"Trợ lý ảo" và "gia sư" số: Công nghệ thay đổi cách ôn luyện
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là cuộc chiến đơn độc với sách vở, các sĩ tử đang tận dụng những công cụ hiện đại như các ứng dụng học tập thông minh và các công cụ hỗ trợ học tập số khác.
Từ việc giải đáp thắc mắc tức thì đến cá nhân hóa lộ trình ôn luyện, công nghệ đang dần trở thành "gia sư riêng" đồng hành cùng các sĩ tử trong suốt chặng đường ôn thi.
Bạn Trần Thu Trang (Hải Dương) chia sẻ: "Bình thường, em đều ôn thi bằng cách như học trong sách giáo khoa, ghi chép tay, in đề làm rồi tự chấm. Tuy nhiên, khi kỳ thi đến gần, lượng kiến thức quá nhiều, trong khi thời gian thì không đủ, khiến em khó theo dõi tiến độ và ngày càng áp lực hơn.
Từ khi em chuyển sang sử dụng ứng dụng học trực tuyến, em thấy việc ôn thi trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn rất nhiều. Em có thể luyện tập nhanh bằng các bộ câu hỏi có sẵn, xem video bài giảng để hiểu sâu hơn.
Và em cũng sử dụng công cụ hỗ trợ như Chat GPT để nhờ giải thích những phần chưa hiểu rõ. Điều em thích nhất là có thể hỏi bất cứ lúc nào và học tập một cách chủ động hơn".
"Ban đầu, em cũng lo rằng việc sử dụng công nghệ có thể khiến mình lười học hơn, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Các công cụ học tập trực tuyến không chỉ giúp em tiết kiệm thời gian, hệ thống hóa kiến thức mà còn định hướng rõ những phần trọng tâm, từ đó giảm bớt áp lực trong quá trình ôn thi", Thu Trang kể.
Nhiều học sinh đã tận dụng AI để tổng hợp đề cương, xây dựng phương pháp học nhanh chóng và phân loại kiến thức theo từng chủ đề. Không còn học một cách dàn trải, các bạn giờ đây đã lên kế hoạch ôn thi rõ ràng, xác định rõ môn nào cần luyện đề, môn nào cần nghiên cứu lý thuyết sâu, tất cả đều được hỗ trợ bằng số liệu cụ thể.

Sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp các sĩ tử ôn luyện hiệu quả hơn và giảm bớt áp lực trước khối lượng kiến thức lớn (Ảnh minh họa: AI).
Với Phương Oanh (Đống Đa, Hà Nội), việc ôn thi đã không còn kiểu học càng nhiều càng tốt nữa, thay vào đó bạn đã cố gắng hiểu mình cần gì. Theo Oanh, công nghệ không thay thế được nỗ lực, nhưng lại giúp nỗ lực của bạn đi đúng hướng hơn.
"Chẳng hạn, với môn lịch sử, em thường dùng Chat GPT để tóm tắt nhanh các sự kiện theo mốc thời gian, từ đó dễ hình dung và ghi nhớ hơn. Sau đó, em tự lập sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức theo cách của mình.
Còn với môn tiếng Anh, em dùng phần mềm học từ vựng có tính năng nhắc lại ngắt quãng để ghi nhớ từ lâu hơn, đồng thời làm các bài luyện đọc hiểu để cải thiện tốc độ và khả năng nắm bắt thông tin trong đoạn văn", Oanh cho biết.
Theo cô Nguyễn Minh Hằng, giáo viên ngữ văn tại Hà Nội, cô rất bất ngờ khi thấy nhiều học sinh hiện nay có thể tự xây dựng lộ trình học tập cho mình chỉ với vài công cụ số.
Các em biết cách tận dụng Chat GPT để gợi ý cách viết bài, sử dụng các ứng dụng luyện đề nhằm nhận diện điểm yếu, đồng thời sáng tạo ra những phương pháp ghi nhớ kiến thức hiệu quả.
"Điều đáng mừng là nhiều em không chỉ dùng công nghệ như một "cây gậy phép thuật", mà còn biết phân biệt đâu là hỗ trợ, đâu là lệ thuộc. Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy học sinh đang phát triển kỹ năng tự học và tư duy độc lập - điều rất cần trong thời đại mới", cô Hằng nói thêm.

Việc "cậy nhờ" quá nhiều vào công nghệ trong ôn thi cũng tiềm ẩn những rủi ro mà học sinh cần nhận thức rõ. Trong ảnh: Các thí sinh tham dự kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2025 (Ảnh: Mỹ Hà).
Khai thác tiện ích, tránh lệ thuộc
So với kiểu học "cày đề" truyền thống, việc sử dụng công nghệ cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy học tập của học sinh hiện nay: học có mục tiêu, có chiến lược và tận dụng mọi nguồn lực sẵn có.
Không ít bạn học sinh đang chứng minh rằng, với một chiếc điện thoại và đường truyền internet, họ hoàn toàn có thể làm chủ kỳ thi bằng cách học thông minh hơn.
Tuy nhiên, theo cô Trần Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm một lớp 12 ở Nghệ An, việc "cậy nhờ" quá nhiều vào công nghệ trong ôn thi cũng tiềm ẩn những rủi ro mà học sinh cần nhận thức rõ.
"Học sinh sử dụng công nghệ để hỗ trợ ôn thi là xu hướng tất yếu và cần được khuyến khích. Nhưng nếu không kiểm soát đúng cách, nó có thể dẫn đến sự lệ thuộc, thậm chí là gian lận.
Tôi từng thấy nhiều em hỏi AI rồi chép nguyên văn câu trả lời vào bài tập mà không hiểu mình đang viết gì. Nguy hiểm hơn là một số em lạm dụng công nghệ trong các bài kiểm tra online, khiến việc đánh giá không còn phản ánh đúng năng lực thật.
Đây là điều khiến giáo viên như chúng tôi lo lắng, vì học sinh đang đánh mất khả năng tư duy và trung thực - những yếu tố cốt lõi của quá trình học tập", cô Thủy bày tỏ.
"Bên cạnh đó, không phải mọi thông tin trên mạng đều chính xác và đáng tin cậy. Việc tiếp xúc với những thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng trong quá trình ôn tập.
Học sinh cần chọn lọc và kiểm chứng thông tin từ các nguồn uy tín, đặc biệt là khi sử dụng các công cụ như các mô hình ngôn ngữ lớn", cô Thủy nói thêm.
Đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử, cô Minh Hằng nhấn mạnh: "Điều quan trọng hàng đầu là các bạn cần nhận thức rõ vai trò của công nghệ trong việc ôn thi. Các ứng dụng và nền tảng chỉ nên được xem như một người bạn đồng hành, cung cấp sự hỗ trợ kịp thời và đa dạng.
Dù công nghệ mang lại nhiều tiện ích, việc lạm dụng nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Sĩ tử cần có ý thức cân bằng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử với thời gian tự học, làm bài tập thực hành trên giấy, nghỉ ngơi đầy đủ và tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.
Việc duy trì sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và các phương pháp học tập truyền thống như đọc sách giáo khoa, nghe giảng trực tiếp từ thầy cô vẫn vô cùng quan trọng để đảm bảo một quá trình ôn tập toàn diện và hiệu quả. Những lời khuyên từ thầy cô sẽ giúp bạn nhận ra vấn đề đúng sai, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả làm bài".
Tuyết Mai
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/on-thi-thoi-dai-so-khi-cong-nghe-tro-thanh-tro-thu-dac-luc-cua-si-tu-20250520114906386.htm
Bình luận (0)