt nữa của Rô băm là sự kết hợp tinh tế giữa nhiều loại hình nghệ thuật: Từ âm nhạc truyền thống với trống vỗ, trống dùi, chiêng, kèn ai oán; đến mỹ thuật trong từng chiếc mặt nạ, phục trang cầu kỳ và cả yếu tố diễn xuất thông qua biểu cảm, động tác hình thể. Tất cả tạo nên một tổng thể hòa quyện, cuốn hút người xem.

Gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương (hàng đầu, thứ hai, từ bên phải sang). Ảnh nhân vật cung cấp

“Rô băm vừa là đam mê của tôi, hơn hết còn là trách nhiệm bảo tồn môn nghệ thuật độc đáo. Đây chính là lý do hàng chục năm qua, tôi đã và đang tiếp tục truyền dạy cho các diễn viên trẻ nhằm bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa này”, nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương nói.

Thế nhưng, loại hình nghệ thuật này đối diện với nguy cơ mai một. Trong thời đại của công nghệ và những loại hình giải trí hiện đại, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Rô băm trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Các nghệ nhân không chỉ phải giữ gìn vũ điệu truyền thống, mà còn phải tìm cách thích nghi, sáng tạo để tiếp cận với thế hệ trẻ.

 Để di sản mãi được lưu truyền

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương cho biết, bà luôn tâm niệm: “Chỉ cần còn một người yêu và học múa Rô băm, thì di sản này sẽ không bao giờ mất đi”. Chính vì thế, suốt nhiều năm qua, bằng tất cả tâm huyết với nghề, bà đã nỗ lực không ngừng để duy trì và truyền dạy bộ môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ.

Dù sức khỏe yếu đi, nhưng mỗi ngày bà vẫn dành nhiều giờ để luyện tập, truyền dạy cho các diễn viên trẻ từng động tác múa, từng lời thoại. Bà quan niệm rằng, nghệ thuật không thể chỉ học qua lý thuyết, mà phải thực hành để cảm và thấm. Kết thúc mỗi buổi học, bà tổ chức những buổi biểu diễn nhỏ để học trò thực hành, giúp họ không chỉ thành thục các động tác múa, mà còn hiểu được giá trị tinh thần của loại hình nghệ thuật này.

Chính nhờ cách truyền dạy tâm huyết ấy, bà đã đào tạo được hàng trăm học trò xuất sắc. Nhiều người trong số họ đã trở thành trụ cột của các đoàn nghệ thuật Rô băm nổi tiếng như đoàn Resmay Bưng Chông và các nhóm múa Khmer ở Sóc Trăng.

Không chỉ bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Rô băm ở quê nhà, Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương còn mang Rô băm đi xa hơn, để nhiều người có cơ hội tiếp cận và hiểu về loại hình nghệ thuật này. Năm 2016, được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mời ra phục dựng sân khấu cổ Rô băm, bà cùng chồng là nghệ nhân Sơn Del quyết định rời quê hương, đưa một số diễn viên từ Sóc Trăng ra Hà Nội, tham gia biểu diễn, quảng bá nghệ thuật múa Rô băm tại đây.

“Nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân nhiều lắm. Nhưng mình phải cố gắng, để cho con cháu mình ở đây có chỗ dựa, ở đâu cũng là gia đình của mình thôi, bởi mình mang trách nhiệm bảo tồn văn hóa trên vai”, nghệ nhân chia sẻ.

Anh La Si Nươl cùng mẹ là Nghệ nhân Lâm Thị Hương và em gái. Ảnh nhân vật cung cấp.

Giờ đây, ở tuổi 65, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã có thể yên tâm phần nào, bởi bà đã đào tạo được lớp truyền nhân kế cận, là con trai và con gái bà, những người trẻ nhưng luôn đau đáu và tâm huyết với việc bảo tồn và gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống.

Anh La Si Nươl - con trai của Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, truyền nhân đời thứ 6 của đoàn Rô băm Resmay Bưng Chông cho biết, anh không chỉ mang trong mình niềm đam mê với nghệ thuật múa Rô băm, mà còn gánh trên vai trách nhiệm gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa này đến với thế hệ sau. Anh cùng những người yêu mến Rô băm đang duy trì đội múa tại tỉnh Sóc Trăng và TP Hồ Chí Minh, đồng thời mở lớp học múa cho trẻ em tại quê hương Trần Đề, gieo vào lòng thế hệ sau niềm đam mê với nghệ thuật cổ truyền.

Ở một góc phòng, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương trang trọng treo lên những Bằng khen, Giấy khen của mình. 

65 năm tuổi đời, 55 năm gắn bó với Rô băm, Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương đã dành trọn cuộc đời mình để giữ gìn và tiếp nối loại hình nghệ thuật múa mặt nạ cung đình độc đáo của người Khmer.

Với những đóng góp của mình, tháng 3-2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đến tháng 9-2019, sân khấu cổ Rô băm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, bà nhận Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì những đóng góp cho hoạt động bảo tồn văn hóa Khmer. Đến tháng 8-2024, bà tiếp tục được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, ghi nhận vai trò quan trọng của bà trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc Khmer. Ngoài ra, bà còn nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc truyền dạy nghệ thuật sân khấu Rô băm Nam Bộ.

 Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nghe-nhan-uu-tu-lam-thi-huong-nguoi-giu-gin-va-truyen-lua-nghe-thuat-mua-ro-bam-829132