Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Ia Trốk thu nhập cao từ cây đậu phộng

(GLO)- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, nhiều hộ dân ở xã Ia Trốk (huyện Ia Pa) thu về lợi nhuận vượt trội. Mô hình này đã mở ra cơ hội cho bà con nông dân địa phương.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai27/05/2025

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn nước ngày càng khan hiếm khiến một số loại cây trồng truyền thống tại huyện Ia Pa như lúa nước không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước thực tế đó, tháng 1-2025, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Ia Trốk triển khai mô hình “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng”.

Mô hình được triển khai trên diện tích 7 ha với 7 hộ dân buôn Plei Rngol tham gia. Các hộ được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật với tổng kinh phí trên 204 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế; đồng thời đối ứng công lao động và đầu tư hệ thống tưới béc phun. Sau gần 4 tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

1daubpphungbg.jpg
Bà Hoàng Thị Xuân Lâu thu hoạch đậu phộng. Ảnh: N.H

Thuê 5 nhân công thu hoạch 8 sào đậu phộng của gia đình, bà Hoàng Thị Xuân Lâu chia sẻ: Trước đây, gia đình đã thử nghiệm nhiều loại cây trồng như lúa, mì, bắp trên diện tích đất này nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Đầu năm 2025, khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng đậu phộng, tôi đã đăng ký tham gia. So với các loại cây trồng trước đây, đậu phộng có nhiều ưu điểm như dễ trồng, dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, vốn đầu tư ít, đặc biệt chịu hạn tốt và thích hợp với đất cát pha. Tỷ lệ nảy mầm của hạt đậu đạt 99%, không xuất hiện sâu bệnh gây hại.

“Tôi rất bất ngờ khi trồng 8 sào cho thu hoạch 8 tấn đậu phộng tươi. Thương lái đã đặt cọc thu mua trước với giá 17.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 80 triệu đồng. Vụ tới, tôi dự định nhân rộng diện tích lên gấp đôi”-bà Lâu cho biết.

Tham gia mô hình với diện tích 1,7 ha, ông Đặng Đức Hoàng phấn khởi cho biết: Cây đậu phộng đối với nông dân địa phương không quá xa lạ. Tuy nhiên, những năm trước đây, do sử dụng các loại giống kém chất lượng, quy trình chăm sóc ít áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả không cao.

Khi tham gia mô hình, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn tận tình, tư vấn sử dụng máy gieo hạt, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nên năng suất, lợi nhuận vượt trội.

“Nếu như trước đây, năng suất chỉ 5 tấn/ha thì năm nay đạt 10 tấn/ha. Lợi nhuận nhờ vậy cũng tăng lên 100 triệu đồng/ha, gấp 3 lần trồng lúa. Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng thân cây đậu phộng làm thức ăn cho bò”-ông Hoàng phấn khởi nói.

22-nong-dan-ia-trok-thu-hoach-dau-phong-anh-vu-chi.jpg
Nông dân Ia Trôk thu hoạch đậu phộng. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trốk: Phương pháp canh tác truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến đất đai bị bạc màu, năng suất cây trồng giảm. Nay tham gia mô hình “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, bà con đã biết áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ vậy, tiết kiệm được nước, vật tư nông nghiệp và tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, thân và lá đậu phộng sau khi thu hoạch để lại một lượng mùn đáng kể, góp phần cải tạo đất, giúp người dân thuận lợi hơn trong tái sản xuất vụ sau. Đây là hướng đi triển vọng cho nông dân địa phương.

2vc.jpg
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đậu phộng tăng đáng kể, giúp nông dân Ia Trôk có lợi nhuận cao. Ảnh: Vũ Chi

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hoàng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Hàng năm, huyện chuyển đổi hơn 3.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như: thuốc lá, khoai lang, dưa hấu…

Trong đó, mô hình “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng” tại xã Ia Trốk đã mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Với năng suất trung bình 8-10 tấn/ha, giá bán 16.000-17.000 đồng/kg, mỗi ha đậu phộng lãi khoảng 80-100 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với các cây trồng truyền thống như lúa, bắp, mì.

“Ngoài việc thu hoạch hạt, nông dân còn tận dụng thân, lá cây đậu phộng để làm thức ăn cho bò, dê. Do có khả năng cố định đạm cao nên rễ cây sau khi thu hoạch để lại cho đất một lượng phân bón khá lớn, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí bón phân cho vụ sau. Quan trọng nhất là mô hình đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao trình độ canh tác từ khâu làm đất đến xuống giống, chăm sóc.

Từ thành công bước đầu của mô hình, Trung tâm đã đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo. Mục tiêu là xây dựng vùng chuyên canh cây đậu phộng, thu hút các doanh nghiệp về liên kết sản xuất với người dân”-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ huyện cho biết.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/nong-dan-ia-trok-thu-nhap-cao-tu-cay-dau-phong-post324817.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm