Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN ) so với bình quân chung của tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ. Nhờ đó, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay khởi sắc.
Thu hẹp khoảng cách về thu nhập
Vĩnh Phúc hiện có 11 xã thuộc vùng DTTS&MN. Năm 2017 thu nhập bình quân chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, vùng DTTS&MN của tỉnh trước đây được biết đến là khu vực có xuất phát điểm thấp, trình độ sản xuất thấp, đơn giản, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nhà trọ công nhân, kinh doanh tạp hóa của gia đình bà Trương Thị Hằng, người dân tộc Sán Dìu, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thế Hùng
Tuy nhiên, thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời hiệu quả giúp bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng khởi sắc, đời sống đồng bào các DTTS được nâng lên rõ rệt.
Hiện, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; chuyển dịch cơ cấu phù hợp với thực tế và trình độ sản xuất của đồng bào. Kết cấu hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ đã góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao đời sống người dân.
Tại xã Trung Mỹ, địa phương có đồng bào DTTS chiếm 58%, từng biết đến là một trong những xã nghèo của huyện Bình Xuyên trước đây, tuy nhiên đến nay, đời sống của đồng bào DTTS ở Trung Mỹ đã có sự thay đổi rõ rệt.
Sở hữu khu nhà trọ lớn nhất nhì trong xã với quy mô 36 phòng, bà Trương Thị Hằng, người dân tộc Sán Dìu, thôn Trung Mầu chia sẻ: “Trước đây, ngoài làm ruộng, tôi cũng đi làm công nhân, buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập cũng còn thấp chỉ được 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, nhận thấy nhu cầu lưu trú tăng mạnh sau khi KCN Bá Thiện 2 đi vào hoạt động, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng 36 phòng trọ. Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm qua, song công suất sử dụng phòng thường xuyên đạt 70 - 80 %. Thậm chí nhiều thời điểm toàn bộ phòng đều kín người thuê. Thu nhập từ cho thuê nhà trọ hiện khá ổn định, ở mức 25 - 30 triệu đồng/tháng”.
Từ sự định hướng, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ngày càng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của đồng bào DTTS ở Trung Mỹ được phát triển, nhân rộng như chăn nuôi gà, trồng nho hạ đen, cho thuê nhà trọ, dịch vụ giải trí…
Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân xã Trung Mỹ đạt trên 56 triệu đồng/người, tăng 15,4% năm 2022. Ông Lưu Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ cho biết: “Hiện chính quyền xã đang tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương đặc biệt là thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, di tích tâm linh cùng bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS để phát triển du lịch. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong xã nói chung và đồng bào DTTS nói riêng”.
Với sự quan tâm của tỉnh cùng ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN những năm gần đây tăng lên rõ rệt, đạt 51,6 triệu đồng/người vào cuối năm 2022, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020 (đạt 48 triệu đồng/người). Năm 2023, con số này tiếp tục tăng lên 53,9 triệu đồng/người.
Hỗ trợ tạo sinh kế bền vững
Tại kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của tỉnh.
Mô hình trồng nho hạ đen của gia đình anh Lưu Văn Hải, người dân tộc Sán Dìu, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Thế Hùng
Theo kế hoạch hằng năm, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi xã xây dựng 1 mô hình/dựa án chăn nuôi lợn tập trung (ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chí phí, tối đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình), 1 mô hình/ dự án trồng cây ăn quả, hoặc rau an toàn (ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, tôi đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình).
Đồng thời hỗ trợ mỗi xã từ 1 - 3 mô hình/dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo sinh kế, thúc đẩy thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.
Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, năm 2023, tại 11 xã vùng đồng bào DTTS&MN đã có 8 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP vùng đồng bào DTTS&MN lên 22 sản phẩm.
Đồng thời có 3 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại xã Minh Quang và thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) đăng ký hỗ trợ, gồm 2 mô hình trồng cây ăn quả, 1 mô hình trồng rau an toàn.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với UBND huyện Tam Đảo tiếp tục triển khai, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình, tìm hiểu các văn bản hướng dẫn, cơ chế triển khai thực hiện.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN tiếp tục được quan tâm triển khai. Thực hiện lồng ghép trong chương trình đào tạo nghề của tỉnh trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 230 đối tượng là người DTTS.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã và đang tạo động lực lớn để thúc đẩy các địa phương vùng DTTS&MN khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào DTTS&MN năm 2025 tăng trên 1,5 lần so với năm 2021 theo đúng mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Nguyễn Hường
Nguồn
Bình luận (0)