Tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Anh Đức ở xóm Đoàn Kết vắng bóng khách hàng. Các sản phẩm như bàn ghế gỗ, tượng thần tài, tượng điêu khắc... đều phủ một lớp bụi dày. Từ đầu năm đến nay, thị trường ế ẩm nên chủ cơ sở tạm dừng sản xuất để tập trung bày bán các mặt hàng còn tồn kho. Hiện nay, tại khu vực nhà xưởng rộng khoảng 200m2 đang bày bán các sản phẩm có giá dao động từ 3 - 10 triệu đồng, trong đó một số mặt hàng có giá trị và tính thẩm mỹ cao lên tới trên 100 triệu đồng.
Anh Bạch Văn Đức (trái), chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Anh Đức tại xóm Đoàn Kết giới thiệu với khách hàng về các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ gỗ lũa.
Anh Bạch Văn Đức, chủ cơ sở trăn trở: “Khoảng 3 - 4 năm trước, bình quân mỗi tháng cơ sở có thể thu về 70 - 80 triệu đồng. Giờ đây hàng hóa bán rất chậm, đặc biệt từ đầu năm đến nay không bán được sản phẩm nào. Cơ sở buộc phải tạm dừng sản xuất, cắt giảm nhân công để tiết kiệm chi phí. Với người dân xóm Đoàn Kết, chế tác gỗ lũa không đơn thuần là nghề “kiếm cơm” mà còn là đam mê, niềm vui trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi thấy các cơ sở sản xuất trên địa bàn đóng cửa, tôi tự nhủ phải cố gắng để duy trì, gìn giữ và phát triển làng nghề”.
Nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh có mặt ở xã Lâm Sơn từ năm 1994, tập trung chủ yếu tại xóm Đoàn Kết. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, các sản phẩm gặp khó trong việc tìm hướng tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chính được xác định do sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp và hàng hóa nhập khẩu đa dạng về mẫu mã, chủng loại đã thay đổi xu hướng của người tiêu dùng. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu tại địa phương ngày càng khan hiếm khiến chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các sản phẩm gỗ lũa không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu nên người tiêu dùng đắn đo khi quyết định mua sắm.
Tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhằm “hồi sinh” cho làng nghề chế chế tác gỗ lũa, đá cảnh tại xóm Đoàn Kết là thách thức đang đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, khi tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thông tuyến dẫn đến lượng người và phương tiện lưu thông trên quốc lộ 6 đoạn qua xã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các mặt hàng của địa phương chậm cải tiến về mẫu mã, chưa đa dạng để thu hút người tiêu dùng.
Ngoài ra, để có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo có giá trị chất lượng cao, vừa là hàng hoá, vừa là sản phẩm nghệ thuật đòi hỏi các nghệ nhân phải là những người có bề dày kinh nghiệm, óc quan sát và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên thực tế tại các cơ sở chế tác gỗ lũa trên địa bàn cho thấy thiếu hụt các nghệ nhân có thâm niên, tay nghề, thay vào đó là lực lượng lao động được đào tạo nghề ngay tại cơ sở. Từ đó dẫn đến chất lượng, tính sáng tạo, thẩm mỹ của sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Xóm Đoàn Kết - cái nôi của làng nghề chế tác gỗ lũa hiện chỉ còn một vài cơ sở sản xuất hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Muốn phục hồi lại làng nghề gỗ lũa xóm Đoàn Kết, trước tiên chính mỗi cơ sở sản xuất phải tìm tòi, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thu hút thợ lành nghề để nâng cao chất lượng, mẫu mã nhưng cũng hạ được giá thành sản phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng cần quan tâm, đầu tư cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại, trang thông tin điện tử, mạng xã hội... để đông đảo người tiêu dùng biết đến sản phảm. Thời gian tới, chính quyền địa phương cũng sẽ quan tâm để xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ lũa cho xóm Đoàn Kết. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm, tích cực kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đức Anh
Nguồn: https://baophutho.vn/tim-huong-di-cho-lang-nghe-go-lua-lam-son-236689.htm
Bình luận (0)