Theo Bộ Y tế, tiêu thụ đồ uống có đường tại VN gia tăng nhanh, từ 3,44 tỉ lít năm 2013 lên 6,67 tỉ lít năm 2023. Tính bình quân đầu người, mức tiêu thụ đã tăng đến 350% (từ 18,5 lít/người/năm lên 66,5 lít/người/năm), tương đương khoảng 1,3 lít/người/tuần.
Uống nước ngọt mỗi ngày dù chỉ một lon có thể khiến bạn nạp vào cơ thể 30 - 40 gr đường tự do, vượt mức khuyến nghị hằng ngày của WHO
ẢNH: PHƯƠNG AN TẠO BỞI GEMINI AI
Điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh VN năm 2019 cho biết, khảo sát trên 7.796 học sinh từ 13 - 17 tuổi tại 20 tỉnh thành, có 33,96% học sinh uống nước ngọt có ga ít nhất một lần mỗi ngày.
Theo kết quả khảo sát cắt ngang tại 31 trường trung học cơ sở ở TP.HCM năm 2004 với 2.678 học sinh, những trẻ thường xuyên uống nước ngọt có nguy cơ mắc thừa cân béo phì cao hơn 3 lần so với trẻ không uống thường xuyên.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ học đường từ 5 - 19 tuổi đã tăng gấp đôi: từ mức 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng 30% trong 6 năm: từ 15,6% năm 2015 lên 19,6% năm 2020.
Theo dự báo từ các nghiên cứu thị trường, nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, tiêu thụ đồ uống có đường tại VN sẽ tiếp tục tăng trung bình 6,4% mỗi năm từ 2023 - 2028, tương đương mức tăng tổng cộng 36,6% trong 5 năm. Tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì và đái tháo đường.
Nghiên cứu toàn cảnh về thừa cân béo phì và yếu tố nguy cơ của thừa cân béo phì ở VN cho thấy tiêu thụ nước ngọt là yếu tố nguy cơ của thừa cân béo phì và cần phải được can thiệp để giảm sử dụng.
Không chỉ riêng ở VN, nghiên cứu tại 75 quốc gia trên thế giới cũng cho thấy cứ tăng tiêu thụ đồ uống có đường lên 1% thì có thêm 4,8% người lớn thừa cân; 2,3% người lớn béo phì; và 0,3% người mắc tiểu đường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thể 2, bệnh tim mạch, sâu răng, loãng xương, gây thừa cân và béo phì, đồng thời tiềm ẩn nhiều khả năng dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khác, trong đó có ung thư.
Để hạn chế tiêu dùng và sử dụng đồ uống có đường, WHO khuyến nghị các quốc gia cần áp dụng đồng bộ các biện pháp: áp thuế đối với đồ uống có đường, truyền thông trên diện rộng về tác hại của tiêu dùng thường xuyên đồ uống có đường, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đặc biệt với trẻ em…
Để giảm tiêu thụ đường từ đồ uống có đường ở mức đủ mạnh để phòng ngừa bệnh béo phì và các vấn đề sức khỏe có liên quan thì mức thuế đối với đồ uống có đường cần phải tăng giá bán lẻ lên ít nhất là 20%, theo khuyến nghị của WHO.
Tại VN, theo nghiên cứu của Trường ĐH Y tế công cộng: Nếu áp thuế để tăng giá bán lẻ đồ uống có đường lên 20% theo khuyến cáo của WHO thì tỷ lệ thừa cân, béo phì có thể giảm lần lượt 2,1% và 1,5%, giúp phòng tránh được 80.000 ca đái tháo đường và tiết kiệm cho hệ thống y tế gần 800 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thanh thiếu nhi hiện dễ dàng tiếp cận, sử dụng đồ uống có đường ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào và chỉ một số ít gia đình kiểm soát việc tiêu thụ loại đồ uống này. Sự thiếu kiểm soát khi sử dụng sẽ dẫn tới những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thế hệ trẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-tre-viet-nam-dang-tieu-thu-duong-vuot-khuyen-nghi-cua-who-185250519193842571.htm
Bình luận (0)