Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) bên bức tranh Bác Hồ. |
Ngôi nhà nhỏ nằm giữa thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) của nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến tĩnh lặng đến lạ, khác hẳn sự ồn ã của những xưởng đồ thờ, đồ mỹ nghệ xung quanh. Tầng một là không gian trưng bày những bức tranh sơn mài mà ông tâm đắc, tầng hai là nơi ông thả hồn vào sáng tác. Ở tuổi 71, ông vẫn vững tay cọ, đôi mắt vẫn ánh lên niềm đam mê như thuở nào. Sinh ra trong cái nôi của làng nghề Cát Đằng, từ nhỏ ông Tuyến đã quen với mùi sơn, với màu vàng quỳ, màu cánh gián, với tiếng lách cách của dao, của đá mài... Sớm bộc lộ năng khiếu hội họa, được anh trai hướng dẫn, ông bắt đầu vẽ những bức tranh đầu đời với cảnh đồng quê, núi non. Năm 1971, ông nhập ngũ. Trong quân đội, ông được giao nhiệm vụ kẻ vẽ khẩu hiệu, pa-nô cổ động. Đó cũng là cách ông tiếp tục rèn nghề. Năm 1977 xuất ngũ, ông trở về quê và chính thức gắn bó với Hợp tác xã sơn mài Cát Đằng. Thời kỳ này, ông được bồi dưỡng chuyên môn bởi giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từ đó nâng cao kỹ năng và khẳng định tên tuổi. Đỉnh cao của sơn mài Cát Đằng là những năm 1980-1988, khi đó hợp tác xã có tới 500 thành viên, 12 phân xưởng, sản phẩm đi khắp trong nước và xuất khẩu. Nhưng rồi cơ chế thay đổi, hợp tác xã giải thể, ông Tuyến lui về nhà, chuyên tâm sáng tác, giữ trọn tinh thần nghề truyền thống. Tranh sơn mài không dễ. Từ chọn nguyên liệu như sơn ta, dầu trẩu, nhựa trám, đến làm cốt bằng gỗ, tre, nứa... mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Làm vóc trải qua hàng loạt bước: bó, hom, lót, thí, cầm, thếp, phủ - sau mỗi lớp đều phải mài phẳng. Rồi đến giai đoạn trang trí: phác thảo bố cục, dán vỏ trai, vỏ trứng, rắc vàng bạc, vẽ nét, phủ sơn, đánh bóng... Ông Tuyến thuộc số rất ít nghệ nhân hiện nay còn tự tay thực hiện tất cả các công đoạn đó. Những bức tranh sơn mài của ông không chỉ là tác phẩm mỹ thuật, mà còn mang đậm hồn cốt dân gian Việt. Từ tranh tứ linh, tứ quý đến phong cảnh quê hương, di tích lịch sử... đặc biệt là các bức chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện bằng nét vẽ tinh tế, sắc sảo. Nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến chia sẻ: “Muốn làm một bức tranh sơn mài tứ quý, phải dành ít nhất một tháng mới có thể hoàn thiện. Hiện nay ở trong làng, số người còn đủ tay nghề để vẽ nét đẹp ngày một ít đi. Ngoài hoa tay, người vẽ còn phải thật tỉ mỉ, có óc sáng tạo thì mới cho ra được một tác phẩm hoàn hảo”. Dẫu nghề nay không còn thịnh như xưa, ông Tuyến vẫn kiên trì bám trụ, ngày ngày cần mẫn bên khung tranh, vừa sáng tác vừa tận tình chỉ bảo lớp trẻ. Bởi với ông, giữ nghề không chỉ là giữ lấy một kỹ thuật, mà là giữ lại một phần hồn cốt của quê hương.
Nếu Cát Đằng nổi tiếng với tranh sơn mài, thì thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) lại nức tiếng khắp vùng với múa rối nước. Nghệ thuật này đã tồn tại hàng trăm năm và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Giữa làng nghề truyền thống ấy, anh Phan Văn Triển (48 tuổi) là một trong số ít người vẫn miệt mài gắn bó với công việc chế tác con rối nước. Thuở nhỏ, mỗi lần làng có phường rối biểu diễn, anh say mê đứng xem đến quên cả giờ về. Lớn lên, tình yêu ấy bén rễ lúc nào chẳng hay. Từ học đục đẽo, tô vẽ cho đến mày mò lắp máy điều khiển, mọi kỹ thuật đều được anh tự tay trải nghiệm, miệt mài hoàn thiện. Hơn hai mươi năm gắn bó, đến nay mỗi tháng xưởng của anh sản xuất đều đặn khoảng 200 con rối, phục vụ cho các phường rối trong cả nước. Mỗi con rối là một nhân vật, một tích trò. Có con là ông Trạng, có con là cô Tiên, có con là anh nông dân, chú trâu, con gà... sống động như bước ra từ đời sống làng quê. Để làm được một con rối, phải qua hàng chục công đoạn: từ chọn gỗ (thường là gỗ sung, gỗ mít), đục tạo hình, mài nhẵn, hong khô, phủ sơn chống thấm, vẽ họa tiết, thếp vàng bạc, rồi lắp bộ điều khiển bằng dây, cần, sào... Nhiều con rối phải khoét rỗng bên trong để nhẹ, dễ điều khiển trên mặt nước. Mỗi nét vẽ, mỗi chi tiết đều phản ánh tính cách nhân vật: rối nữ thì mặt trái xoan, rối nam mặt vuông chữ điền, răng đen, áo nâu, khăn xếp… Anh Triển chia sẻ: “Làm rối là thổi hồn vào từng nhân vật. Nhìn rối biết ngay đó là ai, đóng vai gì. Người thợ phải có cảm quan dân gian, hiểu văn hóa, mới làm được”. Không chỉ chế tác, anh còn biểu diễn và truyền dạy lại cho con em trong làng. Với anh, mỗi con rối là một “đứa con tinh thần”, là cách để giữ lại ký ức, giữ lại nét đẹp truyền thống. Giờ đây, khi rối nước dần trở thành sản phẩm du lịch, anh Triển cùng các thợ trong làng cũng chế tác thêm rối mini để làm quà lưu niệm. Cùng với các phường rối tư nhân, anh góp phần đưa nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Từ tranh sơn mài Cát Đằng đến những con rối nước làng Rạch, mỗi người thợ, mỗi sản phẩm đều góp phần lưu giữ những mảng màu ký ức của văn hóa dân gian Việt. Và tại thành phố Nam Định, vẫn còn một nghệ nhân lặng lẽ, âm thầm gắn bó với một nghề thủ công tưởng chừng đã dần rơi vào quên lãng - nghề làm mặt nạ giấy bồi. Ở tuổi 81, nghệ nhân Lê Văn Hải, phường Quang Trung (thành phố Nam Định) vẫn miệt mài bên giấy, hồ dán, màu vẽ và khung tre để tạo nên những sản phẩm truyền thống như mặt nạ ông Địa, chú Tễu, đầu lân, đầu sư tử. Là người đam mê mỹ thuật từ nhỏ, ông từng thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng đã gác bút lên đường nhập ngũ. Sau chiến tranh, ông về quê, làm công nhân, rồi tự mày mò phục dựng nghề giấy bồi. Nghề làm mặt nạ, đầu lân bằng giấy bồi tưởng đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và óc sáng tạo cao độ. Từ tạo khuôn, bồi giấy đến trang trí, mỗi bước đều cần sự khéo léo và chính xác. Một chiếc mặt nạ giấy bồi có tới ba lớp: lớp lót, lớp bìa và lớp ngoài trang trí. Hồ dán ông dùng cũng là công thức riêng từ bột sắn và nhựa cây, giúp giấy dẻo dai, bền, không mối mọt. Mỗi chiếc mặt nạ - từ ông Địa, chú Tễu, Thị Nở đến hổ, ngựa, đại bàng… đều được vẽ bằng tay, sắc nét và sinh động. Với ông, không có hai mặt nạ nào giống hệt nhau, bởi mỗi sản phẩm là một tâm trạng, một nét hồn riêng. Từng lớp màu, từng nét tô đều là sự kết tinh của hàng chục năm kinh nghiệm và tình yêu nghề. Không dừng lại ở mặt nạ, ông còn làm đầu lân, đầu rồng bằng khung tre và giấy bồi. Khung được vót uốn công phu, bồi hồ nhiều lớp, rồi vẽ họa tiết theo lối truyền thống Việt Nam. Đầu lân của ông mang nét hiền hậu, thuần Việt, khác với đầu lân nước ngoài dữ dằn, sắc sảo. Giờ đây, những sản phẩm thủ công xuất hiện trong mùa Trung thu truyền thống và trở thành món quà lưu niệm được du khách mang theo đến khắp mọi miền. Với nghệ nhân Lê Văn Hải, làm ra mỗi chiếc mặt nạ, đầu lân không đơn thuần là để bán, mà còn là cách ông góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa đang dần mai một. Nhiều đoàn khách quốc tế đã đến tận nhà ông để xem biểu diễn quy trình làm mặt nạ giấy bồi, được ông hướng dẫn tỷ mỉ. Niềm vui lớn nhất của ông Hải hiện nay đó là những người con, cháu của ông đều được dạy và nắm vững các quy trình sản xuất, chế tác các sản phẩm giấy bổi; từ đó, nghề sẽ có điểm tựa và sức sống lâu bền trong tương lai.
Dù mỗi người theo đuổi một nghề khác nhau, nhưng các nghệ nhân Đinh Khắc Tuyến, Phan Văn Triển và Lê Văn Hải đều có chung một tình yêu bền bỉ dành cho nghề truyền thống. Họ lặng lẽ gìn giữ những giá trị văn hóa mà cha ông để lại, gìn giữ nghề không chỉ bằng đôi tay, mà còn bằng cả tâm huyết và niềm tin. Nhờ đó, những giá trị xưa vẫn được duy trì, và thế hệ sau có thêm cơ hội hiểu, trân trọng và tự hào với những tinh hoa của quê hương.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/nhung-nghe-nhan-giu-nghe-xua-1e55c1f/
Bình luận (0)