Trong bối cảnh đó, Bắc Ninh - thủ phủ công nghiệp miền Bắc - đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực dồi dào.
Hướng tới xuất khẩu sản phẩm bán dẫn “Made in Viet Nam”
Với mục tiêu trở thành một trong những trụ cột chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 323/KH-UBND, đặt mục tiêu đưa địa phương trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu miền Bắc, tiến tới dẫn đầu cả nước giai đoạn 2025 – 2030 và hướng tới tầm khu vực vào năm 2045.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ xây dựng một hệ sinh thái sản xuất vi mạch và linh kiện bán dẫn hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn theo chiều sâu, thành lập khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu, đồng thời hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ bán dẫn, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu.
Giai đoạn 2030 - 2045, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất vi mạch và bán dẫn hàng đầu khu vực; hình thành các nhà máy sản xuất chip tại Bắc Ninh, tiến tới làm chủ một số công nghệ lõi. Mở rộng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm bán dẫn mang thương hiệu “Made in Viet Nam”.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ hành lập Ban chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cấp tỉnh, hoạt động theo mô hình của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành bán dẫn; trong đó thực hiện các chính sách như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty đầu tư vào bán dẫn; ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, sản xuất; áp dụng cơ chế “Luồng xanh 60%” cho các hồ sơ, thủ tục, dự án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù, gồm hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn; thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo bán dẫn cho doanh nghiệp nội địa; chính sách hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.
Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Sinh viên Trường Cao Đẳng công nghiệp Bắc Ninh được đào tạo thực hành để dễ dàng tiếp cận công việc. Ảnh tư liệu: Thanh Thương/TTXVN
Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 30.050 lao động ngành công nghiệp bán dẫn; trong đó trình độ Đại học chiếm 1,8%, Cao đẳng 43,3%, trình độ Trung cấp và đào tạo nâng cao, chuyển đổi 54,9%.
Để đạt được mục tiêu này, Bắc Ninh chú trọng phát triển nguồn nhân lực thông qua việc hợp tác với các trường Đại học, viện nghiên cứu quốc tế; mở các chương trình đào tạo vi mạch, bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế tại các cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức hội thảo để chuyển giao các công nghệ từ các đối tác phát triển; mở rộng, đẩy mạnh mô hình đào tạo STEM từ bậc phổ thông nhằm tạo nguồn lực lâu dài...
Mới đây, hàng loạt các dự án xây dựng cơ sở của các trường Đại học lớn tại Hà Nội đã được thống nhất chủ trương đầu tư tại Bắc Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, tỉnh ủng hộ, mong muốn thu hút các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ cao, điện tử. Bắc Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở một số trường Đại học lớn tại đây.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực chất lượng cao cho ngành kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội có chủ trương đầu tư phân hiệu tại Bắc Ninh với diện tích khoảng 12 - 20 ha. Trọng tâm là triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo nhân lực thích ứng nhằm đào tạo các sinh viên hệ đại học, cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật công nghệ cao. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng cho biết, tỉnh đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là một trong những giải pháp đột phá. Chính vì vậy trong thời gian qua trên cơ sở đã xác định được nguồn lực để triển khai, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển và hỗ trợ phát triển lĩnh vực đào tạo công nghiệp bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung và đã triển khai rất hiệu quả, minh chứng là quy mô đào tạo đã tăng gấp 1,5 lần.
Cứ điểm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bắc Ninh hiện đang là cứ điểm của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Amkor Technology, Canon, Foxconn, Goertek và các đối tác chiến lược của Nvidia – Tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Những doanh nghiệp này đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, hiện đại tại thủ phủ công nghiệp miền Bắc.
Ông Park Iae Cheol, Quản lý dự án Công ty TNHH Segyung Vina, nhận định: "Chúng tôi đánh giá rất cao về hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao tại Bắc Ninh, chuỗi cung ứng nội địa hiện đang rất ổn định. Bắc Ninh hội tụ tất cả các yếu tố cho ngành công nghiệp bàn dẫn phát triển như nguồn điện, nước sạch, logictic và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy chúng tôi đã quyết định xây dựng thêm nhà máy tại Bắc Ninh."
Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ làn sóng đầu tư FDI chất lượng cao, cấp mới đăng ký đầu tư cho 124 dự án; điều chỉnh vốn cho 79 dự án với số vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh trên 2,74 tỷ USD. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phần mềm, chất bán dẫn chiếm trên 60% tổng số vốn FDI. Đây là minh chứng rõ nét những thay đổi về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.
Những tháng đầu năm 2025, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao; trong đó công nghiệp bán dẫn hiện đang đóng vai trò chủ đạo. Với các chính sách tiên phong, sát với thực tiễn, Bắc Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Việc định hướng Bắc Ninh trở thành cứ điểm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là chiến lược phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với quyết tâm của chính quyền tỉnh, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Trung ương, Bắc Ninh đang được kỳ vọng trở thành "trụ cột" trong hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam - nơi khởi nguồn cho những đột phá công nghệ tương lai.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/173194/phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-tang-toc-trong-ky-nguyen-so
Bình luận (0)