Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sắp được dùng internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam

Starlink là dự án mạng vệ tinh xoay quanh các chòm sao của Tập đoàn SpaceX (Mỹ) do tỷ phú Elon Musk sáng lập. Thời gian gần đây, nhiều động thái cho thấy internet vệ tinh Starlink sắp phủ sóng tại Việt Nam.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng15/05/2025

Chuẩn bị kết nối

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vào đầu tháng 4-2025, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu 2 nhiệm vụ chính của bộ trong năm nay: tăng tốc độ internet di động bằng việc nâng cấp, mở rộng mạng 5G và thí điểm dịch vụ internet vệ tinh Starlink.

Tại cuộc làm việc này, ông Nguyễn Thành Chung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ KH-CN) cho biết, đang làm việc với Tập đoàn SpaceX để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các khâu tiếp theo trước khi có thể hoạt động ở Việt Nam. Trong đó có việc SpaceX sẽ sớm thành lập doanh nghiệp và lắp đặt các trạm cổng mặt đất (trạm gateway) tại Việt Nam. Trạm này dành cho kết nối internet vệ tinh Starlink trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng trong tháng 4-2025, Chính phủ đã cấp phép cho Tập đoàn SpaceX thực hiện thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam (dịch vụ Starlink). Đây được xem là một bước chuyển mới đối với thị trường internet băng rộng ở Việt Nam.

O4b.jpg
Trạm tiếp sóng internet vệ tinh Starlink được thử nghiệm tại Khu công Nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)

Theo quyết định của Chính phủ, SpaceX được cung cấp dịch vụ có điều kiện thí điểm thời hạn 5 năm và phải kết thúc trước 1-1-2031; số lượng thuê bao tối đa 600.000, đồng thời đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

Nhà cung cấp phải đặt trạm gateway trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm tất cả lưu lượng do thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều đi qua gateway và kết nối vào mạng viễn thông công cộng trong nước. Dịch vụ phải bảo đảm thông tin, dữ liệu của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam được lưu trữ tại Việt Nam; thực hiện các yêu cầu về ngăn chặn nguồn phát tán mã độc, tấn công mạng, thông tin xấu độc.

Hiện các hoạt động khác cho thấy trạm gateway của SpaceX có thể hoạt động sớm nhất cuối tháng 5 hoặc tháng 6 tại TP Đà Nẵng. Việt Nam có thể cho phép công ty internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk lắp đặt 10-15 trạm trên cả nước.

Nếu như các kế hoạch thực hiện đúng tiến độ, trong năm 2025, người dùng internet tại Việt Nam sẽ sớm được trải nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink, điều này cũng tạo nên động lực cạnh tranh mới để các nhà mạng nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng viễn thông của mình, đưa cáp quang đến hộ gia đình và đẩy mạnh phủ sóng 5G trên toàn quốc.

Hỗ trợ vùng “vắng sóng”

Starlink là dự án cung cấp internet vệ tinh do SpaceX phát triển từ năm 2019. Hệ thống này có hơn 6.000 vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, cung cấp kết nối internet đến nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là những nơi hạ tầng mạng truyền thống còn hạn chế. SpaceX bắt đầu cung cấp dịch vụ Starlink ở Mỹ từ tháng 10-2020. Đến nay, dịch vụ này đang phục vụ gần 3 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Mức giá trung bình mà Startlink cung cấp là 99 USD/tháng (khoảng 2,4 triệu đồng).

Theo các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ Starlink được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa SpaceX và các doanh nghiệp viễn thông trong nước, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng vì dịch vụ Starlink là phương án tối ưu cho các khu vực lõm sóng tại vùng sâu, vùng xa - nơi mạng 4G, 5G và cáp quang chưa thể phủ tới ở Việt Nam.

Trước mắt, có thể Starlink sẽ cung cấp internet tốc độ cao ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; những nơi các nhà mạng Việt Nam gặp khó khăn trong việc triển khai hạ tầng cáp quang và 4G, 5G. Tại các khu vực này, khách hàng có thể chọn Starlink thay vì dùng các giải pháp truyền thống như cáp quang, trong khi dịch vụ di động 4G và 5G phủ sóng yếu.

