Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quy đổi điểm chuẩn: Thí sinh và phụ huynh rối bời

Từ năm 2025, tất cả các phương thức tuyển sinh đại học như thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, xét học bạ... đều phải quy đổi về cùng một thang điểm. Chủ trương này nhằm tạo sự công bằng, nhưng cách tính mới lại quá phức tạp, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bối rối.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam28/05/2025

Khó hiểu cách tính điểm chuẩn theo quy định mới

Từ năm 2025, Bộ GD-ĐT quy định mọi phương thức xét tuyển đều phải quy đổi về cùng một thang điểm, nhằm đảm bảo công bằng giữa thí sinh thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, học bạ hoặc chứng chỉ quốc tế. Theo đó, Bộ xây dựng khung quy đổi điểm sàn và điểm chuẩn ĐH giữa các phương thức theo phương pháp bách phân vị, qua nhiều bước. Trách nhiệm của các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng là phải xác định được những tổ hợp môn thi tốt nghiệp phù hợp với đặc điểm bài thi riêng do trường mình tổ chức và khuyến cáo các trường khác sử dụng, trong đó làm rõ tổ hợp nào phù hợp nhất.

Các trường cũng phải công bố bách phân vị của kết quả bài thi riêng năm 2025 (X0, X1 trong bảng), phối hợp với Bộ để phân tích kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh đã có bài thi riêng, sau đó công bố các khoảng điểm của tổ hợp môn phù hợp (A0, A1, B0, B1... trong bảng). Việc này chậm nhất ba ngày sau khi có điểm thi tốt nghiệp.

Trên cơ sở số liệu này, điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào của từng ngành sẽ được quy đổi tuyến tính trong từng khoảng điểm. Vấn đề đặt ra là mỗi kỳ tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD)… có thang điểm khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT được tính theo thang 30 điểm, Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM tính thang 1.200 điểm. Kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội tính theo thang 100 điểm.

"Chúng tôi thắc mắc là cách tính phức tạp này của Bộ GD-ĐT liệu có đảm bảo quy đổi một cách công bằng kết quả của các kỳ thi này để thí sinh không bị thiệt thòi, khi các con đã đầu tư suốt thời gian vừa qua cho mỗi kỳ thi riêng và kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới", chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh học sinh trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa (Hà Nội), băn khoăn.

Một học sinh bày tỏ sự thất vọng: "Cháu sinh năm 2007, cháu vừa hoàn thành kỳ thi HSA đợt 505. Cháu học đến 2-3 giờ sáng để đạt được kết quả 100 điểm cho bài thi HSA, giờ thì cháu thấy hơi vô nghĩa. Nhiều bạn thi HSA, APT... đang cảm thấy mông lung vô cùng, nhất là khi cùng một mức điểm HSA, năm ngoái đỗ ngành top của các trường ĐH dễ dàng, năm nay lại bị quy đổi ra mức điểm THPT thấp hơn và... có thể trượt. Cảm giác quy định bị thay đổi vào phút chót, khiến công sức ôn luyện, chiến lược chọn bài thi của cháu bị phủ nhận hoàn toàn".

Hiểu sao cho đúng cách quy đổi điểm chuẩn mới?

Ngày 22/5 vừa qua, ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành đơn vị công bố sớm nhất phương án quy đổi điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh năm 2025. Căn cứ theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT, ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng phương pháp bách phân vị để tìm ra các mức điểm chuẩn tương đương giữa 3 phương thức tuyển sinh của ĐH, bao gồm: phương thức Xét tuyển tài năng (XTTN), phương thức xét tuyển theo điểm thi ĐGTD và phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Bên cạnh đó, ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành thống kê, phân tích dữ liệu tuyển sinh của 3 năm trở lại đây, các tổ hợp xét tuyển khác nhau, phân tích phổ điểm XTTN theo các diện, phổ điểm bài thi TSA, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp gốc là A00 (Toán - Lý - Hóa) để làm căn cứ xác định khoảng phân vị tương quan. Trên cơ sở đó, tổ chuyên gia đã xây dựng Bảng phân vị tương quan giữa các phương thức tuyển sinh ĐH của ĐH Bách khoa Hà Nội để công bố rộng rãi tới các thí sinh.

Có thể hiểu, bách phân vị là thứ hạng theo phần trăm so với toàn bộ thí sinh dự thi. Tức là xếp tất cả thí sinh từ thấp đến cao theo điểm số, rồi tính ra bạn đang ở top bao nhiêu phần trăm. Ví dụ, nếu bạn nằm trong top 5% cao nhất của kỳ thi THPT (tức là điểm bạn nằm ở vị trí cao hơn 95% số thí sinh) và 850 điểm ĐGNL cũng nằm trong top 5% cao nhất của kỳ thi ĐGNL thì có thể coi rằng 850 điểm ĐGNL tương đương 27.5 điểm THPT (nếu 27.5 điểm là mức điểm THPT nằm ở top 5%).

Bộ GD-ĐT thu thập phổ điểm (điểm và số lượng thí sinh đạt mức điểm đó) từ các kỳ thi, áp dụng phương pháp bách phân vị phân tích để xác định tương quan thứ hạng giữa các mức điểm và công bố bảng quy đổi chuẩn để các trường ĐH sử dụng thống nhất, tránh việc mỗi trường tự quy đổi theo tiêu chí riêng như các năm trước.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/quy-doi-diem-chuan-thi-sinh-va-phu-huynh-roi-boi-20250528114554144.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm