Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu

"Càng lên cao, tôi càng chạm đến chiều sâu trong tâm thức của mình, và đấy mới chính là cái đỉnh mà tôi muốn thuộc về nhất", cựu nhà báo Nguyễn Mạnh Duy, người vừa chinh phục "nóc nhà thế giới", chia sẻ với Thanh Niên.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Nguyễn Mạnh Duy có gương mặt dễ gây thiện cảm, giọng nói từ tốn mà nồng nhiệt, làn da nhiều chỗ hơi ngả xám vì cháy lạnh. Ở tuổi 41, anh vừa cán đích hành trình "double summit" (chinh phục kép) 2 đỉnh núi thuộc dãy Himalaya: Everest, 8.848 m - đỉnh núi cao nhất thế giới (sáng 11.5.2025) và ngay sau đó là Lhotse, 8.516 m - đỉnh núi cao thứ 4 thế giới (sáng 13.5), đánh dấu cột mốc 10 năm đến với các đỉnh núi Himalaya của anh.

MẠO HIỂM TRONG CẨN TRỌNG

Khởi nguồn ước mơ của Duy thật ra vốn sẵn trong máu một anh chàng xuất thân từ nghề báo kiêm "phượt thủ". Duy từng có thâm niên 10 năm chuyên vác máy ảnh khắp nơi lùng sục đề tài viết phóng sự, một phần cũng là để thỏa máu "giang hồ vặt". "Ngày đó tôi đã mắc chứng "nghiện núi", cứ hễ cuối tuần lại "một mình một ngựa" thẳng tiến Tây Bắc, đặc biệt là Hà Giang. Cho tới lần mà tôi nghĩ là duyên tiền định, tôi có chuyến đi đầu tiên đến Tây Tạng vào ngày 29.5.2014. Sở dĩ tôi nhớ như in ngày này là vì nó tình cờ trùng với ngày 29.5.1953, một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử bộ môn leo núi khi con người lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Kể từ giây phút đó, những tiếng gọi thầm từ núi cứ thế không ngừng vang lên trong đầu tôi...", Duy nhớ lại.

Anh Nguyễn Mạnh Duy chinh phục thành công đỉnh Everest

Để chinh phục Everest, Duy lần lượt vượt qua các độ cao từ hơn 6.000 m đến hơn 8.000 m. "Nguyên tắc của tôi, mà có lẽ cũng là nguyên tắc tối thượng với một VĐV leo núi, là mạo hiểm trong cẩn trọng, nhất định không tùy hứng đốt cháy giai đoạn. Có lẽ vì thế mà khi đặt những bước chân đầu tiên lên Everest, tâm thế của tôi tràn ngập tự tin", Duy nói.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 1.

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 2.

Gương mặt sạm đen vì cháy lạnh sau hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới của nhà leo núi không chuyên Nguyễn Mạnh Duy

ẢNH: NVCC

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 3.

Hành trình gian nan của nhà leo núi xuất thân từ nhà báo

Ảnh: NVCC

Hành trình chinh phục cũng mang đến cho người leo núi những triết lý sống sâu sắc, như hướng nhìn chẳng hạn. "Luôn nhìn về phía trước là điều những nhà leo núi cần thực hiện. Vì nếu nhìn lại phía sau hay nhìn xuống dưới, ngay cả với người giàu kinh nghiệm cũng sẽ thấy rất chóng mặt. Tất nhiên thỉnh thoảng khi nghỉ mệt, chúng ta có thể nhìn cả hướng lên lẫn hướng xuống để quan sát trọn vẹn hành trình. Với tôi thì thật ra từng bước chân là quan trọng nhất, vững vàng, kiên định trong từng bước chân thì dù chậm chúng ta vẫn đến đích...", Duy nói. Và đích đến của Duy, sau "nóc nhà thế giới" là chinh phục những đỉnh núi trên 8.000 m khác nữa. "Thế giới có 14 đỉnh, tôi mới chinh phục được 3", Duy nói.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 4.

Thử thách lớn của cuộc đời

Ảnh: NVCC

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 5.

Duy bảo trước khi mấy chữ Everest hiện lên trong đầu anh như một mệnh lệnh của ước mơ, anh từng đứng từ bên đỉnh núi láng giềng nhìn sang "nóc nhà thế giới" ở phía mờ sương, lúc lại đứng rất lâu dưới chân Everest và tự hỏi: "Bao giờ?". Người vừa chinh phục Everest nói rằng nếu có nỗi sợ lớn nhất trong anh, thì đấy không phải là không đến được đích, mà là không được lên đường. Và trên hành trình leo núi, sự dũng cảm đôi khi không phải ở quyết tâm đi tiếp, mà là... quay lại.

EVEREST - THIÊN ĐƯỜNG VÀ CHIẾN TRẬN

"Không gian và thời gian khi ở trên núi cao đúng là rất khác, nhất là những đỉnh núi trên 8.000 m, nơi lượng ô xy để thở chỉ còn 30% so với dưới mặt đất. Không gian và thời gian, nhất là trong những ngày summit push (nỗ lực lên đỉnh) mang đến cho tôi những chiêm nghiệm thú vị vì đó là những ngày leo rất lâu, thường sẽ khởi hành vào buổi tối hoặc đêm và cố gắng tới đỉnh vào khoảng thời gian sáng sớm. Đó là thời điểm đi an toàn nhất. Khi mình sống và tỉnh táo trong gần trọn vẹn 24 giờ một ngày thì mình cũng thấy thời gian khác rồi. Trên cao cũng giúp chúng ta quan sát không gian với một góc nhìn rất khác. Ở "thiên đường", vẻ đẹp của nó rất kỳ lạ… Ở trên đỉnh "nóc nhà thế giới", thậm chí gần như được thấy đường cong trên hình thể của trái đất, đó là một cảm giác rất vi diệu", Duy nói với sự trầm tĩnh nhưng rõ ràng có cả niềm hân hoan.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 6.

