Nhiều hộ người Mông ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã nuôi lợn đen bản địa-một loại lợn đặc sản. Lợn đen được nuôi theo kiểu truyền thống, thức ăn từ tự nhiên. Gia đình chị Vàng Thị Là ở bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn là điển hình như vậy.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), từ nhỏ chăn nuôi đối với chị Vàng Thị Là đã trở thành công việc quen thuộc.
Chăn nuôi từ nhỏ nên chị Là đã rất quen với tập tục, thói quen ăn uống, các loại thức ăn của loài lợn đen bản địa.
Tuy nhiên trước đây, cách nuôi của người Mông là nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia đình và lợn phần lớn là thả rông.
Từ đó năng suất không cao, có khi nuôi cả năm mới có một, hai đàn lợn từ 15 - 20 kg, hơn nữa lợn lại hay bị bệnh. Nên ngày đó chăn nuôi chỉ đủ cung cấp thực phẩm cho gia đình.
Quyết tâm thoát nghèo, nhận thấy giá trị con lợn đen bản địa cao, đặc biệt nếu lợn được nuôi theo phương pháp thủ công, không sử dụng thức ăn công nghiệp chị Là đã bàn với gia đình thay đổi tư duy chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa.
Năm 2019 gia đình đã xây dựng chuồng trại với quy mô lớn hơn để chăn nuôi tập trung và nuôi nhốt.
Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa-một giống lợn đặc sản của gia đình chị Vàng Thị Là ở xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đem lại thu nhập cao giúp gia đình giảm nghèo và làm giầu. Ảnh: PV
Nhờ chịu khó chăn nuôi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức từ nhiều nguồn nên đàn lợn của gia đình chị Là không bị dịch bệnh và phát triển tốt.
Đến nay, hàng năm gia đình chị Là xuất chuồng bán cho thương lái 2 - 3 lứa lợn, chủ yếu là lợn con, trong đó 100% là giống lợn đen bản địa với giá giao động từ 100.000 - 120.000đ/kg.
Có thời điểm tốt, giá lợn đen, lợn đặc sản lên tới mức 150.000đ/kg, nhất là thời điểm giáp tết. Riêng năm 2024, gia đình chị đã xuất bán 3 lứa lợn con và hơn 2 tấn lợn thịt với tổng số tiền lãi gần 400 triệu đồng.
"Gia đình tôi nuôi hoàn toàn lợn đen bản địa, đây là giống lợn của người mông. Vì nuôi lợn này đã được thuần hóa từ lâu đời nên dễ thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết vùng cao, ít bị dịch bệnh, không kén thức ăn lại rất dễ bán vì du lịch đang phát triển, thương lái đặt mua nhiều, có lúc không có lợn để bán." Chị Vàng Thị Là chia sẻ.
Để duy trì và phát triển mô hình lớn hơn, hiện nay gia đình chị Là đã đầu tư tiền xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang rộng hơn bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngoài khu vực nuôi nhốt được chia thành nhiều ngăn thì gia đình chị cũng thiết kế sân chơi có rào lưới B40 kiên cố và trồng thêm cây xanh tạo bóng mát cho lợn vận động, sửa ánh nắng ngoài trời.
Hệ thống chuồng trại được chị Là đầu tư bài bản, lợn không còn phải thả rông như trước đây nữa. Ảnh: PV
Thức ăn cho lợn chủ yếu được gia đình chị Là tận dụng từ ngô, thóc kết hợp với chuối, sắn tất cả các sản phẩm đều của gia đình làm ra nên chất lượng thịt lợn luôn đảm bảo thơm, ngon được nhiều người ưa chuộng nên bán rất đắt hàng.
Ngoài việc chăn nuôi lợn đen bản địa là chủ yếu, gia đình chị Là còn trồng hơn 2 ha lúa nước, gần 3 ha nương ngô, sắn các loại với tổng sản lượng thực hàng năm là trên 5 tấn vừa phục vụ đời sống hàng ngày vừa dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Nhờ thay đổi tư duy về canh tác, chăn nuôi, hàng năm gia đình chị Là đã bán ra thị trường 2 - 3 lứa lợn con, trung bình 20 - 30 con và trên 2 tấn lợn thịt đem lại thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng.
"Gia đình tôi không bao giờ dùng cám công nghiệp cho chăn nuôi, vì gia đình thường xuyên mổ ăn nữa, nuôi bằng cám công nghiệp sẽ không thơm và không ngon.
Vì vậy tôi toàn cho lợn ăn bằng ngô, thóc, sắn do nhà trồng được thôi, như thế mới đảm bảo cho sức khỏe của mình cũng như người mua và mới giữ được thương hiệu bản chất lợn mông."- Chị Là cho biết thêm.

Thức ăn chăn nuôi lợn đen-lợn đặc sản đều là các sản phẩm nông nghiệp từ tự nhiên của gia đình làm ra, được chế biến thủ công nên sản phẩm thịt lợn của gia đình chị Là rất thơm, ngon được khách ưa chuộng. Ảnh: PV.
Không những phát triển kinh tế cho gia đình mình, thời gian qua, chị Vàng Thị Là còn chia sẻ kinh nghiệm cho chị em phụ nữ trong bản, nhất là hỗ trợ con giống để chị em cùng vươn lên thoát nghèo.
Với cách làm hay và sáng tạo, hướng đi mới của chị Vàng Thị Là đã được Chi hội phụ nữ Bản Háng Đề Chu và chính quyền địa phương xã Hồ Bốn nhân rộng cho các chị em khác học tập và noi theo để thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Chị Giàng Thị Công, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Háng Đề Chu (xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Hiện tại bản Háng Đề Chu có nhiều chị em làm rất tốt trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Như mô hình của chị Là cũng là cách chăn nuôi rất có hiệu quả. Chi hội chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các chị em phụ nữ để các chị em học hỏi và biết nhiều hơn đến mô hình chăn nuôi lợn bản địa."
Giống lợn đen bản địa được nuôi theo phương pháp thủ công có chất lượng thịt tốt, bán giá cao, giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: PV.
Nếu như trước đây, chị em phụ nữ người Mông chỉ biết thêu thùa, trồng ngô, trồng lúa để phục vụ gia đình, thì nay đã biết thay đổi tư duy phát triển kinh tế, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, làm chủ nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trao đổi với PV, Ông Sùng A Kháng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao do chị em làm chủ như mô hình trồng mía, mô hình trồng su su, mô hình dệt thổ cẩm.
Trong đó, tiêu biểu nhất là mô hình của chị Vàng Thị Là ở bản Háng Đề Chu. Xã đã có chủ trương tuyên truyền cho chị em phụ nữ nhân rộng các mô hình này ở các bản khác để phát triển kinh tế, đảm bảo thu nhập cho nhân dân.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-lon-dac-san-cho-an-kham-kho-mot-nong-dan-yen-bai-he-noi-ban-la-thuong-lai-khuan-di-het-20250310153102826.htm
Bình luận (0)