Mô hình chăn nuôi hươu, nai của gia đình ông Hà Văn Hải ở Khu 8 - Đồng Chung xã Tu Vũ.
Ông Hà Văn Hải không phải là người mới bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, ông từng thử sức với nhiều mô hình chăn nuôi như lợn, trâu, bò, ong mật. Tuy nhiên, những mô hình này chỉ mang lại hiệu quả nhất định do những biến động của thị thường, thu nhập không ổn định. Không cam chịu, ông Hải tiếp tục tìm tòi, học hỏi qua sách báo và đi thực tế nhiều nơi. Trong đó, chuyến đi học tập mô hình chăn nuôi hươu sao tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã gợi mở cho ông và gia đình một hướng đi mới. Ông Hà Văn Hải chia sẻ: Lúc vào Hương Sơn, tôi thấy họ nuôi hươu bài bản, hiệu quả, đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao mà lại phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở quê mình. Về bàn bạc với gia đình, ai cũng đồng ý. Thế là tôi bắt tay vào làm.
Hiện nay, gia đình ông Hải đang chăn nuôi 10 con hươu và 6 con nai.
Sau khi nhận được sự ủng hộ từ gia đình và một số người quen hỗ trợ, đầu năm 2025, ông Hải mạnh dạn đầu tư mua 10 con hươu giống với giá 18 triệu đồng/con và 6 con nai giống với giá 30 triệu đồng/con từ các trang trại uy tín tại Hà Tĩnh. Cùng với việc mua con giống, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, phù hợp với tập tính của loài vật hoang dã nhưng đã thuần hóa. Đến nay, sau hơn 6 tháng chăn nuôi, đàn hươu, nai của gia đình ông Hải phát triển tốt. Trong đó, 6 con hươu đực đã bắt đầu ra nhung. Do là năm đầu tiên cho nhung nên mỗi cặp sừng mới chỉ nặng từ 200gram đến 300gram. Giá bán thị trường hiện tại đang là 1,7 triệu đồng/100 gram nhung hươu và 1,2 triệu đồng/100 gram nhung nai. Như vậy, dù mới ở giai đoạn khởi đầu, mô hình này đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông. Theo ông Hải nhẩm tính: Sơ bộ thì cũng có lãi rồi. Sang năm thứ hai, khi đàn hươu trưởng thành hoàn toàn, mỗi con có thể cho 800gram đến 1,2 kg nhung/năm. Nai thì cho cặp sừng khoảng 2kg. Với giá như hiện nay thì mỗi con hươu hoặc nai mỗi năm có thể mang về nguồn thu từ 17 triệu đến 20 triệu đồng cao hơn hẳn chăn nuôi bò, lợn.
Theo tính toán, sau 2 năm chăn nuôi đàn hươu, nai sẽ trưởng thành hoàn toàn; mỗi năm có thể mang về nguồn thu từ 17 triệu đến 20 triệu đồng từ việc bán nhung.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật, chăm sóc đàn hươu, nai đang lộc ngộc lớn bé trong chuồng nhà, bà Đinh Thị Sửu, vợ ông Hải góp chuyện: Nuôi hươu, nai không quá khó. Đây là những vật nuôi có khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật nếu đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Thức ăn chính là cỏ thì có thể tận dụng được đất vườn nhà để trồng. Ngoài ra cần bổ sung thêm ngô, sắn để tăng dinh dưỡng. Tuy nhiên, chăm sóc giống này không thể làm ẩu. Phải bỏ công chăm sóc kỹ lưỡng thì mới cho nhung chất lượng, bán được giá cao.
Không đơn độc trên hướng đi mới, thời gian qua gia đình ông Hà Văn Hải luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm từ ông Đinh Văn Tuế, cũng ở khu 8 - Đồng Chung. Gia đình ông Tuế là hộ tiên phong trong với mô hình nuôi hươu, nai tại xã Tu Vũ. Tính đến nay, gia đình ông đã có thời gian nuôi hươu, nai gần 10 năm. Từ vài con hươu, nai giống ban đầu, đến nay, tổng đàn hươu, nai của gia đình ông Tuế đã phát triền thành đàn với trên 50 con, trở thành mô hình lớn, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung. Sự đồng hành, chia sẻ giữa hai người nông dân đã góp phần củng cố thêm niềm tin vào tính khả thi của mô hình này. “Có gì tôi chưa rõ là lại sang hỏi ông Tuế. Ông ấy sẵn sàng chia sẻ từ cách phối giống, tẩy giun đến thu hoạch nhung. Nhờ đó mà đàn hươu nhà tôi phát triển tốt, từ khi nuôi đến giờ chưa có con nào bị mắc bệnh”, ông Hải phấn khởi nói.
Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Hà Văn Hải là minh chứng cho tinh thần vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Điều đáng trân trọng hơn nữa là câu chuyện của ông Hà Văn Hải không chỉ là những nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Mà nó còn là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó của một người lính. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông từng là chiến sĩ đặc công thuộc Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu tại chiến trường B. Sau đó, ông lại tiếp tục cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Lào Cai năm 1979. Trong chiến đấu, ông từng bị thương, rồi trở về quê hương, tham gia công tác xã hội, sau nghỉ hưu chuyển hướng phát triển kinh tế. Từ một cựu chiến binh không cam chịu nghèo khó, đến một người nông dân dám nghĩ dám làm, ông Hà Văn Hải đang là hình mẫu truyền cảm hứng tại địa phương. Mô hình nuôi hươu, nai của ông dù mới chỉ bắt đầu. Nhưng nó đang được kỳ vọng mở ra một hướng phát triển kinh tế mới bền vững cho người dân ở Tu Vũ. Nhất là những hộ có đất vườn rộng, thiếu điều kiện chăn thả. “Cái khó ở đây là mình có dám thay đổi hay không. Khi mọi chuyện đã thông, mình làm đúng, làm kiên trì thì hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương và bằng chính công sức của mình bỏ ra”, ông Hải tâm sự.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang đứng trước bài toán đổi mới mô hình sản xuất thì việc nuôi hươu, nai có thể được xem là một lựa chọn khả thi, phù hợp với điều kiện địa phương. Nếu làm tốt thì mô hình này có thể mở ra hướng phát triển kinh tế mới, ổn định và bền vững không chỉ ở vùng đất Tu Vũ mà có thể mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Mạnh Hùng
Nguồn: https://baophutho.vn/nuoi-huou-nai-ky-vong-mot-huong-di-moi-o-tu-vu-236732.htm
Bình luận (0)