(Dân trí) – “Nửa đêm, chị điều dưỡng lôi mình ra ngoài phòng mổ, dúi vào tay hộp sữa uống lấy sức. Nhưng lúc đó mình không bận tâm chuyện ăn uống, vì chỉ lơ đễnh một chút, bé sẽ mất chi hoàn toàn…”, nữ bác sĩ kể.
Vi phẫu tạo hình và Bỏng là hai chuyên khoa sâu phức tạp trong ngành y, đòi hỏi ở nhân viên y tế tính tỉ mỉ, chịu được áp lực cao, với những cuộc mổ kéo dài hàng giờ. Có lẽ vì vậy, những ngành này hiếm khi được nữ giới lựa chọn.
Nhưng tại một bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam, có một nữ bác sĩ nhiều năm qua đã chọn đeo đuổi cả 2 lĩnh vực trên, để đưa nhiều trường hợp bất hạnh, gặp sự cố đứt lìa hoặc tổn thương cơ thể nặng nề trở về với cuộc đời lành lặn. Đó là bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà (SN 1982, quê Lâm Đồng), Phó trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).
Sau nhiều lần lỡ hẹn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Ngọc Ngà khi cô vừa ra ca trực, để hiểu thêm những buồn vui trên con đường mà cô dấn thân.
Xin cảm ơn bác sĩ Ngọc Ngà, vì vừa mới ra ca trực dài nhưng chị vẫn đồng ý cuộc gặp này. Ngày chọn vào ngành y, chị có mường tượng đến chuyện phải “ăn ngủ tại bệnh viện” thế này không?
– Tôi có hai anh trai đều là bác sĩ, nếu nói gia đình có truyền thống theo ngành y cũng đúng. Nhưng bước ngoặt để tôi chọn vào ngành này là vào năm tôi học lớp 6. Khi đó, mẹ tôi đang khỏe mạnh bỗng lên cơn tăng huyết áp, rồi mất vì đột quỵ. Nỗi đau đầu đời đó khiến tôi nhen nhóm ý tưởng phải trở thành bác sĩ, để chăm lo sức khoẻ cho mình và bản thân.
Tôi cố học để thi đậu vào Đại học Y Dược TPHCM năm 2003, rồi tốt nghiệp năm 2009. Từ kinh nghiệm chia sẻ của các anh, ngay từ lúc đầu, tôi biết làm ngành y luôn phải sẵn sàng với những ca trực, vì bệnh tật đâu chọn giờ hành chính để ập đến.
Từ lúc đầu, bác sĩ Ngọc Ngà đã chọn ngành Vi phẫu tạo hình và Bỏng?
– Không phải. Ban đầu sau khi tốt nghiệp, tôi định hướng theo chuyên ngành Nhi tổng quát, rồi ngả sang Chỉnh hình, vì các anh đang theo lĩnh vực này. Sau đó, tôi nhận thấy ngành Vi phẫu tạo hình những năm 2010 còn khá mới, thiếu nhân sự không nhiều.
Thời điểm đó, hầu như bệnh nhân bị tai nạn đứt lìa phải làm mỏm cụt, cuộc sống ảnh hưởng nặng nề. Do đó, tôi quyết định thử sức với ngành này, và sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển, tôi được nhận vào Bệnh viện Nhi đồng 2.
Cơ duyên để tôi tiếp xúc với chuyên ngành Bỏng cũng đến từ đây, vì ở Nhi đồng 2, những trẻ bị bỏng được xếp nằm chung khoa với bệnh nhi chấn thương chi thể. Nhiều lần tiếp xúc, chứng kiến trẻ gặp biến chứng nặng nề sau hỏa hoạn, ảnh hưởng cuộc sống suốt đời.
Và bỏng ở trẻ lại không giống với bỏng người lớn, liên quan đến cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Tôi vừa phải học để chỉ định nội khoa cho đúng, vừa phải bổ sung kiến thức về hồi sức, xử lý nhiễm trùng…
Đến những năm 2018-2019, số lượng bệnh nhi gặp tai nạn bỏng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày càng tăng dần, tôi và các đồng nghiệp gần như phải tiếp nhận điều trị số lượng tương đương giữa hai mặt bệnh Bỏng và Vi phẫu – Tạo hình.
Làm việc song song ở cả hai chuyên ngành Ngoại khoa nhiều năm, chắc bác sĩ đã tham gia hàng trăm ca phẫu thuật?
– Hầu như ngày nào tôi cũng mổ, từ mổ cấp cứu đến mổ chương trình. Với những trường hợp bỏng, trung bình cần 2-3 tiếng cho một lần ghép da. Còn với trẻ bị đứt lìa chi cần vi phẫu, phải căn chỉnh từng chút một dưới kính hiển vi, nên thời gian thường kéo dài.
Có trường hợp phải làm đến 14 tiếng đồng hồ, vì bệnh nhân đứt lìa cả 5 ngón tay. Ekip của chúng tôi phải mổ từ chập choạng tối đến 9h sáng ngày hôm sau.
