Do vậy, theo ông, trẻ em chính là những nhà khoa học bẩm sinh. Để có thể khơi dậy, nuôi dưỡng nhà khoa học bẩm sinh ấy thành một nhà khoa học nhí, có rất nhiều cách khác nhau, mà một trong số đó là dắt trẻ vào thế giới được mở ra trong những trang sách khoa học được làm riêng cho các em.
Đọc sách khoa học: trẻ nhận được gì?
Sách khoa học, trước hết cung cấp kiến thức khoa học, giúp trẻ tăng sự hiểu biết trong lĩnh vực này. Từ những gì thu nhận được, trẻ sẽ có nền tảng vững chắc để có thể tiếp thu được những kiến thức khoa học phức tạp hơn về sau. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, khi đọc sách khoa học được biên soạn và thiết kế dành riêng cho thiếu nhi vốn thường đặt ra những câu hỏi đơn giản nhưng thú vị, trẻ sẽ được kích thích sự tò mò, nảy sinh ý muốn đi tìm câu trả lời trong sách lẫn trong thực tế. Đây là lúc trẻ hình thành tư duy khoa học lẫn kỹ năng “nghiên cứu” của mình một cách tự nhiên nhất.
Đọc sách khoa học là quá trình trẻ tiếp xúc, làm quen và tìm hiểu nhiều khái niệm, do vậy còn giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng. Điều này giúp trẻ có khả năng diễn đạt suy nghĩ, hiểu biết khoa học của mình một cách dễ dàng, chính xác hơn. Đồng thời, kỹ năng đọc hiểu các văn bản thông tin khoa học cũng từ đó mà được cải thiện và nâng cao. Ngoài ra, không chỉ nuôi dưỡng tình yêu với tri thức khoa học, khơi dậy hứng thú khám phá thế giới xung quanh, sách khoa học dành cho thiếu nhi còn là một cách để trẻ yêu thích việc đọc sách nói chung, từ đó hình thành được thói quen đọc sách.
Có thể thấy, sách khoa học tưởng như là một thế giới hàn lâm, khô khan và khó tiếp cận với trẻ em, trên thực tế lại có khả năng mời gọi bạn đọc nhỏ tuổi, đánh thức “nhà khoa học bẩm sinh” bên trong mỗi đứa trẻ và nuôi dưỡng trẻ thành một “nhà khoa học nhí”, rèn luyện và hình thành những kỹ năng, nhận thức quan trọng, hữu ích cho các em.
Thế giới khoa học kỳ thú trong từng trang sách
Cùng với việc mua bản quyền, dịch và xuất bản các ấn phẩm khoa học dành cho thiếu nhi của các nhà xuất bản uy tín ở nước ngoài, các đơn vị làm sách trong nước cũng hướng tới việc tổ chức biên soạn và xuất bản những đầu sách khoa học do các tác giả Việt Nam thực hiện. Thế nên hiện nay, trên thị trường, sách khoa học cho trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức.
Bạn đọc thiếu nhi ở mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy sách khoa học có thể loại, chủ đề phù hợp. Chẳng hạn, các bạn nhỏ lứa tuổi mầm non sẽ có loại sách tranh với các khái niệm cơ bản như màu sắc, hình khối, vật dụng hàng ngày, hiện tượng tự nhiên quen thuộc, các bộ phận của cơ thể… (như Tưởng khác mà giống của Heather Tekavec và họa sĩ minh họa Pippa Curnickz, Tớ ứ phải Gấu nhá! của tác giả Aaron Blabey…). Các bạn lứa tuổi lớn hơn sẽ có những quyển sách đi sâu vào các lĩnh vực khoa học cụ thể như thiên văn học, sinh học, vật lý, hóa học, lịch sử (như Sao con đến đây được hay vậy? của tác giả Philip Bunting, bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh do tác giả Trần Bạch Đằng chủ biên)… hoặc những cuốn sách kể về cuộc đời và những khám phá của các nhà khoa học nổi tiếng. Một số nội dung khoa học lâu nay tưởng chỉ dành cho người lớn hoặc giới chuyên môn cũng đã có những phiên bản dành cho trẻ em, như Unstoppable Us - Không thể dừng bước là phiên bản sách thiếu nhi được chuyển thể từ cuốn Sapiens - Lược sử loài người của Yuval Noah Harari, tác phẩm Nguồn gốc các loài của Charles Darwin được Sabina Radeva thuật lại và minh họa, Triết học cho trẻ em - Hạnh phúc thật và giả của tác giả Jana Mohr Lone… Một số sách còn dành không gian để mô tả về cách các nhà khoa học khám phá, nghiên cứu nhằm giúp trẻ có hình dung cơ bản về con đường, cách thức khám phá thế giới xung quanh.
