Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người đan thúng chai cuối cùng của làng Trà Nhiêu

(QNO) - Ở tuổi 85 nhưng ông Trần Văn Hỷ, thôn Hà Nam, xã Duy Vinh (Duy Xuyên) trông khá khỏe mạnh. Mỗi ngày vẫn căm cụi chẻ tre vót nan, đan thúng rái. Ông làm không chỉ vì mưu sinh mà còn muốn níu giữ cái nghề đã gần một đời đeo bám.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam08/05/2025

th3.jpg
Ông Trần Văn Hỷ bên chiếc thúng chai vừa hoàn thành của mình. Ảnh: VĨNH LỘC

Ông Hỷ kể, mười mấy tuổi đã biết đan tre, chủ yếu các vật dụng gia đình như rổ, mủng, nong, nia, bồ đựng lúa… nhưng rồi chiến tranh gián đoạn lúc làm lúc nghỉ, dù vậy tính đến nay cũng gần 70 năm theo nghề.

Từ sau giải phóng, ông bắt đầu đan thúng chai (thúng rái) cho ngư dân đi biển. Giai đoạn “thịnh vượng” nhất là khi du lịch Cẩm Thanh (TP.Hội An) phát triển, nhiều thúng chai đã được ông bán cho người dân nơi đây mua về phục vụ khách tham quan rừng dừa. Dù vậy, cũng chỉ một thời gian, sự xuất hiện của các thúng chai bằng nhựa composite khiến thúng chai tre chững lại. Bây giờ thi thoảng ông mới đan một cái nhưng giá cũng không bao nhiêu.

Để hoàn thành một thúng chai (đường kính 2m), ông Hỷ mất khoảng nửa tháng (chẻ nan, đan, lận vành, trắc dầu), giá bán 5 triệu đồng/thúng, coi như bỏ công làm lời. “Tính suông sẻ thì tháng làm 2 cái mà đâu phải lúc mô cũng có người đặt. Chưa kể cấn chuyện này, chuyện kia, rồi hiếu hỉ, đám đình nên công việc không đều” – ông Hỷ nói.

th1.jpg
Ông Trần Văn Hỷ và "học trò" làm việc khu Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu. Ảnh: VĨNH LỘC

Thu nhập thấp nhưng công việc không hề nhẹ nhàng. Theo ông Hỷ, ngoài chọn tre đạt (già thẳng, đặc ruột…), đốn vận chuyển về, công đoạn khó và nặng nhất là uốn hông và lận vành thúng, bởi vành tròn thúng mới tròn. Mỗi thúng chai lận tổng cộng 7 vành (4 cái ngoài 3 cái bên trong) nhưng cũng chỉ mình ông làm, cứ túc tắc từng ngày.

Tùy vào yêu cầu mà thúng chai có nhiều loại, cỡ khác nhau. Đơn cử, dùng để lắc xoay tròn trình diễn cho khách du lịch coi như ở rừng dừa Cẩm Thanh thì đáy phải nhọn để mặt tiếp xúc nước ít, dễ quay. Ngược lại, thúng chở người hoặc đi biển câu mực thì đáy bằng hơn.

Gia đình ông Hỷ neo người, chỉ 2 vợ chồng già. Thật ra, ông bà cũng có đứa con trai nhưng lấy vợ, lập nghiệp trong Núi Thành thi thoảng mới về thăm. “Trời cho mình khỏe để làm lụng qua ngày chứ con cái hắn cũng có cuộc sống riêng nên chẳng trông mong gì” – ông Hỷ chia sẻ và cho biết tuy còn khỏe mạnh nhưng vài năm gần đây ông không dám “mạo hiểm” đón tre nữa, sợ khi lôi cây lỡ té, nguy hiểm, không ai lo.

th4.jpg
Khu Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu đang xây dựng. Ảnh: VĨNH LỘC

Gần 2 tháng nay, ông Hỷ vào làm trong khu du lịch Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu đang xây dựng cách nhà vài trăm mét. Công việc chính là đan thúng chai và trình diễn phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, truyền nghề cho hai “đệ tử”, cũng hòm hèm 70 tuổi. Mỗi ngày ông Hỷ được trả 300 nghìn đồng, xem như có thêm thu nhập lo tiền mắm muối, hiếu hỉ.

Ông Quản Trái (thôn Trà Đông), nhận là học trò của ông Hỷ thừa nhận, trước đây cũng biết chút ít về nghề tre, nhưng đan thúng chai thì chịu nên theo ông Hỷ học nghề để mai mốt khu du lịch mở cửa đón khách thì trình diễn cho khách xem. Hiện tại, thầy trò ông Trái đã đan xong 4 thúng, mục tiêu đặt ra phải hoàn thành khoảng 10 thúng đủ cho một đội chèo chở khách tham quan rừng dừa nước Trà Nhiêu.

“Lý do tôi học đan thúng chai, đầu tiên là thích nghề này vì nó gắn với ông bà mình từ xa xưa nhưng bây giờ mai một hết. Thứ hai, để biết mà trình diễn cho khách du lịch khi họ tới tham quan làng, chứ nếu đan thúng bán thì không đủ tiền công sức bỏ ra” - ông Trái giải thích.

th2.jpg
Ông Trần Văn Hỷ và ông Trần Duy Tâm tại khu Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Trần Duy Tâm – thành viên Tổ hợp tác Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu, với mục đích phục hồi các ngành nghề truyền thống địa phương, từ cuối năm 2024 ông cùng một số người đã thuê đất xây dựng khu Làng nghề truyền thống Trà Nhiêu gắn với du lịch, dự kiến khi hoàn thiện đi vào hoạt động, khu làng nghề sẽ là nơi trình diễn các nghề truyền thống như dệt chiếu, đan lưới, đan tre làm quà lưu niệm, đan thúng chai, làm bánh tráng, làm hương, tinh chế dầu tràm… Trong đó, đan thúng chai sẽ là linh hồn của khu du lịch kết hợp với tour bơi thúng tại khu rừng dừa nước Trà Nhiêu.

“Sau khi khu du lịch đầu tư ổn định, chúng tôi sẽ kêu gọi, kết nối người dân vào hình thành hợp tác xã nhằm tạo sinh kế, thu nhập cho bà con thông qua các hoạt động trình diễn nghề. Khách tham quan làng sẽ được trải nghiệm các ngành nghề truyền thống như đan thúng, tráng mỳ, nấu rượu, bắt sìa, nơm cá… nên những người như ông Hỷ rất quan trọng, bởi đó không chỉ là một kho tàng tri thức sống về nghề đan thúng chai mà còn gắn với văn hóa vùng đất Trà Nhiêu cũng như những ngành nghề sông nước của làng” – ông Tâm chia sẻ.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/nguoi-dan-thung-chai-cuoi-cung-cua-lang-tra-nhieu-3154381.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm