Thực hiện Chỉ thị của Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có Vĩnh Phúc đã tiến hành thành lập các Ủy ban dân tộc giải phóng ở các làng, xã để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Đêm 16/7/1945 tại thị trấn Tam Đảo, trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn chỉ huy đã nổ những phát súng đầu tiên tiêu diệt đồn binh Nhật gồm 11 tên và thu nhiều chiến lợi phẩm như súng đạn, ống nhòm, điện thoại..., giải thoát hơn 100 tù binh Pháp và người Việt. Trận đánh khởi đầu cho tiến trình khởi nghĩa từng phần ở Vĩnh Phúc.
Ngày 17/8/1945, nhận tin Nhật đầu hàng, Ủy ban dân tộc giải phóng huyện Lập Thạch đã huy động hơn 200 tự vệ đến chiếm huyện lỵ. Tri huyện Bùi Tất Cường bỏ trốn, bọn nha lại và binh lính giao nộp ấn tín, giấy tờ và 18 khẩu súng cho lực lượng cách mạng.
Ngày 19/8/1945, cùng với nhân dân Hà Nội, lực lượng tự vệ và nhân dân Phúc Yên đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 21/8/1945, quần chúng cứu quốc cùng lực lượng tự vệ, du kích và nhân dân tiến vào huyện lỵ Vĩnh Tường. Lúc đầu đoàn người khởi nghĩa gặp phải sự kháng cự của lính bảo an và Quốc dân Đảng, nhưng trước sức ép của lực lượng Cách mạng, chúng phải chịu tước vũ khí vô điều kiện. Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Gia Thịnh đầu hàng, giao nộp ấn tín, tài sản và 57 khẩu súng cho lực lượng cách mạng. Quần chúng nhân dân mít tinh chào mừng chiến thắng và ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Tường.
Ngày 22/8/1945, lực lượng cách mạng và nhân dân huyện Yên Lạc khởi nghĩa. Trước khí thế mạnh mẽ, tri huyện Nguyễn Mạnh Nhu bỏ trốn, bọn nha lại và binh lính đã giao nộp ấn tín sổ sách và 7 khẩu súng cho cách mạng. Ngay chiều hôm đó, tại làng Yên Thư, lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân đã tổ chức một cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện.
Ngày 23/8/1945, một bộ phận dân chủ Đảng ở Hương Canh và Đông Đạo đã tiến lên huyện Tam Dương yêu cầu tri huyện Tam Dương Nguyễn Xuân Đĩnh giao nộp ấn tín, vũ khí. Nhưng hắn nhờ vào lực lượng Quốc dân Đảng đang từ Vĩnh Yên tới giải cứu nên không giao nộp. Lực lượng dân chủ Đảng chỉ tước được vài khẩu súng rồi rút lui. Cuộc khởi nghĩa chiếm huyện Tam Dương không thành nhưng gây được tiếng vang, cổ vũ phong trào Cách mạng trong tỉnh.
Ngày 24/8/1945, lực lượng tự vệ và nhân dân huyện Bình Xuyên biểu tình chiếm huyện, bắt giam tri huyện Đỗ Trọng Vinh, rồi tuyên bố giải tán chính quyền tay sai phong kiến và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Bình Xuyên.
Ngày 31/8/1945, hàng vạn quần chúng nhân dân và tự vệ du kích giương cao cờ đỏ sao vàng từ nhiều hướng tiến về thị xã Vĩnh Yên biểu tình giành chính quyền, nhưng phong trào quần chúng đã bị bọn Quốc dân đảng và Đại Việt đàn áp đẫm máu, làm hàng trăm người chết và bị thương. Cuộc khởi nghĩa bị tổn thất nặng và không thành công.
Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn từ ngày 17 - 31/8/1945, hàng chục vạn đồng bào ở Vĩnh Phúc theo lời hiệu triệu của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện và thị xã. Tuy lúc này Vĩnh Yên vẫn bị bọn phản động chiếm đóng, nhưng chính quyền từ làng, xã đến huyện đã được thiết lập. Điều đó cho thấy cuộc khởi nghĩa trên quê hương Vĩnh Phúc là một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng tháng Tám trong cả nước, góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Nguyễn Anh Ngọc
(Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc)
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/115592/Nhung-ngay-Cach-mang-Thang-Tam-tren-que-huong-Vinh-Phuc
Bình luận (0)