Trong bản tổng hợp ý kiến góp ý cho hồ sơ chính sách của Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Bộ Tài chính ghi nhận hàng loạt đề xuất nhằm siết chặt việc quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Siết quản lý thuế với người bán hàng online
Góp ý cho dự án luật trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu, bổ sung các cơ chế quản lý, giám sát và kiểm tra hoạt động kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân có phát sinh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội không đăng ký mã số thuế (của các nhà cung cấp dịch vụ Google, Facebook, Youtube, Zalo...). Trong khi đó, quy định để kiểm soát việc thanh toán chưa có, dẫn đến tình trạng thất thu thuế đối với các loại hình kinh doanh nêu trên.
Theo Bộ Tài chính, Luật số 56/2024 đã quy định nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Luật Thương mại điện tử. Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến đề nghị bổ sung các yêu cầu về cung cấp thông tin của các chủ thể, người bán, nền tảng thương mại điện tử trung gian, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán.
Đề xuất đưa vào quy định bắt buộc các chủ thể hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán dành riêng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Bộ Tài chính, những quy định này sẽ khắc phục được tình trạng thất thu thuế do có thể kiểm soát được thông tin về các giao dịch thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đề nghị bổ sung cơ chế quản lý thuế với kinh doanh online (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đề xuất hộ kinh doanh phải dùng tài khoản ngân hàng riêng
Góp ý về hồ sơ chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), UBND TP Hà Nội đề xuất bổ sung quy định hộ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh. Việc áp dụng quy tắc tạo tài khoản giao dịch riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh được cho giúp kiểm soát dòng tiền thuận tiện hơn.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị bổ sung quy định liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, tương tự như đăng ký doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
Trước lộ trình bỏ thuế khoán từ đầu năm sau, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về việc kê khai thuế, tần suất kê khai, mẫu tờ khai đơn giản để hộ kinh doanh dễ thực hiện.
Hộ kinh doanh chuyển từ thuế khoán sang kê khai: Lộ trình 3 giai đoạn thực hiện
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng việc xóa bỏ thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh từ năm sau là cần thiết. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động cho thấy giai đoạn đầu triển khai (2025-2026) có thể gây quá tải hệ thống do hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi.

Hộ kinh doanh chuyển từ thuế khoán sang kê khai từ năm sau (Ảnh: Mạnh Quân).
Chi phí tuân thủ theo quy định mới có thể dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi năm, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Dự thảo hiện tại chưa đề cập đến các giải pháp khắc phục khó khăn này.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất xây dựng lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 1-2) tập trung thí điểm, cung cấp phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử miễn phí, đào tạo ghi chép sổ sách.
Giai đoạn 2 (năm 2-4) mở rộng áp dụng bắt buộc với hộ có doanh thu cao, đi kèm ưu đãi thuế và hỗ trợ thuê kế toán.
Giai đoạn 3 (năm 4-5) kết thúc hoàn toàn thuế khoán, tích hợp hộ kinh doanh vào hệ thống thuế quốc gia, đồng thời hỗ trợ tài chính, đào tạo và bảo hiểm xã hội cho hộ chuyển đổi chính thức.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/siet-chat-quan-ly-thue-ho-ca-nhan-kinh-doanh-hang-loat-de-xuat-moi-20250718155537326.htm
Bình luận (0)