Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển mô hình du lịch trải nghiệm

Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân đối với du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm được nâng lên. Những năm gần đây, tại các địa phương trong tỉnh, mô hình du lịch trải nghiệm phát triển khá nhanh với nhiều cách làm sáng tạo.

Báo Hà NamBáo Hà Nam26/05/2025

Xuất phát từ thực tiễn, trẻ em khu vực thành thị thiếu sân chơi cũng như thiếu kiến thức về thiên nhiên, cây cối, động vật, năm 2024, chị Vũ Thị Hồng Hiền (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) đã quyết định thuê đất, đầu tư xây dựng trang trại để phục vụ học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Trang trại có đa dạng các loại động vật như: gà, vịt, chim bồ câu, thỏ, cá sấu, đà điểu, chim công, hươu sao, trĩ, ba ba… Ngoài ra, trang trại của chị Hiền còn có rất nhiều loại hoa, cây ăn quả gần gũi với đời sống thường ngày như: hoa hồng, hoa cúc, thược dược và các loại cây gồm: mít, ổi, sung, nhãn, vải…

Sau đó, nhận thấy xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển khi nhiều gia đình, đơn vị trường học tổ chức cho học sinh đi du lịch trải nghiệm tại các điểm du lịch sinh thái ở Hà Nội, chị Hiền đã nghiên cứu, học hỏi cách làm rồi phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lên quy mô điểm du lịch sinh thái trải nghiệm. Làm từng bước một, đến nay khu du lịch trải nghiệm mang tên “Happy Farm” (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) do chị Hiền làm chủ đã được đầu tư khá bài bản, bao gồm nhiều khu vui chơi, giải trí, trải nghiệm như: Cầu trượt cỏ khổng lồ, lái xe ô tô mô hình, xích đu, cầu bập bênh, cầu lượn, trèo võng màng nhện, đu quay… Ngoài ra, du khách khi đến Happy Farm còn được đội ngũ hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, giới thiệu về các loài hoa, động vật; được trực tiếp tham gia một số trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thú vị khác như: nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt bắt vịt, câu cá sấu, đi cầu kính, kéo vó, nặn gốm…

Phát triển mô hình du lịch trải nghiệm
Các em học sinh được trực tiếp tham gia nặn gốm tại khu du lịch trải nghiệm Happy Farm, xã Thanh Sơn, Kim Bảng.

Được biết, đối tượng khách tham quan đến Happy Farm phần lớn là học sinh của các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hoà Bình… Ngoài ra, vào các ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, các gia đình, nhóm gia đình cũng thường xuyên cho con em mình đến Happy Farm để trải nghiệm, vui chơi sau một tuần học căng thẳng. Trong khi trẻ em tham gia các trò chơi thì các bậc phụ huynh có thể giải trí bằng việc câu cá, nướng đồ ăn… để trực tiếp chuẩn bị bữa ăn ngoài trời cho gia đình. Có mặt cùng gia đình tại Happy Farm vào ngày chủ nhật, chị Trần Thu Huyền (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Cho các con đi tham quan, vui chơi tại các điểm du lịch trải nghiệm không chỉ giúp các con hiểu và yêu thiên nhiên, động vật, cây cối mà còn là dịp để cả gia đình được nghỉ ngơi, giải trí, gắn kết nhau hơn sau những ngày bận rộn với công việc, học tập. Đến các điểm du lịch trải nghiệm, tôi thường lựa chọn hình thức tự chuẩn bị bữa ăn trưa cho cả gia đình bằng việc mượn bếp nướng, đồ dùng, dụng cụ của nông trại. Như vậy các con tôi cũng được tự mình tham gia vào công đoạn chế biến, làm chín đồ ăn và các con cảm thấy rất thích thú.

Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Hồng Hiền, chủ khu du lịch trải nghiệm Happy Farm, hiện quỹ đất của Happy Farm vẫn còn khoảng 1 ha chưa sử dụng. Do vậy, trong thời gian tới, Happy Farm có kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng thêm các khu nhà nghỉ dành cho khách tham quan có nhu cầu nghỉ trưa, nghỉ qua đêm; đồng thời xây dựng một số hạng mục như thác nước nhân tạo, bể bơi, bãi đỗ xe… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh cũng đã hình thành các điểm du lịch sinh thái gắn với mô hình nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn như ở xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên), theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Đăng Khôi, hiện xã đã có 3 hợp tác xã phát triển nông trại sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Các điểm này thu hút khá đông học sinh các nhà trường, các nhóm khách đến trải nghiệm, tham quan trực tiếp quy trình sản xuất và mua sản phẩm nông sản sạch tại vườn. Để phát triển bền vững, có bài bản các mô hình này, xã có kế hoạch vận động, khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã liên kết, thành lập Liên hiệp hợp tác xã về du lịch sinh thái trải nghiệm.

Phát triển mô hình du lịch trải nghiệm
Khách tham quan trải nghiệm hái dâu tây và chụp ảnh kỷ niệm tại vườn dâu tây của nông trại Ichigo Farm, xã Trác Văn, Duy Tiên.

Chị Phạm Thị Ngọc Bé, chủ nông trại Ichigo Farm (xã Trác Văn) cho biết: Ichigo Farm phát triển mảng nông sản hữu cơ với đa dạng các loại rau, củ, quả theo mùa vụ, trong đó điểm nhấn là vườn dâu tây. Điều ấn tượng khác là đến Ichigo Farm, khách tham quan được giới thiệu về quy trình sản xuất một số loại rau đặc sản của các vùng miền như: lá é, cải bó xôi, cải kale, cà chua bạch tuộc leo giàn… Đây đều là những loại rau, quả rất bổ dưỡng, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Khách hàng đến với chúng tôi, ngoài việc được trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất, thu hoạch rau, củ còn được check in chụp ảnh kỷ niệm tại các vườn hoa hướng dương, thược dược, cúc lá nhám, hoa cánh bướm… Đồng thời được thưởng thức các món ăn chế biến từ động, thực vật sạch do Ichigo Farm nuôi trồng.

Có thể thấy, mô hình du lịch trải nghiệm đang có xu hướng ngày càng phát triển do nhu cầu khám phá những điều mới mẻ của giới trẻ và nhu cầu tìm hiểu về thiên nhiên của học sinh tăng cao. Hình thức này giúp du khách có thể hòa mình vào đời sống thường nhật của người dân địa phương và được khám phá nét đẹp văn hóa, đời sống của các vùng quê. Theo đó, phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá nét đẹp văn hóa, du lịch của địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế phát triển một số điểm du lịch trải nghiệm của Hà Nam cho thấy, mô hình này phát triển chưa thực sự bài bản do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu quỹ đất; người dân thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm du lịch; khu vực dành cho việc ăn, nghỉ còn hạn chế…

Để mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch những khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có chiến lược, kế hoạch hướng dẫn, đào tạo bà con các kỹ năng làm du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ, nhân rộng một số mô hình điểm. Quá trình xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp với nông nghiệp, làng nghề cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành.

Nguyễn Oanh

Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/phat-trien-mo-hinh-du-lich-trai-nghiem-165045.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm