Từ 207 phòng giao dịch tại các địa phương trên cả nước, sau 2 năm liên tục chấm dứt hoạt động, đến nay SCB co cụm lại chỉ còn 54 phòng giao dịch ở 20 tỉnh, thành phố.
Theo tìm hiểu được biết, SCB được thành lập vào năm 1992 với hơn 30 năm hoạt động, nhà băng này vừa trải qua một giai đoạn đầy thử thách sau khi vướng phải một đại án liên quan đến các vấn đề tài chính nghiêm trọng. Vụ việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của khách hàng và đối tác.
Mới đây, phía SCB vừa cập nhật danh sách các phòng giao dịch sau khi sáp nhập các địa phương. Tính đến hết ngày 15/7, ngân hàng này chỉ còn duy trì 54 phòng giao dịch tại 20 tỉnh, thành sau sáp nhập.
Con số này tương đương khoảng 25% so với 207 phòng giao dịch vào tháng 6/2023. Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm qua sau biến cố, nhà băng này đã phải đóng cửa hơn 153 phòng giao dịch.
Hiện nay, SCB chỉ còn 54 phòng giao dịch và chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó tại thành phố Hồ Chí Ming địa phương có nhiều điểm giao dịch SCB nhất với 19 điểm và tại Hà Nội, SCB còn 8 phòng giao dịch.
Trong khi tại Hải Phòng và Vĩnh Long, mỗi địa phương có 3 phòng giao dịch của SCB. An Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp đều có 2 phòng giao dịch SCB.
Còn lại là phân bố tại các tỉnh như Bắc Ninh, Cà Mau, Cần Thơ, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Đồng Nai, mỗi địa phương SCB có 1 phòng giao dịch SCB.
Việc SCB đồng loạt đóng cửa phòng giao dịch diễn ra sau khi bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị bắt giam và đưa ra xét xử trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Việc cắt giảm phòng giao dịch diễn ra mạnh nhất kể từ thời điểm tháng 6/2023 và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chỉ riêng trong năm 2024, SCB chấm dứt hoạt động 95 điểm giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 14 phòng giao dịch SCB dừng hoạt động.
Tuy nhiên, theo thông tin từ SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch nói trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng này. Cùng với việc chấm dứt hoạt động của các điểm giao dịch, SCB cũng mạnh tay cắt giảm nhân sự, đồng thời thanh lý hàng loạt tài sản như ô tô chuyên dụng, máy ATM và các tài sản khác.
Trước đó, vào ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời là việc lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thuộc nhóm Big4 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành SCB./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/scb-con-bao-nhieu-phong-giao-dich-sau-khi-lien-tiep-dong-cua-382552.html
Bình luận (0)