Đại diện một nhà mạng chia sẻ: “Starlink không thể thay thế hoàn toàn cáp quang hay mạng di động bởi nó vẫn có độ trễ cao hơn và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Starlink sẽ tạo nên động lực cạnh tranh mới để các nhà mạng nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng viễn thông của mình, đưa cáp quang đến hộ gia đình và đẩy mạnh phủ sóng 5G trên toàn quốc”.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ KH-CN), mạng di động của Việt Nam hiện đã phủ tới 99,8% dân số; tuy nhiên mới chỉ phủ sóng được khoảng 58% diện tích đất liền; 14,5% diện tích lãnh thổ nếu tính cả vùng biển. Cùng với đó, hiện còn 17% hộ gia đình Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ cáp quang, trong đó có nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Đến thời điểm này, cả 3 mạng di động lớn của Việt Nam là Viettel, VNPT và MobiFone đã chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Về thuê bao, đầu tháng 3, Viettel cho biết có 5,5 triệu người dùng mạng 5G, còn VNPT VinaPhone đạt hơn 3 triệu. Trong khi đó, MobiFone cung cấp 5G từ cuối tháng 3 và cho biết đạt hơn 2,5 triệu người dùng sau 1 tháng triển khai…

Không phụ thuộc vào hạ tầng viễn thông

Công nghệ vệ tinh Starlink cho phép các hộ gia đình, doanh nghiệp hoặc các vị trí xa xôi có thể kết nối với internet mà không phụ thuộc vào hạ tầng viễn thông địa phương. Điều này đem lại tiềm năng kết nối internet rộng rãi và tiện lợi cho những nơi mà trước đây không thể tiếp cận được với dịch vụ internet.

Để sử dụng được dịch vụ này, Starlink cung cấp chảo vệ tinh Starlink, bộ định tuyến wifi, nguồn điện, cáp và giá đỡ. Dịch vụ của Starlink được ấn định cho một khu vực cố định trên mặt đất. Nếu mang chảo Startlink của mình đến một khu vực khác, người dùng sẽ không thể truy cập vào dịch vụ này…

Về căn bản, internet vệ tinh Starlink hoạt động theo phương thức: người dùng gửi yêu cầu truy cập internet, tín hiệu được truyền từ router hoặc thiết bị của người dùng lên vệ tinh gần nhất trong mạng lưới Starlink.

Vệ tinh nhận tín hiệu, xử lý và chuyển tiếp đến vệ tinh tiếp theo trên quỹ đạo để truyền tải tín hiệu xuống trạm xử lý trên mặt đất. Tại trạm xử lý, yêu cầu và dữ liệu từ vệ tinh được kết nối với mạng internet chính thông qua một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP). ISP sẽ tiếp nhận yêu cầu truy cập từ vệ tinh và trả về dữ liệu tương ứng.

Quá trình truyền dữ liệu sẽ được đảo ngược, với dữ liệu từ ISP được truyền từ trạm xử lý đến vệ tinh, sau đó từ vệ tinh đến thiết bị chảo thu internet vệ tinh của người dùng. Cuối cùng, dữ liệu sẽ đi qua router và trả lại dữ liệu theo yêu cầu của người dùng.

Chỉ hiệu quả khi chế tạo nhiều vệ tinh và đưa vào khai thác toàn cầu

Internet vệ tinh Starlink sử dụng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO - Low Earth Orbit) có quỹ đạo bay cách bề mặt trái đất từ 600-2.000km. Đây là hệ thống vệ tinh được Mỹ và nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu đang tập trung phát triển để giải quyết bài toán băng thông internet tốc độ cao, độ trễ thấp, không phụ thuộc vào mặt đất.

Tại Việt Nam, VNPT hiện sở hữu và vận hành 2 vệ tinh viễn thông thuộc chương trình Vinasat, đều nằm trong quỹ đạo địa tĩnh (GEO - Geostationary Earth Orbit) nằm ở độ cao khoảng 36.000km. Vinasat-1 phóng vào năm 2008, có tuổi thọ thiết kế đến năm 2028. Vinasat-2 phóng từ năm 2012 và vẫn đang hoạt động bình thường. Đây là vệ tinh cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, với băng thông hạn chế; chỉ dùng để phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại cơ bản và đường truyền internet ở tốc độ trung bình.

Theo kế hoạch, năm 2025, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất”, dự án này do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai. PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cho hay, Việt Nam cũng có thể làm chủ được công nghệ này, nhưng chỉ hiệu quả khi chế tạo nhiều vệ tinh và đưa vào khai thác toàn cầu.

Một hệ thống như Starlink cần hàng ngàn vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Việt Nam không có tên lửa riêng mà phải thuê phóng, nên sẽ phụ thuộc và nâng cao giá thành đầu tư. Nói cách khác, phải đầu tư rất lớn mới có thể phát triển được hệ thống vệ tinh như vậy.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/sap-duoc-dung-internet-ve-tinh-starlink-tai-viet-nam-post795269.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm