Cánh đồng lúa nếp Vải ở xã Ôn Lương (Phú Lương) vào vụ thu hoạch. Ảnh: Việt Dũng |
Hồi sinh giống lúa quý
Từ những năm 1960, một số hộ dân ở các xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành (Phú Lương) đã mang giống lúa nếp Vải về gieo cấy trên đồng đất địa phương. Gạo nếp Vải có hạt màu trắng ngà, dẻo mềm, thơm lâu, rất thích hợp để nấu xôi, làm bánh chưng, bánh giày…
Tuy nhiên, trong nhiều năm trước, việc gieo cấy lúa nếp Vải vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung. Bà con nông dân chủ yếu tự cung tự cấp về giống và sản phẩm, chưa đầu tư về kỹ thuật canh tác và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án phục tráng giống lúa nếp Vải, với quy mô 2ha. Đây là bước khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề cho quá trình khôi phục và phát triển giống lúa truyền thống.
Đến năm 2020, diện tích gieo cấy nếp Vải được nhân rộng lên 110ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành. Trong quá trình sản xuất, người dân đã bước đầu áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến SRI (phương pháp canh tác lúa sinh thái dựa trên yếu tố tăng - giảm phù hợp, từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị kinh tế).
Tuy vậy, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh vẫn chưa phổ biến, một phần do thói quen sản xuất cũ, phần khác do thiếu hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu từ những người có chuyên môn. Trung bình mỗi năm, sản lượng nếp Vải toàn huyện đạt khoảng 400 tấn, chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn.
Người dân xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, thi làm bánh từ gạo nếp Vải của quê hương. |
Hướng tới sản xuất bền vững
Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Phú Lương đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nếp Vải.
Bà Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản nếp Vải Ôn Lương, cho biết: Với việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, hiện nay sản phẩm nếp Vải của HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi năm, chúng tôi xuất bán ra thị trường 20 tấn gạo nếp Vải, giá bán bình quân từ 45-60 nghìn đồng/kg. Đầu năm 2025, sản phẩm này của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao.
Diện tích nếp Vải trên toàn huyện hiện không chỉ tập trung ở 3 xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành mà còn nhân rộng sang các địa phương lân cận như Yên Trạch, Yên Đổ, Động Đạt và thị trấn Đu, với diện tích lên đến hơn 200ha.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Lương, đánh giá: Các mô hình canh tác được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học để chăm sóc lúa. Nhờ đó, chi phí đầu vào giảm rõ rệt, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên, môi trường sinh thái được bảo vệ. Đặc biệt, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đã giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho gạo nếp Vải.
Trong Đề án về phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Phú Lương xác định gạo nếp Vải là sản phẩm nông nghiệp chủ lực sau sản phẩm chè. Hằng năm, địa phương bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Vải về giống, phân bón hữu cơ vi sinh, tập huấn kỹ thuật, cấp chứng nhận VietGAP, hỗ trợ máy sấy thóc, máy làm cốm, tem nhãn, bao bì…
Nhờ đó, sản lượng lúa nếp Vải trung bình mỗi năm của huyện đạt trên 1.000 tấn, giá bán gạo đạt hơn 40 nghìn đồng/kg (tăng 10 nghìn đồng/kg so với năm 2021), góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Người dân đóng gói sản phẩm cốm được làm từ gạo nếp Vải. |
Sản phẩm gạo nếp Vải Phú Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm từ gạo nếp Vải đạt tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình sản xuất nếp Vải tại Phú Lương cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa; chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa thật bền vững; người dân còn e dè trong đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm... Đây là những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để sản phẩm vươn xa hơn.
Chính vì vậy, các xã cần tiếp tục tập trung các giải pháp đồng bộ để phát triển thương hiệu gạo nếp Vải một cách bền vững, trong đó tập trung vào mở rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP; đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến; hỗ trợ bao bì, tem nhãn; phân bón hữu cơ vi sinh… Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, văn hóa địa phương.
Gạo nếp Vải Phú Lương không chỉ là một đặc sản nông nghiệp, mà còn là tinh hoa văn hóa, là niềm tự hào của người dân. Với hướng đi bài bản, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, sản phẩm gạo nếp Vải đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường, góp phần làm giàu cho quê hương Phú Lương và giữ gìn bản sắc văn hóa nông nghiệp Việt.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/phu-luong-xay-dung-thuong-hieu-gao-nep-vai-df11ceb/
Bình luận (0)