Tôi nhớ mãi một trường hợp cách đây 5 năm. Thời điểm đó, bệnh viện tiếp nhận một thiếu niên 15 tuổi, bị bỏng điện rớt từ mái nhà xuống. Chúng tôi khám và xác định, bệnh nhân bỏng đến 70% cơ thể, lại bị đa chấn thương, phải nằm cấp cứu hồi sức 2 tháng.
Khi chuyển vào khoa Bỏng – Chỉnh trực, em đã suy kiệt nặng, từ 71kg ban đầu chỉ còn 31kg. Chúng tôi vừa phải cắt lọc, ghép da cho bệnh nhân nhiều lần, vừa phải can thiệp thêm về dinh dưỡng, nội khoa, xử lý nhiễm trùng…
Sau 6 tháng căng mình nỗ lực, bệnh nhân được cứu ngoạn mục, và hiện đã đi lại bình thường. Lần cuối bệnh nhân liên hệ với tôi là vào thời điểm dịch, em hỏi có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 được không.
Như bác sĩ chia sẻ, bệnh tật đâu chọn giờ hành chính để ập đến. Chị có thường xuyên thực hiện những cuộc mổ đêm?
– Tôi đã quen chạy đua cùng thời gian, nên việc bất ngờ vào viện trong đêm khi có ca bệnh cấp cứu là chuyện “cơm bữa”, và hầu hết là trẻ gặp vết thương đứt lìa.
Đêm muộn của năm 2014, tôi nhận tin báo có bé trai hơn 10 tuổi ở Đồng Nai, bị chiếc tivi ở trên cao bất ngờ rơi xuống, khiến những mảnh kính trên màn hình vỡ ra, đâm sâu vào cánh tay. Khi vào viện, cánh tay phải của bé tím, lạnh và không bắt được mạch, nguy cơ đoạn chi rất cao.
Lúc đó, tôi đã ra ca trực và đang ở huyện Nhà Bè (TPHCM), phải vội vã di chuyển 13km từ nhà chạy bệnh viện. Đến nơi, tôi thấy tay bé có vết thương dập, đứt hoàn toàn bó mạch thần kinh cánh tay.
Ekip điều trị lúc đó chỉ có 3 người, bao gồm bác sĩ trực cấp cứu, nhân viên y tế gây mê và tôi. Chúng tôi khẩn trương khâu nối động mạch và bó mạch thần kinh cho trẻ.
Ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, sau đó cháu bé giữ được cánh tay và phục hồi các chức năng hoạt động. Đây cũng là ca vi phẫu chỉnh hình đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Lần khác, tôi có cuộc gặp tối với đồng nghiệp trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) thì nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ đột ngột từ kíp trực của khoa, về một trường hợp bệnh nhi bị chấn thương rất nặng.
Sáng cùng ngày, trong lúc chạy xe đạp, cháu bé 13 tuổi bị trượt té và va chạm mạnh xuống đường. Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh nắn chỉnh xương nhưng không bắt được mạch máu, bàn chân lạnh.
Khi chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong đêm, bé được xác định bị gãy xương vùng cẳng chân phải, hoại tử và dập cơ nhiều. Nếu không phẫu thuật sớm, để huyết khối làm tắc mạch hoàn toàn, bé đứng trước nguy cơ mất chân.
Tôi báo tình huống trên với anh đồng nghiệp rồi vội vã quay trở lại bệnh viện chuẩn bị cho cuộc mổ. Khoảng 21h, ca phẫu thuật bắt đầu.
Bệnh nhân tổn thương những mạch máu quan trọng và đến viện trễ, thời gian thiếu máu dài nên cuộc mổ diễn ra khá căng thẳng. Kíp mổ 3 người chúng tôi mất 6 tiếng ròng rã để nắn chỉnh xương, vi phẫu nhiều mạch máu cho bệnh nhi. Cuộc mổ hoàn thành lúc 3 giờ sáng ngày 28/2 khiến ai cũng mệt nhoài. Đổi lại, chân bé được giữ thành công.
Nhưng không phải lúc nào may mắn cũng đến. Mới cách đây hơn 1 năm, khoa Bỏng – Chỉnh hình tiếp nhận một ca bỏng 90% vì cháy nhà. 20h mùng 5 Tết âm lịch, tôi cùng cộng sự phải tiến hành giải áp bỏng cho bệnh nhân tại giường hồi sức, suốt 3 tiếng đồng hồ.
Cho dù làm mọi cách, ekip điều trị vẫn bất lực nhìn bệnh nhân không qua khỏi. Ca bệnh đó khiến tinh thần của tôi suy sụp một thời gian.
Nghe chị chia sẻ, tôi thấy được sự mong manh giữa thành công và thất bại, giữa sự sống và cái chết. Đó có phải là khó khăn lớn nhất trên con đường mà chị đang đi?
– Khó khăn dễ nhận thấy trong chuyên ngành của tôi là việc bệnh nhân chủ yếu thuộc các trường hợp nặng, phải chăm sóc kéo dài, tỷ lệ tử vong cao. Hơn nữa, họ cũng thường có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng tự lo viện phí. Rất nhiều bác sĩ Bỏng – Tạo hình đã rẽ ngang hướng khác, vì liên tục chịu áp lực chuyên môn và gánh nặng tâm lý.
Chính tôi cũng vậy, có những khi muốn từ bỏ, vì mất tự tin với cả bệnh nhân lẫn bản thân, không biết đi con đường này đúng hay sai, có nên tiếp tục hay không… Lắm lúc, trong đầu tự đặt câu hỏi: Tại sao những công việc như ghép da, tắm bỏng, việc bất lực nhìn bệnh nhân qua đời cứ lặp đi lặp lại…
Tuy nhiên sau những khoảnh khắc đau buồn đó, tôi được các đàn anh an ủi, chỉnh sửa từng chút một, khuyên mình hãy lấy những bệnh nhân “hồi sinh” ngoạn mục để làm động lực trở lại. Tôi tự nhủ bản thân phải tìm cách xoay chuyển được những biến cố, tự tìm hy vọng, để cứu được nhiều người nhất có thể.
Đặc biệt, tôi còn có sự quan tâm, hỗ trợ hết sức từ Ban giám đốc bệnh viện. Mỗi lần thực hiện một ca khó thành công, tôi lại được thưởng nóng, cho thấy sự trân trọng của bệnh viện với công việc mình đang làm.
Và tôi cũng không đơn độc, bởi phía sau luôn có các bác sĩ Nội, bác sĩ Hồi sức hỗ trợ, những đàn anh sẵn sàng “chống lưng”.
Như vậy, sinh mạng của bệnh nhân chính là động lực để chị không buông bỏ?
– Tôi nhớ có một lần, ca mổ đã kéo dài từ chiều đến tối. Nửa đêm, chị điều dưỡng lôi mình ra ngoài mổ, dúi vào tay hộp sữa để uống lấy sức. Nhưng thực sự lúc đó mình không bận tâm chuyện ăn uống, vì chỉ cần lơ đễnh một chút, đứa trẻ sẽ mất chi hoàn toàn…
Tôi đã từng chứng kiến bệnh nhân của mình dù đã cận kề cái chết nhưng bác sĩ hồi sức hỗ trợ quyết không buông. Và tôi biết có những ca mổ không thể làm một mình.
Nên dù không trong ca trực, tôi và các đồng nghiệp sẽ vào viện để hỗ trợ nhau, bất kể là sáng hay đêm. Bởi nếu không làm ngay, bệnh nhân có thể thiếu máu nuôi, hoại tử cơ, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong… Lúc đó, có hối hận cũng không kịp.
Nhưng cứ miệt mài với chuyên môn, bệnh tật và những ca mổ, bác sĩ có chạnh lòng khi cuộc sống riêng bị ảnh hưởng?
– Nói thật, nhiều lúc tôi quên mất cuộc sống cá nhân của mình để dồn hết cho công việc, hay như mọi người thường nói nôm na là “đánh đổi thanh xuân”.
Hồi mới bắt đầu đi làm, có bạn bè lại nói sao mình không chọn Nha khoa, hay làm bác sĩ Nội “cho nhàn” mà lại chọn lĩnh vực nặng vậy. Mình nói cứ thử theo trước rồi từ từ tính. Nhưng theo lâu dần lại tìm được đam mê, không bỏ được…
Ngày trước, hai anh trai bác sĩ biết tôi chọn theo ngành Ngoại Nhi, rồi Vi phẫu cũng khuyên nên cân nhắc, vì con gái làm mảng này sẽ cực. Dù khuyên nhưng các anh và gia đình không ai phản đối, chỉ mong mình giữ sức khỏe.
Có lẽ vì cùng ngành nên chúng tôi hiểu công việc của nhau, và thực tế ai cũng bận để chăm sóc cho bệnh nhân của mình, thời gian đâu để theo sát nhau từng chút.
Chị có muốn nhắn nhủ gì với những đồng nghiệp của mình?
– Nếu sợ cực thì tôi nói đừng theo, vì ngành này cực lắm, lại nhiều trách nhiệm và gánh nặng, nếu không đam mê sẽ khó trụ nổi. Cả Bỏng và Vi phẫu – Tạo hình đều là những ngành rất chuyên sâu và “nghèo”, phải vừa đi, vừa mò mẫm học hỏi. Phải đam mê mới thành công được, và tôi nhận định thành công ấy đến với cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Tôi mong hệ thống đào tạo của chúng ta sẽ có định hướng rõ ràng hơn trong việc đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu trong ngành y, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện và lựa chọn theo đuổi ngay từ đầu, để có sự bổ sung về nhân lực. Vì hiện tại, lực lượng kế thừa chuyên ngành Bỏng và Vi phẫu tạo hình ở Việt Nam không nhiều.
Và tôi mong chế độ đãi ngộ cho ngành này ngày càng tốt hơn, để các bác sĩ có thể toàn tâm toàn ý tập trung phát triển chuyên môn.
Xin cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của bác sĩ!
Nội dung và ảnh: Hoàng Lê
Thiết kế: Tuấn Huy
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/nu-bac-si-danh-doi-thanh-xuan-de-noi-lien-cuoc-doi-nhung-tre-em-bat-hanh-20241019163610700.htm