|
Chị Hồ Thị Sa, tấm gương truyền cảm hứng tại xã A Lưới 4 Ảnh: HOÀNG OANH |
Khởi đầu từ gian khó
Trên con đường đất đỏ trơn trượt sau cơn mưa đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến trang trại bò của chị Hồ Thị Sa tại thôn Loah - Ta Vai. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, chị kể, hơn mười năm trước, vùng đất này khô cằn đến mức cây cối chẳng thể mọc nổi, nước sinh hoạt cũng khan hiếm, còn chuyện phát triển kinh tế thì hầu như không ai dám nghĩ đến.
Lúc trước, chị Sa chỉ nuôi vài con bò, nhưng rồi bò bị bệnh, trời lạnh thì thiếu cỏ, có khi phải đi cả buổi mới kiếm được vài bó nên cuộc sống khá khó khăn. Vì vậy, nhiều người lựa chọn rời bản làng để tìm kế sinh nhai nơi khác. Song, chị Sa vẫn bám đất, bám rừng. Bằng sự chịu khó học hỏi, chị bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo, điện thoại thông minh và cả những lần trực tiếp đi tham quan mô hình tại các địa phương khác, rồi tự tay cải tạo đất, trồng cỏ, làm chuồng và nuôi bò theo hướng hữu cơ.
Năm 2020 đánh dấu bước chuyển mình của gia đình chị khi mô hình nuôi bò sinh sản được mở rộng với hơn 60 con bò và hàng chục hecta rừng trồng kinh tế. Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình của chị nhanh chóng được công nhận là trang trại tổng hợp đạt tiêu chuẩn. Đến nay, quy mô đàn bò tăng lên 104 con, đồng cỏ cũng mở rộng hơn 10 hecta, mang lại nguồn thu ổn định hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Không dừng lại ở đó, năm 2023, sản phẩm thịt bò của chị Hồ Thị Sa được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, góp phần quan trọng vào sự thành công của nhãn hiệu tập thể “Bò vàng A Lưới” do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ toàn quốc. Đây là một trong những bước ngoặt lớn giúp sản phẩm từ miền núi có mặt tại các siêu thị lớn, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thực phẩm sạch.
Truyền cảm hứng
Không chỉ làm kinh tế hiệu quả, chị Hồ Thị Sa còn là người truyền cảm hứng trong cộng đồng. Theo bà Hồ Thị Hơn, Trưởng thôn Load - Ta Vai, mỗi buổi sinh hoạt của thôn, chị Sa đều góp mặt, không chỉ để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, mà còn truyền cho bà con niềm tin rằng cuộc sống có thể thay đổi nếu biết kiên trì. “Chị Sa không giấu nghề. Có cách làm ăn nào hay là hướng dẫn cho mọi người. Mỗi lần chị kể chuyện, chia sẻ chuyện nghề, ai cũng chăm chú nghe và học hỏi theo”, bà Hơn nói.
Chị Sa cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, thường xuyên nhờ cán bộ về hướng dẫn bà con tại chỗ. Với tinh thần “một người biết thì cùng nhau biết”, chị coi việc chia sẻ kiến thức là cách để cả cộng đồng cùng đi lên. “Ngày xưa mình không biết gì, phải mò mẫm từng chút một. Giờ mình có cơ hội thì không thể giữ riêng cho mình”, chị nói.
Đánh giá về chị Hồ Thị Sa, bà Lê Thị Quỳnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Lưới 4 khẳng định: “Chị Sa là hình mẫu cho sự bền bỉ của phụ nữ dân tộc thiểu số. Không chỉ vượt lên hoàn cảnh để phát triển kinh tế, chị còn lan tỏa tinh thần tự lực tự cường đến khắp bản làng. Chị là niềm tự hào của phụ nữ A Lưới 4”.
Năm 2023, chị vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (nay là thành phố Huế) vì có thành tích tiêu biểu trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Với chị, thành quả lớn nhất chính là sự đổi mới tích cực tại vùng đất từng được cho là “vùng đất chết”, là khi người trẻ ở Đông Sơn không còn rời bản mà chọn ở lại khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. “Tôi chỉ mong trang trại bò của mình là nguồn cảm hứng nhỏ cho những ai muốn bắt đầu. Mình làm được thì người khác cũng làm được”, chị Sa vui vẻ.
HẢI BĂNG
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nguoi-phu-nu-pa-co-truyen-cam-hung-tu-hanh-trinh-vuot-kho-vuon-len-156127.html
Bình luận (0)