Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần được cải thiện. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường về vấn đề này.

- Đây là năm thứ 8 Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương và cơ quan triển khai đo lường, xác định Chỉ số SIPAS, ông có thể cho biết cụ thể hơn về các thông tin đo lường tại Hà Nội năm 2024?
- Chỉ số SIPAS được đánh giá trên 2 nhóm: Chỉ số về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và Chỉ số về cung ứng dịch vụ hành chính công. Kết quả khảo sát Chỉ số SIPAS được tổng hợp, phân tích trên 42 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.
Số lượng mẫu điều tra là 2.700 phiếu, thực hiện khảo sát tại 6 quận, huyện, thị xã gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Sơn Tây, Đông Anh, Quốc Oai, Ba Vì.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 của Hà Nội?
- Chỉ số SIPAS của Hà Nội đã có bước tiến đáng kể khi tăng 10 bậc so với năm trước, đặc biệt là so với những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025.
Đạt được kết quả này ở đô thị lớn như Hà Nội là quá trình nhiều thách thức, không đơn giản. Đáng chú ý, từ năm 2022, khảo sát SIPAS có sự mở rộng phạm vi 9 nhóm chính sách (y tế, giáo dục, an sinh, an ninh trật tự…), việc lấy ý kiến trên cảm nhận của người dân về các lĩnh vực đời sống xã hội, chứ không chỉ những người đi làm thủ tục hành chính, đòi hỏi yêu cầu cao hơn, khó hơn.
Với sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị và tham mưu chủ động, tích cực của Sở Nội vụ - cơ quan thường trực, năm 2024, Hà Nội đã chuyển hóa những khó khăn, thách thức đó thành kết quả đáng ghi nhận. Nếu nhìn cả nhiệm kỳ, có thể thấy Hà Nội đã thành công về Chỉ số SIPAS; so với 6 thành phố trực thuộc Trung ương cũng cho thấy vị thế của Hà Nội ở mức cao (xếp thứ 2 sau thành phố Hải Phòng).
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thay đổi mạnh mẽ trong các nội dung của Chỉ số SIPAS?
- Kết quả SIPAS năm 2024 của thành phố Hà Nội cho thấy, nhóm Chỉ số thành phần về việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 86,51% (tăng 3,05%), tăng 12 bậc so với năm 2023, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; nhóm chỉ số thành phần về cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 86,49% (tăng 2,77%), tăng 8 bậc so với năm 2023, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Các nội dung tồn tại, hạn chế của năm 2023 đều được cải thiện trong năm 2024. Trong đó, một số điểm thay đổi mạnh mẽ, như: Mức độ hài lòng với chính sách giao thông đường bộ - đây là lĩnh vực khó để cải thiện, khởi sắc, thì đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng 3,65%; có tới 96,64% người dân được khảo sát khẳng định không phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức (con số này năm 2023 chỉ là 89,73%); mức độ hài lòng về tiếp nhận, xử lý phản ánh - kiến nghị tăng mạnh, lên 86,36% (tăng 3,83% so với năm 2023).

- Hà Nội đã có những nỗ lực, hành động cụ thể như thế nào góp phần quan trọng vào việc cải thiện thứ hạng vượt bậc như vậy, thưa ông?
- Đây là kết quả của sự quyết tâm, quyết liệt từ thành phố đến cơ sở và các cơ quan, đơn vị. Thành ủy thường xuyên giao ban về công tác cải cách hành chính, HĐND thành phố đã tổ chức giám sát 2 kỳ và chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố về nội dung trên.
Đáng chú ý, năm 2024, thành phố Hà Nội triển khai phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi). Thành phố cũng đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với người dân và doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời các vướng mắc; thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội; tập trung đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việc Hà Nội tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số SIPAS năm 2024 không chỉ là kết quả của con số biết nói, mà còn là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng đồng bộ, quyết liệt, thực chất.
- Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn một số chỉ số thành phần có sự cải thiện thấp, theo ông đâu là nguyên nhân và thành phố có giải pháp gì để cải thiện?
- Qua kết quả khảo sát SIPAS năm 2024, có thể thấy vẫn còn những hạn chế: Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với tiêu chí “Bệnh viện công lập ở địa phương khám chữa bệnh cho nhân dân tốt hơn” còn thấp (thấp nhất trong 23 tiêu chí của Chỉ số về Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách - Chỉ số hài lòng ở tiêu chí này chỉ đạt 85,87%). “Tiếp cận dịch vụ” và “Công chức trực tiếp giải quyết công việc” có sự cải thiện ít nhất trong chỉ số thành phần “Cung ứng dịch vụ hành chính công”.
Dù đã có bước tiến mạnh mẽ, song Hà Nội cần tiếp tục chủ động, sáng tạo hơn nữa trong cách tiếp cận, đặc biệt là phát huy vai trò người dân trong giám sát và đồng hành với các hoạt động chính quyền thành phố, lấy người dân là trung tâm.
Trên cơ sở kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024, Hà Nội xác định tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2025 và những năm tiếp theo. Ngay trong tháng 4-2025, Sở Nội vụ đã tổ chức họp, trao đổi với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nhận định, phân tích và đề xuất thành phố các giải pháp duy trì, cải thiện, nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI năm 2025.
Tôi cho rằng, để cải thiện Chỉ số SIPAS, giải pháp căn cơ là phải khảo sát theo thời gian thực; có thể giao cho một đơn vị có năng lực thực hiện khảo sát, đánh giá thường xuyên; mở rộng kênh thông tin và tương tác với người dân, tăng cường tuyên truyền chính sách qua các kênh người dân dễ tiếp cận (loa, họp tổ dân phố, mạng xã hội, website chính quyền…). Cùng với đó, nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số để tạo sự thuận lợi nhất cho người dân; tăng tính công khai, minh bạch, giải trình, tăng cường giải trình và chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố. Đặc biệt là quan tâm, vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Để nâng cao chỉ số hài lòng về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, thành phố cũng sẽ chú trọng triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với 9 nhóm chính sách để nắm bắt mong muốn của người dân, tổ chức; thường xuyên nâng cao chất lượng các trạm y tế xã, phường, thị trấn; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các trạm y tế và bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ y, bác sĩ…
- Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo tính toán có tới 90/99 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ được chuyển xuống cấp xã, phường. Như vậy khối lượng công việc của cấp xã, phường sẽ tăng đáng kể, đó có phải là áp lực đối với cán bộ, công chức và là thách thức mới đối với chỉ số hài lòng không, thưa ông?
- Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp có ưu điểm là giảm cấp trung gian, tăng thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm của cấp xã nên thời gian giải quyết công việc sẽ nhanh hơn; các công việc bị trùng lặp do trình nhiều bước, nhiều cấp sẽ ít hơn; nhân lực theo chỉ đạo của Trung ương cho phép trước mắt giữ nguyên trạng, có lộ trình giảm dần trong vòng 5 năm, do đó cán bộ, công chức sẽ không quá áp lực về công việc trong giai đoạn đầu chuyển tiếp.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ quan tâm bảo đảm nhân lực phù hợp với quy mô, tính chất, khối lượng công việc của các đơn vị; yêu cầu các đơn vị xây dựng quy trình nội bộ rõ kết quả, rõ thời gian, trách nhiệm của từng cá nhân. Qua đó, quyết tâm đạt mục tiêu cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2025 và giai đoạn 2025-2030.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://hanoimoi.vn/pho-giam-doc-so-noi-vu-ha-noi-mai-xuan-truong-no-luc-chuyen-hoa-thach-thuc-nang-cao-su-hai-long-cua-nguoi-dan-703237.html
Bình luận (0)