Để leo đến đỉnh, Mạnh Duy phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 7.

Duy đã xem Everest của đạo diễn Baltasar Kormákur, bộ phim được chọn chiếu khai mạc LHP Venice 2015. Bộ phim kể về thảm họa có thật từng xảy ra tại Everset vào năm 1996, khi một trận bão tuyết dữ dội đã cướp đi tính mạng của 8 nhà leo núi, với thông điệp lạnh người "Càng đến gần đỉnh núi, càng đến gần với cái chết". Duy nói anh đã khóc khi xem Everest ở những trường đoạn đo độ cứng tinh thần của người xem, không phải vì sợ mà vì thương "đồng đội", thương gia đình của họ.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 8.

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 9.

Cựu nhà báo Nguyễn Mạnh Duy (phải) tự hào bên lá Quốc kỳ trên đỉnh Everest vào lúc 9 giờ 9 ngày 11.5.2025

ẢNH: NVCC

Đường lên đỉnh Everest không chỉ có tiếng rít ghê người của gió, sự sắc lạnh của đá và cái lạnh âm hàng chục độ, mà như trong Free Solo - bộ phim tài liệu từng giành giải Oscar 2018 đã quả quyết: "Cơ thể con người không được sinh ra để sống sót với độ cao hoạt động của một chiếc máy bay 747". Đường lên đỉnh Everest đôi khi còn có những khoảng lặng khi đập vào mắt người chinh phục là hình ảnh những thi thể chìm nghiêng trên núi tuyết. "Cảm giác của tôi lúc đó không hẳn sợ mà là buồn. Buồn vì nhìn thấy những người bạn chung ước mơ với mình đã không may nằm lại ở một nơi mà người nhà của họ nhiều khi khó lòng đưa được họ về nhà, vì chi phí cho việc này lên tới hơn 85.000 USD. Họ không phải là những người hùng thất bại, họ thậm chí đã đến đích, hoặc gần đến đích, chỉ là họ đã bị kiệt sức trên đường quay về, hoặc gần tới đỉnh...", Duy xúc động nói.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 10.

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 11.

Hành trình khó quên trong đời

Lại có những khoảng lặng khi đứng trước những mộ gió tại khu tưởng niệm, được đặt ở độ cao 4.500 m, nơi người thân của những nhà leo núi tử nạn để lại những lời tiễn biệt se lòng. Trong đó, Duy nhớ mãi lời một người vợ của một nhà leo núi: "Điều quan trọng là anh đã thực hiện được ước mơ đẹp nhất của mình và giờ đây, từ trên nóc nhà thế giới, anh đã có thể thấy mọi thứ hiện ra thật là đẹp đẽ, đúng như anh muốn...".

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 12.

Mạnh Duy và tổ ấm của mình

Ảnh: NVCC

 

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 13.

Hành trình chinh phục đỉnh Everest của chàng trai Hà Nội phần nào khiến tôi liên tưởng đến những bước chân lữ hành của Shimamura, chàng trai Tokyo từng ba lần chinh phục các đỉnh núi tuyết trong Xứ tuyết của văn hào Nhật Kawabata. Những áng văn đẹp đến lặng người về sự tĩnh lặng nơi đỉnh non thiêng: "Bốn bề trắng xóa tuyết, tiếng tuyết đóng thành băng như âm vang từ tận lòng đất sâu. Sao nhiều đến mức khó tin, ngước trông là thấy chúng nổi rõ trên nền trời, tưởng chừng đang rơi liên miên với tốc độ phi thực...". Còn Duy thì nói, với anh, đấy là tiếng gọi của núi.

Đi đến tận cùng tiếng gọi ấy, sẽ gặp được mình!

NHỮNG CỘT MỐC TRÊN HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC EVEREST

- Năm 2014, Mạnh Duy đặt chân đến Everest Base Camp lần đầu; tiếp đó các năm 2015, 2016, 2017, 2022 đều đặt chân tới Everest Base Camp ở cả Nepal và Tây Tạng.

- Đã thực hiện nhiều hành trình đến khắp các vùng đất Himalaya: Ladakh, Sikkim, Kashmir, các cung trekking các nhau như Annapurna Circuit, Upper Mustang.

Người Việt vừa chinh phục đỉnh Everest: Lên cao để chạm đến... độ sâu- Ảnh 14.

Lá cờ Việt Nam xuất hiện ở nơi mà ý chí con người được thử thách cực đại

Ảnh: NVCC

- Tháng 4.2023 chinh phục đỉnh Merapeak cao 6.476 m.

- Tháng 3.2024 chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812 m.

- Tháng 9.2024: Là người VN đầu tiên phục đỉnh thành công đỉnh Manaslu cao 8.163 m (cao thứ 8 thế giới).

- 11.5.2025: Chinh phục thành công đỉnh Everest.

- 13.5.2025: Người VN đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Lhotse cao 8.519 m (cao thứ 4 thế giới).

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/nguoi-viet-vua-chinh-phuc-dinh-everest-len-cao-de-cham-den-do-sau-185250526231533793.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm