Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Sở hữu trí tuệ
Tại buổi làm việc, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã báo cáo về một số kết quả nổi bật Cục đạt được thời gian qua cùng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, định hướng tầm nhìn trong giai đoạn tới.
Chuyển đổi số toàn diện để nâng cao năng suất lao động, giảm tải công việc
Trong phần trao đổi với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, viên chức của Cục, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong thúc đẩy khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành, nhấn mạnh vai trò của KHCN, ĐMST, CĐS trong sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Liên quan đến công tác CĐS toàn diện các hoạt động của Cục, Bộ trưởng gợi ý, muốn biết vị thế của mình ở đâu thì phải nhìn ra các nước xung quanh, đặt ra các câu hỏi cụ thể về dữ liệu để biết mình đang đứng ở đâu. Nếu không có số liệu của các báo cáo quốc tế thì mình tự thu thập dữ liệu, tự đánh giá, từ đó so sánh mình với khu vực và thế giới.
Muốn CĐS, trước hết phải hiểu thật sâu sắc công việc mình, biết rõ người nhân viên xử lý hồ sơ hằng ngày đang vất vả chỗ nào, cần tự động hóa phần việc nào để tiết kiệm thời gian xử lý, phải thay đổi quy trình như thế nào cho phù hợp với môi trường số. CĐS phải giúp người lao động bớt việc, bớt vất vả, hiệu quả công việc tăng lên, thời gian làm việc giảm đi.
Toàn cảnh buổi làm việc
Dữ liệu và làm sạch dữ liệu cũng là yếu tố then chốt khi triển khai CĐS. Nếu chỉ chú ý viết phần mềm mà không đầu tư cho làm sạch và dán nhãn dữ liệu thì không thể có phần mềm thông minh và xuất sắc, do đó cần dành một khoản ngân sách đáng kể để làm sạch dữ liệu khi thực hiện CĐS.
Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương của Bộ trong năm 2025 là: Các đề tài nghiên cứu KHCN trong Bộ sẽ tập trung vào phát triển các công cụ hỗ trợ cán bộ, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tải công việc. Cục SHTT phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Chuyển đổi số quốc gia để sử dụng các công cụ cần thiết nhằm cải tiến quy trình làm việc, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong bối cảnh năm 2025 là năm Cục đang quyết liệt giải quyết các đơn đăng ký văn bằng sáng chế tồn đọng từ nhiều năm qua. Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần này của lãnh đạo và cán bộ công chức của Cục. Để đạt được mục tiêu này, cả Cục phải vào cuộc, phải làm việc ngày đêm, có như vậy, mới hiểu được giá trị của đoàn kết, mới chia sẻ với nhau và mới thấy giá trị của công nghệ.
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại buổi làm việc
Về xử lý đơn tồn đọng liên quan đến khiếu nại và xác lập quyền SHTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục ưu tiên giải quyết các đơn liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò nhận thức của xã hội đối với SHTT và cho rằng nhận thức trong xã hội về vấn đề này còn rất hạn chế. Cần tăng cường truyền thông, đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân trong 5-10 năm tới với việc mở rộng truyền thông trên các cơ quan báo chí lớn, có độ phủ rộng như Vietnamnet, VnExpress, VTV…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sàn giao dịch công nghệ, trong đó SHTT phải được tích hợp để tạo ra một hệ sinh thái. Đây là một cặp bài trùng không thể tách rời. Trước đây, SHTT chưa thực sự gắn với KHCN, với tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh vai trò của hành lang pháp lý trong lĩnh vực SHTT, nhất là sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành. Do đó, hiện nay, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải sửa Luật SHTT, phải có chiến lược về phát triển SHTT, từ đó vai trò của Cục SHTT được thể hiện một cách tổng thể, bao quát hơn.
Hiện nay Cục chưa chú ý nhiều đến hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ, cũng như đảm bảo tính thực thi hiệu quả các quyền liên quan đến SHTT. Với một công cụ đặc biệt là cơ sở dữ liệu về SHTT, Cục cần phải khai thác để có thể báo cáo với Bộ trưởng những số liệu quan trọng như: năm nay tài sản trí tuệ đóng góp bao nhiêu vào tổng tài sản Việt Nam.
Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long
Thứ trưởng cũng lưu ý các công cụ phân tích về SHTT như Thomson Reuters cần được sử dụng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển tài sản trí tuệ quốc gia.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Lê Xuân Định, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh SHTT là một mảnh đất rộng lớn, cần phải được gắn kết chặt chẽ với KHCN, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, ĐMST để đi vào cuộc sống. Thứ trưởng nhắc lại các định hướng trọng tâm của Bộ trưởng đối với SHTT: SHTT không chỉ dừng ở việc xác lập quyền, mà phải chuyển thành tài sản có thể giao dịch thương mại. Cục cần tập trung hơn nữa vào mảng xây dựng chính sách, tiến tới dẫn dắt cả hệ sinh thái SHTT, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên và quan trọng của Cục năm 2025 là giải quyết các đơn tồn đọng, sửa đổi Luật SHTT, xây dựng Chiến lược phát triển SHTT cho phù hợp với tình hình mới.
Khẩn trương hoàn thiện bộ chỉ số đo lường tài sản trí tuệ
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định vai trò quan trọng của SHTT, KHCN, ĐMST, CĐS trong phát triển ngành, phát triển đất nước.
Bộ trưởng trích dẫn cuốn "Từ đói nghèo đến thịnh vượng" của hai tác giả Arnold Kling và Nick Schulz. Theo đó, tại các nước phát triển, nhất là các nước thuộc OECD, 80% tổng tài sản quốc gia là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ là vô hạn, tài sản hữu hình là hữu hạn. Do đó, phải tập trung xây dựng tài sản trí tuệ, biến các kết quả nghiên cứu thành tài sản trí tuệ.
Đặt trong bối cảnh hội nhập, Bộ trưởng yêu cầu Cục phải đặt mục tiêu cụ thể, ví dụ top 30, top 50 toàn cầu về CĐS trong lĩnh vực SHTT, top 3 trong ASEAN.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực SHTT, Bộ trưởng chỉ đạo Cục cần phối hợp ngay với Học viện Công nghệ BCVT xây dựng bộ môn hay chuyên ngành về SHTT và tuyển sinh ngay trong năm 2025.
Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Hoàng Minh chỉ đạo Cục SHTT xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ số đo lường tài sản trí tuệ ngay trong tháng 6. Muốn quản lý và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này thì phải đo được, cái gì không đo được thì không quản lý được.
Về xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực SHTT, Bộ trưởng giao Cục SHTT xây dựng, hoàn thiện Luật SHTT sửa đổi, ban hành Chiến lược phát triển SHTT, và xây dựng Kế hoạch hành động đến năm 2030. Bộ trưởng khẳng định: Không thúc đẩy SHTT thì không phát triển được KHCN Việt Nam, không có thị trường, không có giao dịch ĐMST.
Kết luận buổi làm việc, người đứng đầu ngành KH&CN nhận định: Cục SHTT đã có lịch sử 43 năm, đã bước sang thập kỷ thứ năm. Đây là lúc phải có sự đổi mới, triết lý mới, đường hướng mới, có như vậy mới phát triển bền vững. Bộ trưởng ví Bộ KHCN như một bàn tay với năm ngón tay: Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và SHTT là hai ngón ngoài, còn 3 ngón giữa là KHCN, ĐMST và CĐS. Với quan điểm như vậy, sứ mệnh của Cục SHTT sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nguồn: https://mst.gov.vn/phat-trien-so-huu-tri-tue-de-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-197250515154153368.htm
Bình luận (0)