Nằm trong dòng chảy đổi mới của nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật xiếc – vốn phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và tương tác trực tiếp với khán giả – đang đối mặt với yêu cầu phải thay đổi để bắt kịp thị hiếu hiện đại.
Trong buổi ra mắt Nhà hát Ngôi sao, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ vào xiếc là “bước phát triển tất yếu”, nhất trong bối cảnh công chúng ngày càng ưa chuộng các trải nghiệm đa tầng, thị giác mạnh.
NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Theo ông Thắng, ứng dụng công nghệ không nhằm thay thế, mà để bổ sung cho xiếc, tạo ra những không gian trình diễn sống động hơn. “Một tiết mục múa về làng quê Việt Nam nếu thêm hình ảnh sân đình, cổng làng tái hiện bằng công nghệ mapping 3D, sẽ tăng thêm tính thẩm mỹ và chiều sâu cảm xúc cho người xem”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận công nghệ không phải là “cây đũa thần” có thể cứu vãn mọi thứ. Khi đưa công nghệ lên sân khấu, nghệ sĩ phải luyện tập nhiều hơn, tương tác đồng bộ với âm thanh, hình ảnh, tiết tấu để đảm bảo sự ăn khớp và an toàn.
“Thay vì chỉ tập trung vào kỹ thuật thuần túy, nghệ sĩ bây giờ còn phải phối hợp với công nghệ, đòi hỏi nỗ lực gấp đôi”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Việc kết hợp công nghệ vào xiếc phức tạp hơn nhiều so với biểu diễn thông thường.
Dẫn ví dụ từ quốc tế, ông nhắc tới Cirque du Soleil - đoàn xiếc nổi tiếng thế giới - mất đến hai năm để xây dựng show tích hợp công nghệ, cho thấy mức độ phức tạp và đầu tư cần thiết cho một mô hình biểu diễn hiện đại.
Việc Nhà hát Ngôi Sao trở lại với diện mạo mới cũng được ông xem như cơ hội để tái khởi động những dự án từng được khán giả ghi nhớ, điển hình là show IONAH – vở diễn từng gây tiếng vang nhờ kết hợp giữa xiếc, múa đương đại và công nghệ trình chiếu mà ông làm đạo diễn.
Dù IONAH đã dừng hoạt động, NSND Tống Toàn Thắng kỳ vọng một phiên bản mới sẽ được phát triển, giữ tinh thần cũ nhưng nâng cao yếu tố giải trí, hướng tới phục vụ du lịch và khán giả quốc tế.

Công nghệ trình diễn hiện đại đang trở thành thách thức lớn với các nhà hát công lập.
Ở góc độ sân khấu kịch nói, NSƯT Kiều Minh Hiếu – quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam – cho rằng công nghệ trình diễn hiện đại đang trở thành thách thức lớn với các nhà hát công lập vốn chưa được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất.
“Phần lớn các nhà hát nhà nước chỉ có sân khấu với thiết kế cơ bản. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân đang dấn thân đầu tư vào công nghệ trình chiếu, đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa”, ông nói.
Dù được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho sân khấu, đặc biệt là xiếc – bộ môn vốn chịu nhiều thiệt thòi về đầu tư và khán giả – nhưng việc ứng dụng công nghệ hiện đại cần được nhìn nhận cẩn trọng, tránh rơi vào xu hướng “trang trí hóa” mà thiếu đi chiều sâu nghệ thuật. Điều còn lại vẫn nằm ở kịch bản tốt, chất lượng biểu diễn và sự cộng hưởng giữa nghệ sĩ với người xem – yếu tố cốt lõi để sân khấu tồn tại trong lòng công chúng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nsnd-tong-toan-thang-xiec-ket-hop-cong-nghe-nghe-si-phai-no-luc-gap-doi-ar944257.html
Bình luận (0)