Du khách tham quan ở Đại Nội Huế |
Tình cờ lướt facebook, tôi thấy được bài review của một facebooker chia sẻ những đánh giá trong chuyến du lịch của cô đến Huế. Nhiều phân tích, đánh giá, lời khen và cả góp ý được đưa ra. Một thông tin đáng chú ý là phần chấm điểm kèm lời đánh giá một số quán ăn ở Huế mà facebooker đưa ra. Có những quán ăn nhận được điểm hơn 9, kèm lời đánh giá món ăn hợp vị, nhân viên nhiệt tình. Nhưng cũng có những quán ở mức điểm thấp, kèm lời đánh giá dưới mức trung bình, gợi ý khách không nên thử.
Tò mò vào phần bình luận, mới thấy nhiều ý kiến trái chiều để lại. Một số người cho rằng, những quán bị đánh giá thấp chỉ là quán bình dân, không phải là những quán có thương hiệu, không mang hình ảnh kiểu đại diện cho món ăn đặc trưng xứ Huế. Tác giả bài review đã phản hồi trở lại: “Do mình thấy nhiều người từng review khen quán này, nên đến trải nghiệm và đưa ra đánh giá của bản thân”.
Chuyện vừa kể chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện review về du lịch. Tuy chỉ là những chia sẻ về cảm nhận cá nhân, nhưng trên thực tế những review đó lại có sức tác động rất lớn, là gợi ý định hướng cho những người đi du lịch, bởi họ chính là những "con người thật, trải nghiệm thật". Huỳnh Ánh Tuyết (30 tuổi) chia sẻ: “Mình cũng từng dựa vào các review để tìm chỗ lưu trú, ăn uống khi đi du lịch. Có những tình huống dở khóc dở cười là quán được nhiều người khen ngon hóa ra lại chẳng như những lời chia sẻ, lý do là bài review cũng là bài quảng cáo. Nhưng cũng có những điểm ăn uống bị chấm điểm thấp, khi trải nghiệm thử lại rất ổn, vì thực tế lại hợp khẩu vị bản thân, mỗi người một gu riêng”.
Thời đại mạng xã hội phát triển, việc chia sẻ và tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng hơn khiến xu hướng tìm hiểu về các bài review du lịch “ăn gì”, “đi đâu”, “ở đâu” ngày càng phổ biến. Mức độ quan tâm các bài review du lịch ngày càng lớn khiến số lượng các reviewer ngày càng nhiều, có người theo nghề reviewer nhưng cũng có người review chỉ vì muốn đưa ra các đánh giá về trải nghiệm của mình thông qua mạng xã hội.
Trên thực tế, dù mang lại rất nhiều lợi ích cho người xem nhưng cũng có rất nhiều bài review du lịch chỉ dừng lại ở tính chất để tham khảo. Do hầu hết các review đưa ra dựa trên trải nghiệm, mang tính cảm nhận cá nhân nên độ chuẩn xác, tính phù hợp còn tùy thuộc vào người review và người xem review.
Một hướng dẫn viên du lịch ở Huế phân tích, chẳng hạn như món ăn của Huế, nhiều người bảo phải cay mới ngon, nhưng với người không ăn được cay lại bảo món Huế khó ăn. Hoặc cũng rất nhiều người khen mua sắm, ăn uống ở Huế rẻ, người lại bảo giá không rẻ như đánh giá, lý do vì họ đến các quán khác nhau. Ở Việt Nam, từng xảy ra trường hợp một quán cà phê, một địa điểm bỗng trở nên “hot” sau bài review, nhưng sau đó, do đông người kéo đến, khiến điểm đến “thất thủ” làm chất lượng phục vụ, dịch vụ nhất thời không còn tốt. Điều này tạo ra cảm nhận trái ngược giữa review và người đến sau trải nghiệm.
Điều đáng lo ngại là hiện nay bên cạnh những bài review tôn trọng “người thật, việc thật”, cũng có không ít bài review được trả tiền quảng cáo để đánh giá “thổi phồng”, khen quá mức như dạng: “Không nên bỏ qua”, “nhất định phải ghé quán/điểm này”, “10 điểm không có nhưng”… Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ và những người review thiếu khách quan sẽ dẫn đến những sai lệch thông tin cho người tiếp nhận.
Theo những người làm du lịch, dựa vào các review du lịch là tốt nhưng nên tham khảo có chọn lọc. Có thể tìm hiểu thông tin từ những người review “có nghề”, có uy tín cao, am hiểu sâu về du lịch, văn hóa, ẩm thực… Bên cạnh đó, du khách nên tìm xem nhiều bài đánh giá khác nhau để tiếp cận nhiều góc đánh giá. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến bình luận bên dưới các bài review để nghe nhiều chiều, chọn lọc được thông tin phù hợp.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/review-du-lich-nen-tham-khao-co-chon-loc-154012.html
Bình luận (0)