Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam được cải tạo, xây dựng từ khu nhà truyền thống của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định; hiện vẫn lưu giữ được những dấu ấn kiến trúc cổ của Pháp.
Đưa chúng tôi đi tham quan Nhà truyền thống, chị Phạm Thị Thu Hà, cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dệt may Việt Nam tự hào chia sẻ, nhà máy Dệt Nam Định vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm vào những năm 1957, 1959 và 1963. Hiện nay, Nhà tuyền thống vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh, bút tích, kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là căn phòng Bác từng nghỉ lại trong 2 lần về thăm và làm việc tại nhà máy vào năm 1957 và 1963.
Căn phòng Bác Hồ từng nghỉ lại khi về thăm và làm việc tại nhà máy Dệt Nam Định.
Căn phòng Bác nghỉ ngơi được sắp xếp, bày trí rất đơn sơ, giản dị, ở giữa là giường ngủ và bộ bàn ghế làm việc. Bên cạnh cửa sổ kê bộ bàn ghế tiếp khách, gồm một bàn, hai ghế. Trong căn phòng còn trưng bày chiếc mũ cối, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su được Bác sử dụng trong một lần về thăm, làm việc với nhà máy.
Bộ bàn ghế và ấm chén Bác Hồ dùng để tiếp khách.
Kỷ vật của Bác Hồ trong lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Nam Định ngày 15/3/1959.
Những bút tích của Bác Hồ tại nhà máy Dệt.
Bức điện báo chúc Tết Bác Hồ gửi công nhân và cán bộ Nhà máy Dệt Nam Định ngày 28/12/1963.
Phía trên tường gần bàn làm việc đang trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với những dấu ấn, bút tích của Bác như: Bản dự thảo giao ước thi đua của nhà máy Dệt, trong đó có bút tích sửa chữa của Bác ngày 4/4/1963; Mẫu cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nhà máy Dệt Nam Định làm để tặng cho Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 Nước và 2 nhà máy, trên mẫu cờ có bút tích sửa chữa của Bác...
Đặc biệt là Bức điện báo chúc Tết Bác Hồ gửi công nhân và cán bộ Nhà máy Dệt Nam Định ngày 28/12/1963. Trong bức điện có đoạn viết: “…Bác thân ái gửi lời khen công nhân và cán bộ đã thi đua thực hiện tốt kế hoạch năm 1963 trước thời hạn. Bác chúc các cô, các chú năm mới vui vẻ, mạnh khỏe và cố gắng thi đua để giành thắng lợi to hơn nữa theo kịp anh chị em nhà máy dệt Bình Nhưỡng”.
Từ khung cửa sổ căn phòng có thể nhìn thấy cây muỗm cành lá xum xuê, tỏa bóng mát và chiếc ghế đá Bác từng ngồi trao đổi công việc với các đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định trong lần cuối Bác về thăm nhà máy năm 1963.
Căn phòng Bác Hồ nghỉ ngơi có nhiều cửa nhất trong khu nhà, và kết nối thẳng tới phòng tuyến của tỉnh để đề phòng những tình huống khẩn cấp.
Chiếc ghế đá Bác Hồ từng ngồi trao đổi công việc với các đồng chí Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định năm 1963.
Ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương ngồi thảo luận công tác dưới gốc cây muỗm.
Bên cạnh căn phòng Bác nghỉ ngơi là phòng trưng bày những bức ảnh tư liệu quý trong 3 lần Bác Hồ về thăm nhà máy như: Ảnh cán bộ, công nhân nhà máy Dệt Nam Định vui mừng đón Bác về thăm vào ngày 24/4/1957; Bác Hồ thăm phân xưởng dệt năm 1957; Bác Hồ thăm nhà mẫu giáo dành cho con em cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định năm 1963, những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh Nam Định nói chung, công nhân ngành Dệt may nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Không gian trưng bày hình ảnh, phim tài liệu về 3 lần Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định.
Ảnh Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định ngày 24/4/1957.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Dệt Bình Nhưỡng năm 1957, và ảnh Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm Việt Nam năm 1958.
Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam là nơi lưu giữ những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý báu phản ánh sâu sắc tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” của giai cấp công nhân ngành Dệt may trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Xác máy bay do công nhân nhà máy Dệt Nam Định bắn rơi.
62 năm đã trôi qua kể từ lần cuối Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định, căn phòng làm việc cũng như các kỷ vật, bút tích của Bác Hồ vẫn luôn được cán bộ, nhân viên Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam trân trọng, gìn giữ, bảo quản với tấm lòng thành kính, tri ân và nhắc nhở các thế hệ mai sau về tình cảm quý báu của Bác Hồ dành cho cán bộ, nhân dân tỉnh Nam Định nói chung và ngành Dệt may nói riêng, từ đó tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang của các thế hệ đi trước.
Bài, ảnh, video Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc
Bình luận (0)