Cùng với đó là những kỳ vọng vào việc Nghị quyết 68 sớm được hiện thực hóa trong đời sống nhằm khơi thông điểm nghẽn thể chế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân vươn mình.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do Tập đoàn Đèo Cả triển khai thực hiện.
Kim chỉ nam cho hành động của khu vực kinh tế tư nhân
Với tinh thần lan tỏa của Nghị quyết 68, một số doanh nghiệp tư nhân đã có những đề xuất táo bạo, tập trung vào những lĩnh vực khó, trong đó có hạ tầng giao thông. Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản đề xuất nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) để mở rộng các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, với tinh thần, trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 68, đơn vị nhận thức rõ rằng doanh nghiệp không chỉ đứng đợi tháo gỡ xong các rào cản, hạn chế, định kiến mà phải đồng hành ngay từ đầu để góp phần tạo nên thành công của chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Việc thúc đẩy phương thức PPP trong đầu tư hạ tầng kinh tế, văn hóa-xã hội được xác định là hướng đi chủ đạo, với hiệu quả kinh tế-xã hội làm thước đo lựa chọn. Trên tinh thần đó, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị được thống nhất với Bộ Xây dựng nghiên cứu chọn đoạn tuyến để đề xuất dự án mở rộng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1, đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động thu xếp tài chính (từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước), không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, cân đối nguồn thu để hoàn vốn cho dự án và đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong quá trình khai thác.
Để rút ngắn tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp đề xuất dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bãi đổ thải và khai thác khoáng sản làm vật liệu; người quyết định đầu tư được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận toàn bộ công trình hiện hữu để quản lý khai thác, tổ chức thu phí để triển khai thi công mở rộng tuyến đường, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt liên tục. Việc đầu tư theo phương thức PPP sẽ giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong bối cảnh ngân sách cần tập trung cho nhiều mục tiêu khác.
Chia sẻ về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 68, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, với những quan điểm, định hướng rất cụ thể, đột phá, khiến cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất hồ hởi. Trước đây, khu vực tư nhân đã rất nỗ lực, cố gắng tìm các giải pháp để định hướng cho hoạt động của mình, từ xây dựng văn hóa chiến lược, hoạch định về vấn đề kết nối với cộng đồng doanh nghiệp đến ứng dụng công nghệ số, triển khai các chuỗi liên kết trong và ngoài nước, đào tạo… Tuy nhiên, lúc đó doanh nghiệp làm theo kiểu mò mẫm dò đường. Khi Nghị quyết 68 ban hành giống như ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho hành động.
Cần cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần của Nghị quyết 68 cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và kiến nghị các giải pháp để kịp thời thể chế hóa, đặc biệt trong việc cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đối với việc hoàn thiện thể chế, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách để vừa khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và cũng để cụ thể hóa nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa).
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, thời gian gần đây Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các quy định của Luật Doanh nghiệp, cần bổ sung quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo cam kết của Chính phủ Việt Nam. Việc rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định sự cam kết của Việt Nam trong thực thi kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố…
Liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết 68 và các nghị quyết của Đảng, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) đề nghị, để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trong việc thực hiện thủ tục hành chính cần thay đổi phương thức đăng ký doanh nghiệp thành doanh nghiệp khai báo, cơ quan quản lý nhà nước xác nhận trên cổng thông tin và đưa vào hồ sơ đăng ký về cấp đăng ký doanh nghiệp thay vì cấp đăng ký doanh nghiệp.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế kiểm tra thực tế của hoạt động sau kinh doanh bằng các thủ tục đánh giá doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch như: Tuân thủ pháp luật, giải quyết việc làm và thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tham gia các hoạt động xã hội…
Một số đại biểu Quốc hội cũng đề xuất cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, trong đó có những thủ tục cơ bản như gia nhập thị trường, kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và đổi mới tư duy từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. Điều này cũng giúp tạo sự yên tâm và niềm tin cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://baolaocai.vn/nghi-quyet-68-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-tu-quyet-sach-den-hanh-dong-post402320.html
Bình luận (0)