Chủ động giải pháp
Dù gặp một số khó khăn trong tháng 4-2025 do chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ nhưng cán cân thương mại của Bình Dương vẫn giữ vững trạng thái thặng dư, với mức xuất siêu 3,57 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 19,81 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,69 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,12 tỷ USD. Thống kê của Cục Hải quan cho thấy Bình Dương xếp thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu và xếp thứ 6 về kim ngạch nhập khẩu.
Với chính sách thuế của Mỹ, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh liên tục quan tâm theo dõi và phối hợp tìm giải pháp ứng phó. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh, cho biết các DN nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm các đối tác toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, đồng thời thu hút nhiều khách hàng nhỏ lẻ. Các DN cũng tìm kiếm hợp tác với các đối tác công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các nguyên liệu như cao su làm đế giày và chi tiết linh kiện. Chính vì thế hiệp hội kiến nghị xây dựng các khu chợ chuyên biệt để DN có thể thường xuyên giới thiệu và bán sản phẩm, thay vì phụ thuộc vào các hội chợ lớn tổ chức định kỳ thưa thớt. Các buổi kết nối giao thương giữa các tỉnh hoặc liên kết vùng cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn.
Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho hay hiện nay những chính sách thuế quan từ thị trường là thách thức mà DN phải vượt qua. Để giải quyết những khó khăn, thách thức, ngành gỗ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết DN, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau. Các giải pháp này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam đáp ứng thêm những quy chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, giúp nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường.
“BIFA sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động ngành gỗ. Đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ DN giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực đối với các vị trí yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như thiết kế, vận hành máy móc hiện đại trong ngành gỗ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. BIFA và các DN thành viên cũng sẽ thực hiện dự án về gỗ kỹ thuật, xác định xu hướng phát triển bền vững trong ngành gỗ và tiềm năng thị trường cho sản phẩm gỗ kỹ thuật trong tương lai”, ông Bùi Như Việt chia sẻ.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4-2025, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng, cho biết để chủ động ứng phó với thách thức từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các DN Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo sự cạnh tranh hơn nữa tại thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.
Thiết lập liên kết
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng việc tìm kiếm và đa dạng thị trường xuất khẩu mới sẽ đặt ra nhiều bài toán mới đối với DN, đòi hỏi chương trình xúc tiến thương mại phải được nâng cao và mở rộng, đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước để hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn. Mặt khác để tăng trưởng và phát triển bền vững, DN gỗ Bình Dương cần chủ động và nỗ lực tận dụng hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.
“Ngoài công tác xúc tiến thương mại truyền thống thông qua các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, hiện nay các DN gỗ đẩy mạnh xúc tiến thông qua kênh bán hàng online, qua trang web, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba, wayfair… để mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Liêm nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay, bên cạnh những giải pháp phải thực hiện thường xuyên khác (đầu tư công nghệ tiên tiến, áp dụng quy trình sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm…), phần lớn chuyên gia kinh tế đều cho rằng các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và DN cần làm hiệu quả hơn nữa công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, “bỏ trứng vào nhiều rổ”. Trước hết, chúng ta cần tận dụng tối đa những FTA (17 FTA) mà Việt Nam đã ký kết, tham gia để tăng cường, nâng cao khối lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngành công thương cũng chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường xây dựng và kết nối các chuỗi cung ứng mới, đặc biệt là trong các ngành hàng có tiềm năng như gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Để hỗ trợ DN trong ứng phó với thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, với vai trò là đơn vị thường trực của Tổ phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ kịp thời các DN trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương liên tục cập nhật thông tin của các hiệp hội ngành hàng, Liên đoàn DN tỉnh khi gặp khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Hoa Kỳ để tham mưu cho Tổ hướng dẫn, hỗ trợ DN.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Chúng tôi yêu cầu các hiệp hội ngành hàng theo dõi sát diễn biến tình hình sản xuất, xuất khẩu của hội viên và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rà soát, đánh giá mức độ và các yếu tố ảnh hưởng đến ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là về đơn hàng xuất khẩu, chi phí gia tăng, nhu cầu thị trường, ảnh hưởng đến lao động - việc làm, năng lực cạnh tranh hàng hóa, chuỗi cung ứng. |
TIỂU MY - ANH TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/phat-trien-noi-luc-de-thich-ung-voi-thi-truong-xuat-khau-a347290.html
Bình luận (0)