
Mẫu xe chiến đấu bộ binh “độc lạ” trên chiến trường
Vào ngày 21/4/2025, trang web Military Informant đã chia sẻ những hình ảnh mới về chiếc xe chiến đấu bộ binh hạng nạng (IVF) BMP-55 độc đáo của Ukraine. Đây là mẫu IVF được Ukraine phát triển vào những năm 2000 dựa trên khung gầm xe tăng T-55 của Liên Xô, nhưng được trang bị động cơ xe tăng T-64.
Theo thông tin trên Military Informant, nguyên mẫu IVF này, đã kết hợp các khái niệm thiết kế hiện đại, do Nhà máy sửa chữa thiết giáp Kharkiv, hợp tác với Cục thiết kế Kharkiv Morozov (KMDB), của Ukraine phát triển.
Những bức ảnh cho thấy mặc dù một phần thân xe bị tuyết bao phủ, nhưng một số bộ phận như xích xe, ống phóng lựu đạn khói và ống phóng tên lửa chống tăng vẫn có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, trạm vũ khí điều khiển từ xa, sử dụng súng máy hạng nặng 12,7mm, ở bên phải của xe nguyên mẫu đã bị tháo dỡ.
Lý do khiến bộ ảnh này có giá trị, là vì theo thông tin hiện có, chỉ có một nguyên mẫu xe BMP-55 được Ukraine sản xuất. Phát hiện này không chỉ mang đến cho những người đam mê quân sự, có cơ hội được quan sát kỹ hơn loại IVF độc đáo này; mà còn khơi dậy sự quan tâm với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Đặc biệt là trong lĩnh vực cải tạo xe bọc thép.
Khái niệm thiết kế IVF BMP-55, như một phần của sáng kiến rộng lớn hơn, nhằm hiện đại hóa các xe bọc thép đã lạc hậu của Liên Xô vào cuối thế kỷ trước như T-54/55/64/72.
Dự án lấy cảm hứng từ những nỗ lực tương tự ở các quốc gia khác, đặc biệt là Israel, nơi đã triển khai thành công các IFV như Achzarit và sau đó là Namer, cả hai đều dựa trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực. Dòng BMPT Terminator của Nga hoặc Type 59 HIFV của Trung Quốc, cũng là minh họa cho xu hướng sử dụng khung gầm xe tăng cho các vai trò hỗ trợ bộ binh chuyên biệt; đặc biệt là trong môi trường chiến đấu đô thị, hoặc có nguy cơ cao.
Vào thời điểm đó, KMDB đề xuất một kế hoạch táo bạo, đó là cải tạo khung gầm xe tăng T-55, vốn không còn đáp ứng được nhu cầu của chiến trường hiện đại, thành xe chiến đấu bộ binh có khả năng bảo vệ cao.
Khái niệm này không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, mà còn phản ánh thái độ thực dụng của đất nước này, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng eo hẹp. Đặc biệt là tận dụng số khung gầm xe tăng T-55 còn rất nhiều trong kho niêm cất từ thời Liên Xô, nhưng không tìm được khách hàng để xuất khẩu.
Năm 1998, dự án được KMDB đề xuất chính thức và đặt tên là BMP-55U. Mục tiêu của dự án là tận dụng khung gầm xe tăng T-55 hiện có, tạo ra khoang chiến đấu rộng rãi hơn, giống xe chiến đấu bộ binh của phương Tây, khi bố trí “cửa cầu (hay cửa thả)” ở phía sau của xe.
Thiết kế như vậy không chỉ mang lại khả năng lên xuống xe thoải mái hơn, mà còn giúp vận chuyển người bị thương ra vào xe nhanh chóng hơn. Năm 2000, Nhà máy sửa chữa thiết giáp Kharkov đã hoàn thành một nguyên mẫu thử nghiệm của BMP-55, dựa trên xe tăng hạng trung T-55 do Liên Xô sản xuất.
Xe có sức chứa tối đa 10 người, bao gồm kíp xe 3 người và 8 lính bộ binh. Về mặt vũ khí và trang bị, BMP-55 được trang bị một bệ phóng tên lửa chống tăng đôi ở phía trên bên trái thân xe và một trạm vũ khí điều khiển từ xa với súng máy hạng nặng 12,7mm ở phía bên phải. Những vũ khí này cung cấp hỏa lực hỗ trợ mạnh mẽ cho xe.
Về hệ thống động lực, BMP-55 sử dụng động cơ 5TDF, cũng được sử dụng trên xe tăng T-64. Động cơ 5TDF có năm xi-lanh với đường kính xy-lanh 120 mm và công suất định mức 700 mã lực (522 kW), với công suất cực đại ở mức 2.800 vòng/phút. Thiết kế của động cơ này giúp BMP-55 có thể duy trì khả năng cơ động tốt ngay cả khi trọng lượng tăng và tốc độ tối đa của nó có thể đạt tới 60 km/h.
Kích thước bên ngoài của BMP-55 cũng đảm bảo khả năng cơ động của xe; với thiết kế nhỏ gọn và thấp của xe tăng Liên Xô, giúp nó dễ dàng di chuyển và giữ được bí mật trên chiến trường.
Hiệu suất chiến đấu của BMP-55 là điểm nổi bật nhất trong thiết kế của nó. Thân xe phía trước được bảo vệ bởi giáp day 270 mm, được đánh giá là có thể chịu được hỏa lực trực tiếp từ đạn xuyên giáp 90 mm và tương đương với Cấp độ 7 của tiêu chuẩn NATO STANAG 4569.

Giáp hông xe dày 81 mm và được gia cố bằng giáp phản ứng nổ (ERA) dày 20 mm, bảo vệ trước đạn chống tăng PG-7VM được phóng từ súng phóng lựu B-41. Giáp sau có độ dày 40 mm, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ cấp độ 4 của NATO, có thể chống lại đạn xuyên giáp 14,5 mm.
Giáp sàn xe được cấu thành từ lớp giáp composite nhiều lớp, được thiết kế đặc biệt để giảm thiểu tác động của mìn chống tăng như TM-57 của Liên Xô, đạt được khả năng bảo vệ theo tiêu chuẩn Cấp độ 5 của NATO. Đảm bảo xe có thể chịu được tác động từ vụ nổ của mìn chống tăng TM-57 và các loại vũ khí tương tự; giúp BMP-55 vượt xa các xe chiến đấu bộ binh truyền thống như BMP-1/2/3 về khả năng bảo vệ.
Việc cải tiến xe tăng T-55 thành IVF BMP-55, phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của chiến trường hiện đại. Trong quá trình cải tạo, các nhà thiết kế đã tháo bỏ tháp pháo và tấm giáp trên cùng của xe tăng T-55, và thay thế bằng khoang chiến đấu bọc thép mới.
Sự thay đổi này không chỉ làm tăng chiều cao của khoang chiến đấu, mà còn cải thiện đáng kể tính công thái học; do đó tăng hiệu quả chiến đấu của các thành viên kíp xe và nhóm bộ binh đi cùng.
Tại sao BMP-55 không được quân đội Ukraine và quốc tế chấp nhận?
Do thiếu kinh phí và những khó khăn chung của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, dự án BMP-55 đã không được phát triển thêm. Mặc dù nguyên mẫu duy nhất được sản xuất và vượt qua thử nghiệm vào năm 2009, nhưng không có có đơn đặt hàng nước ngoài nào được ghi nhận và bản thân Ukraine cũng không theo đuổi sản xuất hàng loạt. Trong những năm đó, đất nước Ukraine đang sống trong hòa bình, nên nhu cầu của quân đội Ukraine đối với loại IVF như vậy là rất ít.
Mặc dù Ukraine đã cố gắng đưa BMP-55 ra thị trường quốc tế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào bày tỏ sự quan tâm đến việc mua chiếc IVF BMP-55 này.

Mặc dù BMP-55 có thiết kế sáng tạo nhưng doanh số bán ra lại không như mong đợi. Ukraine tuyên bố rằng BMP-55 chủ yếu nhắm vào thị trường xuất khẩu và nhằm mục đích cung cấp giải pháp hiện đại hóa chi phí thấp cho khách hàng dùng T-55.
Tuy nhiên, thị trường thực tế lại rất tàn khốc, khi mẫu IVF này không những không nhận được bất kỳ đơn đặt hàng xuất khẩu nào mà còn không được trang bị trong quân đội Ukraine.
Sự suy thoái của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine và sự ưa chuộng của thị trường quân sự toàn cầu, đối với các loại xe chiến đấu mới, khiến BMP-55 khó có thể giành được chỗ đứng trên thị trường có tính cạnh tranh cao này.

Mặc dù việc chuyển đổi kỹ thuật của xe chiến đấu bộ binh hạng nặng BMP-55 về mặt lý thuyết là khả thi. Thậm chí vào năm 2005, KMDB còn phát triển một bộ tài liệu kỹ thuật đầy đủ, để chuyển đổi xe tăng T-54, T-55, T-62 và T-72 thành xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và được cấp bằng sáng chế vào tháng 3/2006. Nhưng không thể phủ nhận rằng, kinh phí để cải tạo là rất cao.
So với việc đầu tư vào các mẫu xe chiến đấu bộ binh mới, việc cải tạo các xe tăng cũ thường bị hạn chế bởi kết cấu ban đầu; đồng thời những khó khăn về mặt kỹ thuật và vấn đề bảo trì có thể phát sinh trong quá trình cải tạo, cũng là những yếu tố quan trọng mà khách hàng tiềm năng phải cân nhắc.
Trong bối cảnh chiến trường Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; sự xuất hiện của xe chiến đấu bộ binh hạng nặng BMP-55, mặc dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng vẫn còn đầy rẫy sự không chắc chắn về thực chiến và tiềm năng xuất khẩu.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/quan-doi-ukraine-che-xe-boc-thep-bmp-55-du-thieu-phuong-tien-post1542650.html
Bình luận (0)