Sách khoa học dành cho thiếu nhi không chỉ là nguồn tri thức quan trọng, quý giá mà còn là người bạn đồng hành tuyệt vời của trẻ trong hành trình khám phá thế giới. Để trẻ có thể đi được, đi đúng, và đi nhanh trên hành trình ấy, phụ huynh nói riêng và cộng đồng nói chung không chỉ cần tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được tiếp cận với sách, mà còn phải không ngừng đi cùng trẻ một cách say mê và kiên nhẫn. Hãy đọc sách cùng trẻ, hãy đặt những câu hỏi “vì sao” với trẻ, và hãy cùng trẻ bước chân vào thế giới kỳ thú mà sách khoa học dành cho thiếu nhi vừa mở ra…
Để kích thích trí tò mò, khơi dậy sự thích thú, hỗ trợ trẻ tiếp nhận kiến thức khoa học dễ dàng, sách khoa học thường có hình thức trình bày hấp dẫn. Sách có hình ảnh minh họa sinh động, màu sắc bắt mắt, thiết kế sáng tạo, chẳng hạn như người đọc có thể tương tác được với sách (sách lật mở, sách có âm thanh), tăng kích cỡ của sách, có những câu hỏi thử tài ghi nhớ và hiểu biết của trẻ về những gì đã đọc… Văn phong của sách khoa học, chân phương, trong sáng, đơn giản hóa và cụ thể hóa những thuật ngữ, kiến thức khoa học phức tạp, chuyên sâu để phù hợp với khả năng lĩnh hội của trẻ. Một số sách còn sử dụng lối biểu đạt (ngôn ngữ lẫn hình ảnh minh họa) hài hước, vừa để tăng sức hấp dẫn cho sách, vừa mềm hóa những kiến thức khoa học khô khan, giúp việc đọc sách trở nên thú vị hơn với trẻ. Horrible Science (Tạm dịch: Khoa học kinh dị) của tác giả Nick Arnold và phần minh họa của Tony De Saulles là một trong những bộ sách tiêu biểu của cách làm sách khoa học cho trẻ này.
Nhìn chung, sách khoa học dành cho thiếu nhi hiện nay gần như có thể đáp ứng mọi nhu cầu tìm hiểu khoa học cho trẻ. Đây thật sự là điều kiện thuận lợi để trẻ vừa có thể khám phá thế giới khoa học kỳ thú, rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng, hữu ích, vừa hình thành thói quen đọc sách. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, để phát hiện và nuôi dưỡng “một nhà khoa học nhí” trong mỗi đứa trẻ thông qua việc đọc sách, sự phong phú của sách khoa học dành riêng cho các em chưa phải là điều kiện cần và đủ.
Đồng hành cùng trẻ
Có câu ngạn ngữ: Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Việc nuôi dưỡng một đứa trẻ yêu thích đọc sách cũng cần đến sự chung tay của cả một cộng đồng, mà trong đó, phụ huynh là những người đóng vai trò quan trọng hơn cả. Trong bối cảnh hiện nay, khi trẻ dễ bị thu hút bởi các nội dung giải trí trên các thiết bị điện tử, việc sách nói chung và sách khoa học nói riêng “giành” lại bạn đọc nhỏ tuổi gặp không ít thách thức. Phụ huynh sẽ là người giúp cho hành trình này có thể được bắt đầu, duy trì thường xuyên, từ đó giúp việc đọc sách trở thành thói quen của trẻ bằng nhiều cách thức, phương pháp khác nhau.
Một trong những điều quan trọng nhất đối với việc khuyến khích trẻ đọc sách khoa học là phải khơi dậy niềm yêu thích của trẻ với sách. Có thể thực hiện điều này bằng cách biến việc đọc thành niềm vui thông qua các hoạt động như: kích thích trí tò mò của trẻ với việc đặt các câu hỏi trước khi bắt đầu đọc; trong và sau khi đọc cần trò chuyện cùng trẻ về những gì đã đọc được; giúp trẻ kết nối sách với thực tế và trải nghiệm như hướng dẫn trẻ làm các thí nghiệm, đưa trẻ đi tham quan bảo tàng, trung tâm khoa học, công viên, sở thú… Tùy vào nội dung của sách, điều kiện thực tế (tâm lý, sức khỏe, sở thích, thời gian biểu của trẻ, thời tiết, lịch làm việc, kinh tế của gia đình…) mà phụ huynh có thể lựa chọn và thực hiện một hoặc nhiều hoạt động. Hơn hết, phụ huynh phải thật sự dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu cách đọc sách cùng trẻ, kiên nhẫn đồng hành cùng trẻ. Khi trẻ đã có thể tự mình tìm thấy niềm vui trong việc khám phá thế giới khoa học kỳ thú thông qua việc đọc sách, đó là lúc trẻ có thể tự mình bước đi trên hành trình của mình.
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/sach-khoa-hoc-cho-thieu-nhi-va-hanh-trinh-nuoi-duong-mot-nha-khoa-hoc-nhi-f0716be/
Bình luận (0)