Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ra đồng mùa nắng nóng, nông dân cần bảo vệ sức khỏe

(QNO) - Thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao dễ khiến người nông dân bị say nóng, say nắng khi làm đồng. Vì vậy, cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe để hạn chế các bệnh lý, tổn thương đến cơ thể.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam15/05/2025

dscf1821.jpg
Bà Trần Thị Tâm sử dụng nón rộng vành bằng vải để che chắn nắng khi làm việc ngoài trời. Ảnh: HOÀNG ĐẠO

Thích ứng với nắng nóng

Gần 10 giờ, bà Trần Thị Tâm (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) vẫn thoăn thắt đôi tay để nhổ xong ruộng đậu phộng đã đến kỳ thu hoạch. Bà Tâm cho biết, những ngày nắng nóng thì nông dân ít khi làm quá 10 giờ vì lao động dưới thời tiết khắc nghiệt rất dễ bị đau ốm.

“Hôm nay nắng ít gay gắt hơn và vì nhà có việc vào buổi chiều nên tôi phải tranh thủ làm việc. Phải mặc 2 lớp áo khoác và ngoài nón lá ra thì phải thêm một chiếc nón rộng vành khác mới chống chịu nổi cái nóng. Mình cứ làm đến khi thấy hơi mệt là lo đi uống ngụm nước để cơ thể khỏi lả đi” - bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, những ngày chăm sóc, thu hoạch dưa hấu trong vụ vừa rồi khá vất vả. Để tránh nắng nóng, người dân sẽ ra ruộng dưa vào khoảng 4 đến 5 giờ sáng, mang theo đèn pin để làm việc. Sau đó, đến khoảng 9 giờ 30 hằng ngày là mọi người trở về nhà và buổi chiều sẽ làm việc muộn hơn các mùa khác, thường từ 15 giờ 30 đến 19 giờ.

“Công việc của nhà nông vốn nặng nhọc nên nếu gắng gượng làm trong lúc nắng gắt sẽ dễ bị say nắng hoặc đuối sức. Những năm nay thời tiết rất cực đoan nên thói quen ra đồng của chúng tôi cũng thay đổi để phù hợp hơn” - bà Tâm cho biết thêm.

dscf1096.jpg
Người nông dân sẽ ra đồng sớm hơn và không làm việc khi có nắng gắt để tránh bị sốc nhiệt. Ảnh: HOÀNG ĐẠO

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Chương (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) cũng có cách phòng tránh nắng nóng khi lao động bằng việc mặc áo khoác vải dày hơn và sử dụng thêm một chiếc quạt máy mini gắn vào áo khoác.

Chiếc quạt này sẽ giúp lưu thông không khí giúp cơ thể ông được làm mát, hạn chế tình trạng thấm ngược mồ hôi vào cơ thể. Ông Chương chia sẻ, khi trở về nhà sau giờ làm thì sẽ dùng khăn lau mồ hôi, nghỉ ngơi để cơ thể không bị thay đổi thân nhiệt đột ngột.

“Bây giờ thị trường có bán loại áo có gắn cả quạt làm mát rất tiện dụng nên nhiều nông dân chọn mua để mặc khi lao động. Và khi làm mà cảm giác hơi mệt là tìm bóng mát nghỉ ngơi ngay, uống nước nhiều hơn hoặc nếu nắng nóng quá gay gắt thì dừng làm việc để bảo vệ sức khỏe” – ông Chương nói.

Cần bù nước và nghỉ ngơi hợp lý

BSCKII. Trần Thị Duyên - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến nhiều bệnh lý, trong đó say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) và say nóng là thường gặp đối với những người lao động ngoài trời.

"Say nắng là do làm trong môi trường nắng gay gắt, còn say nóng thường do môi trường làm việc nóng nhưng không khí tại đó không lưu thông. Điều này dẫn đến một số tổn thương da, tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, hô hấp và tuần hoàn.

Đặc trưng của tổn thương da là da ửng đỏ, bỏng rát và gia tăng tiết mồ hôi. Còn về tuần hoàn thì có thể gây ra mạch nhanh, hô hấp thì gây thở nhanh. Còn cơ quan thần kinh thì dễ gây ra lú lẫn, triệu chứng nặng nhất của thần kinh đó là bệnh nhân bị co giật. Ngoài ra còn gây yếu chi, chuột rút” – Bác sĩ Trần Thị Duyên nói.

Nếu phát hiện người lao động trong tình trạng say nắng thì nhanh chóng đưa người lao động ra khỏi vị trí nguy hiểm, tìm nơi có bóng mát. Sau đó phải cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết để bệnh nhân thoáng mát và giúp hạ thân nhiệt bằng cách chườm lạnh vào những vị trí giúp giảm nhiệt nhanh nhất như bẹn, nách, thân người.

Và khi bệnh nhân tỉnh táo thì cần cho uống thêm nước, nước điện giải, đồng thời, phải gọi ngay nhân viên y tế để đưa đến trạm y tế, bệnh viện kịp thời.

“Việc phòng ngừa trong mùa nắng nóng rất quan trọng, người lao động nên chọn thời điểm làm việc phù hợp, tránh thời điểm nắng gắt, nắng đỉnh điểm có nhiệt độ cao. Và đặc biệt uống đủ nước, thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10-15 phút. Ngoài ra phải mặc áo khoác, đội mũ rộng vành để che chắn…”

BSCKII. Trần Thị Duyên - Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

[VIDEO] - BSCKII. Trần Thị Duyên đưa ra lời khuyên cho người lao động:

Nguồn: https://baoquangnam.vn/ra-dong-mua-nang-nong-nong-dan-can-bao-ve-suc-khoe-3154779.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm