Ý kiến của ông Hòa cũng tương đồng quan điểm của nhiều doanh nghiệp bất động sản khác khi Nghị định số 181/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; trong đó có nội dung quy định cụ thể cách xác định giá tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong dự báo tài chính, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế của Nhà nước, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản. Việc minh bạch trong xác định giá tính thuế cần bám sát thực tiễn để hạn chế rủi ro pháp lý.
Một trong những điểm nổi bật được ghi nhận tại Nghị định 181 là việc quy định rõ ràng giá tính thuế VAT trong các hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, giá tính thuế là giá bán chưa bao gồm VAT và được trừ phần giá đất đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Cụ thể, với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc thông qua đấu giá, phần giá đất được trừ là khoản tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trả một lần. Tuy nhiên, các chi phí như bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng do doanh nghiệp tự chi trả sẽ không được tính vào giá đất được trừ.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, điểm mới này có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Việc làm rõ phần giá đất được trừ trong giá tính thuế giúp doanh nghiệp dự báo chi phí minh bạch hơn, từ đó xây dựng chiến lược tài chính và bán hàng phù hợp. Đồng thời, điều này cũng hạn chế được tình trạng bị truy thu thuế do cơ quan thuế xác định thiếu chính xác phần giá đất - ông Tuyến phân tích.
Trong đó, việc quy định cụ thể theo từng loại giao dịch sẽ giúp giảm tranh chấp và tăng nhất quán. Về lâu dài, việc minh bạch cơ chế tính thuế sẽ khiến giá bất động sản sát với giá trị thật hơn, hạn chế tình trạng “giá ảo” do doanh nghiệp phải gồng gánh chi phí rủi ro thuế.
Nghị định cũng phân loại cụ thể các trường hợp được trừ giá đất như: nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng đất, thanh toán bằng quỹ đất trong dự án BT hoặc PPP... Với từng hình thức, Nghị định đều quy định rõ nguyên tắc xác định phần giá đất được trừ.
Đồng quan điểm, Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao tính rõ ràng và khả năng giảm thiểu rủi ro pháp lý của Nghị định này. Các tiêu chí xác định giá đất được trừ nay đã rất cụ thể, từ đó hạn chế các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị định góp phần bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ bị truy thu thuế ngoài dự kiến.
Không chỉ vậy, ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, một điểm đáng lưu ý là nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành thì đây sẽ là công cụ quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch.
Bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp bất động sản từng gặp khó khăn do phải tạm nộp thuế khi giá đất chưa được phê duyệt, sau đó bị truy thu khi cơ quan thuế xác định lại giá đất. Quy định mới này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các khoản chi phí phát sinh bất ngờ, qua đó chủ động hơn trong kế hoạch dòng tiền theo tiến độ dự án.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận định, Nghị định 181 giúp tránh tình trạng “tạm nộp rồi điều chỉnh” bởi đây chính là yếu tố gây áp lực lớn với các doanh nghiệp có dự án kéo dài. Đây cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan thuế thực hiện thanh kiểm tra một cách thống nhất và minh bạch hơn.
Mặt khác, Nghị định còn hỗ trợ cơ quan thu tăng hiệu quả giám sát, hạn chế thất thu. Với việc hướng dẫn chi tiết cho từng trường hợp cụ thể, Nghị định 181 giúp công tác quản lý thuế được triển khai thống nhất trên cả nước, giảm thiểu cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương. Điều này không chỉ nâng cao tính hiệu quả trong thu ngân sách nhà nước mà còn giúp cơ quan thuế chủ động hơn trong việc giám sát và thanh tra - bà Cúc phân tích.
Ngoài ra, việc áp dụng quy định cụ thể đối với các dự án BT, góp vốn bằng đất hay chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật vốn là những giao dịch phức tạp cũng giúp hạn chế tình trạng thất thu do xác định sai hoặc thiếu phần giá đất được trừ.
Khi quy định rõ phần giá đất được trừ cũng giúp doanh nghiệp không còn phải “dự phòng” rủi ro thuế vào giá bán, từ đó góp phần bình ổn mặt bằng giá bất động sản. Các chuyên gia nhận định, cơ chế này rõ ràng không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch.
Nghị định 181 là một trong những văn bản cụ thể hóa mục tiêu cải cách thuế giai đoạn 2021 - 2030, hướng tới hiện đại hóa công tác quản lý thuế, bảo đảm công bằng, minh bạch và thống nhất trong thực thi pháp luật. Quy định chi tiết về giá tính thuế VAT không chỉ tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, mà còn phù hợp với định hướng dài hạn về cải cách hệ thống thuế của Chính phủ. Việc minh bạch hoá cơ chế tính thuế sẽ góp phần hình thành thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững và có trách nhiệm.
Từ ngày 1/7/2025, khi Nghị định 181 chính thức có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thuế và thị trường kỳ vọng một hành lang pháp lý mới minh bạch, đồng bộ và sát với thực tiễn. Nếu được thực hiện đúng tinh thần của văn bản, Nghị định không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp mà còn giúp tăng thu ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/minh-bach-thue-doanh-nghiep-chu-dong-dong-tien/20250717084201660
Bình luận (0)