Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi xanh: “Tấm vé” để doanh nghiệp Việt trụ vững trong cuộc chơi toàn cầu

(Dân trí) - Chuyển đổi xanh vừa là trách nhiệm xã hội, vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự đồng hành của chính sách, công nghệ, đối tác, hành trình này hứa hẹn tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/07/2025

Hành trình xanh hóa sản xuất và thách thức hiện hữu

Xuất hiện trong tọa đàm “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh - Từ thách thức đến hành động”, TS. Nguyễn Hoài Nam - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đã có những phân tích sâu sắc về cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt đang và sẽ trong quá trình chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi xanh: “Tấm vé” để doanh nghiệp Việt trụ vững trong cuộc chơi toàn cầu - 1

TS. Nguyễn Hoài Nam - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại tọa đàm “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh – Từ thách thức đến hành động”

Dẫn chứng theo báo cáo của PwC và WWF, TS. Nam cho biết chuyển đổi xanh là cơ hội kết hợp giữa phát triển kinh tế và mục tiêu công bằng xã hội, giảm nghèo đói, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây đang là ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc giảm phát thải khí nhà kính (KNK) được xác định là trọng tâm, thông qua các mô hình sản xuất tiêu hao ít tài nguyên, phát thải thấp, cùng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả ở mọi cấp độ, từ địa phương đến toàn cầu.

Với doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là quá trình tái cấu trúc công nghệ và vận hành để giảm phát thải, cải thiện hiệu suất năng lượng và hướng đến tính bền vững. Điều này không chỉ giúp nâng tầm hình ảnh thương hiệu, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tại khu vực ASEAN, nhiều ngành công nghiệp nặng như dầu khí, xi măng, khai khoáng và nhiệt điện đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Việt Nam, cùng với Thái Lan và Indonesia, là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực với những đóng góp tích cực. Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT) khi áp dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ và tái sử dụng carbon (CCUS), kết hợp tự động hóa và nâng cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 25% cường độ phát thải KNK so với năm 2012.

Ngành xi măng của nước này cũng ghi dấu ấn với việc giảm tiêu thụ clinker, sử dụng nhiên liệu thay thế và thu hồi nhiệt thải, hướng tới mục tiêu giảm 2 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Những mô hình này trở thành bài học có giá trị cho Việt Nam trong quá trình xanh hóa các ngành sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, TS. Nam nhận xét hành trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp trong khu vực vẫn còn không ít rào cản. Việc lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng lĩnh vực như xi măng, thép hay điện tử đòi hỏi nguồn lực tài chính và kỹ thuật đáng kể. Chi phí đầu tư cao, nguy cơ gián đoạn sản xuất trong quá trình thay thế dây chuyền và các cơ chế hỗ trợ chưa đồng bộ khiến quá trình chuyển đổi gặp nhiều thách thức.

Chuyển đổi xanh: “Tấm vé” để doanh nghiệp Việt trụ vững trong cuộc chơi toàn cầu - 2
TS. Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình và tận dụng cơ chế tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh và các cơ chế hỗ trợ hiện có trên thị trường. Đây là động lực để doanh nghiệp đầu tư vào các dự án giảm phát thải mà không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính.

“Thực hiện chuyển đổi xanh mang đến tác động kép trong kinh doanh của doanh nghiệp, khi vừa giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và nguyên liệu, đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp tạo ra cơ hội có lợi nhuận tốt hơn. Hơn nữa, việc này còn góp phần cho Chính phủ và cộng đồng thực hiện các mục tiêu về khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường”, TS. Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia năng lượng và môi trường, nhận định.

Doanh nghiệp Việt cần lộ trình rõ ràng và sự hỗ trợ chiến lược

Theo TS. Nam, một yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi xanh hiệu quả là xác định đúng động lực nội tại. “Lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn thấy lợi ích trực tiếp từ việc chuyển đổi xanh, từ sản phẩm thân thiện hơn, tiết kiệm tài nguyên hơn, đến việc nâng cao uy tín và mở rộng thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng quyết tâm thôi là chưa đủ. Doanh nghiệp cần vạch rõ lộ trình, lựa chọn công nghệ phù hợp và chuẩn bị nguồn lực. “Kế hoạch tốt là bước khởi đầu, cách tiếp cận triển khai bài bản, nhận dạng các công nghệ, giải pháp phù hợp thực hiện là các yếu tố sẽ giúp chuyển đổi xanh thành công”, ông bổ sung.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn trong ngành thép, xi măng hay khai khoáng tại khu vực ASEAN đã có những bước đi đáng kể, nhưng khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn chậm chân do hạn chế về nguồn lực, phần khác do thiếu thông tin, tư vấn và công cụ triển khai phù hợp.

Một bước đi quan trọng trong chuyển đổi xanh là kiểm kê KNK, đặc biệt với các doanh nghiệp phát thải lớn. Theo TS. Nam, từ năm 2028, khi thị trường carbon Việt Nam vận hành, các doanh nghiệp này sẽ phải báo cáo KNK định kỳ.

“Doanh nghiệp lớn cần sự hỗ trợ từ chuyên gia và công nghệ để kiểm kê chính xác, trong khi doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng các công cụ miễn phí từ Mỹ, EU, hoặc các nền tảng Việt hóa”, ông gợi ý. Những công cụ này, cùng với sự hỗ trợ từ các công ty tư vấn trong nước, giúp việc kiểm kê trở nên dễ tiếp cận hơn, ngay cả với doanh nghiệp có quy mô hạn chế.

Song song, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đang mở ra cơ hội lớn. TS. Nam cho biết nhiều công ty quốc tế, đặc biệt trong nhóm Fortune 500, Forbes 500 đang tích cực mua tín chỉ để đạt các mục tiêu tuân thủ hoặc ESG. Doanh nghiệp Việt, với vai trò cung cấp tín chỉ, không chỉ có thêm nguồn thu mà còn tạo giá trị thương hiệu và cải thiện bảng cân đối tài chính. Tuy nhiên, do thị trường tín chỉ tự nguyện hiện chủ yếu dựa trên giao dịch song phương, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác trung gian để kết nối cung và cầu.

Về tài chính xanh, TS. Nam khuyến nghị doanh nghiệp tận dụng các cơ chế hỗ trợ hoặc nguồn vốn từ ngân hàng, quỹ đầu tư, và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ hỗ trợ phát triển Pháp (AFD).

“Các ngân hàng như HDBank từng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai điện mặt trời mái nhà, còn Bộ Công Thương cung cấp các khoản hỗ trợ bảo đảm khoản vay để cải tiến công nghệ", ông nói. Ngoài ra, mô hình phát hành trái phiếu xanh tại Singapore là kinh nghiệm đáng học hỏi, nhất là khi Việt Nam đang hướng đến xây dựng các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng.

Một khía cạnh không thể bỏ qua là xanh hóa chuỗi cung ứng. Từ phát thải trực tiếp (Scope 1) đến gián tiếp (Scope 2 và 3), doanh nghiệp cần phối hợp cùng đối tác trong chuỗi giá trị để giảm thiểu tác động môi trường. TS. Nam dẫn chứng, một số doanh nghiệp dệt may đã sử dụng nhiên liệu tái chế và công nghệ tiết kiệm năng lượng, giúp nâng cao vị thế tại các thị trường khó tính như EU hay Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của chuyên gia tư vấn trong việc đánh giá hiệu quả năng lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất. “Doanh nghiệp cần tham vấn để đánh giá hiệu quả năng lượng, tối ưu quy trình mà không làm gián đoạn sản xuất”, TS. Nam khẳng định.

Quỹ Vì tương lai xanh, do Tập đoàn Vingroup thành lập vào ngày 7/7/2023, có sứ mệnh góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 của Chính phủ. Quỹ thúc đẩy các hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mỗi cá nhân hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Các hoạt động cộng đồng quy mô lớn của quỹ gồm chiến dịch chiến dịch "Thứ 4 ngày Xanh" với loạt chương trình ưu đãi từ các công ty thành viên và công ty liên kết của Tập đoàn Vingroup dành cho hàng triệu khách hàng để khuyến khích lối sống xanh, Chiến dịch “Cùng hành động vì biển xanh” huy động khoảng 10.000 cán bộ Vingroup và các tình nguyện viên ra quân thu gom và dọn vệ sinh ở các bờ biển và cửa sông để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2025, Chiến dịch “Mùa hè Xanh” 2025 với sự tham gia của Đoàn Thanh niên của 33 cơ quan, viện, trường triển khai gần 30 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 81.000 người hưởng lợi, Cuộc thi “Tiếng nói Xanh” và “Gửi tương lai xanh 2050’ dành cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 thu hút gần 23.000 thí sinh, lan tỏa đến hàng trăm trường học tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước…

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-doi-xanh-tam-ve-de-doanh-nghiep-viet-tru-vung-trong-cuoc-choi-toan-cau-20250726185508426.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm