Thúc đẩy doanh nghiệp minh bạch và lành mạnh hơn
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 1/7/2025, các công ty chưa đại chúng khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải đảm bảo tổng nợ phải trả, bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát rủi ro tài chính trong khu vực doanh nghiệp, nhưng không gây xáo trộn đáng kể đối với thị trường.
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2024, chỉ có 13 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ (không tính ngân hàng) có tỷ lệ dư nợ trên vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng 5 lần tại thời điểm chào bán. Điều này cho thấy, quy định mới sẽ không ảnh hưởng đến phần lớn các doanh nghiệp hiện đang tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ.
Giới chuyên gia cũng đồng thuận rằng quy định này là bước đi cần thiết và tích cực. Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhận định: “Quy định mới chủ yếu tác động ngắn hạn tới nhóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, đây là lực đẩy quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp cơ cấu lại chiến lược tài chính theo hướng bền vững và minh bạch hơn.”
Thực tế, trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản đã lạm dụng trái phiếu riêng lẻ như một kênh huy động vốn dễ dãi, dù mô hình kinh doanh có thời gian hoàn vốn dài và độ rủi ro cao. Việc siết lại trần đòn bẩy tài chính sẽ buộc các doanh nghiệp này phải thay đổi, không thể tiếp tục dựa dẫm vào trái phiếu như trước.
Khi cánh cửa phát hành riêng lẻ bị thu hẹp, các doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những kênh huy động vốn “cao chuẩn” hơn như phát hành trái phiếu ra công chúng, IPO, chào bán cổ phần chiến lược, hoặc vay vốn ngân hàng.
Điểm chung của các kênh này là yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, có nền tảng tài chính lành mạnh và tuân thủ tiêu chuẩn quản trị cao hơn, đây chính là nền tảng để thị trường vốn phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính), khẳng định việc giới hạn tỷ lệ đòn bẩy không nhằm gây khó khăn, mà là để đảm bảo doanh nghiệp phát hành có đủ năng lực thanh toán, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và củng cố sự phát triển an toàn, công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Đây là bước đi đúng đắn, góp phần sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng và khuyến khích doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa hoạt động tài chính. Doanh nghiệp nào thực sự có năng lực sẽ không lo thiếu vốn, mà ngược lại còn tăng cơ hội tiếp cận nhà đầu tư chất lượng”, bà Tâm nhấn mạnh.
Đây không chỉ là “hàng rào” quan trọng nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các rủi ro vỡ nợ, mà còn tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.
Tăng áp lực tái cấu trúc vốn
Việc siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các công ty chưa đại chúng đang được xem là một trong những bước đi then chốt nhằm giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ, siết lại kỷ luật tài chính, và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, lực lượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường. Không dừng lại ở vai trò “chốt chặn” rủi ro, quy định mới còn tạo ra áp lực mạnh mẽ buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc nguồn vốn theo hướng an toàn và bền vững hơn.
Theo quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tổng nợ phải trả của công ty chưa đại chúng, bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành, không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, cho rằng, đây là một công cụ hữu hiệu để nâng cao kỷ luật tài chính.
“Bị siết tỷ lệ đòn bẩy buộc doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình, củng cố năng lực tài chính, cơ cấu lại tài sản, tối ưu hóa dòng tiền và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, quy định này sẽ ép doanh nghiệp trưởng thành hơn trong chiến lược huy động vốn”, ông Huy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng quy định này không phải là “cây đũa thần” có thể ngay lập tức giải quyết mọi rủi ro trên thị trường trái phiếu. Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia Phân tích cao cấp tại VIS Rating chỉ ra rằng, trên thực tế, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ chậm trả nợ trái phiếu.
Dữ liệu của VIS Rating cho thấy, trong số 182 doanh nghiệp đang chậm trả nợ trái phiếu, phần lớn không phải vì đòn bẩy tài chính quá mức, mà do yếu kém trong quản trị dòng tiền, mất cân đối thanh khoản và mô hình kinh doanh thiếu ổn định. Theo ông Duy, “đòn bẩy là một trong nhiều yếu tố rủi ro, nhưng điều nhà đầu tư cần quan tâm hơn là khả năng tạo dòng tiền thực và quản lý tài chính của doanh nghiệp”.
Chính vì vậy, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách lành mạnh, các biện pháp siết đòn bẩy cần đi kèm với một loạt giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Quang Huy đề xuất cần sớm thúc đẩy phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập, nâng cao vai trò của các đơn vị kiểm toán, tổ chức tư vấn phát hành và ngân hàng giám sát dòng tiền.
Song song đó, việc khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ, sẽ tạo thêm lựa chọn và độ minh bạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, thị trường cũng cần được đa dạng hóa sản phẩm, từ trái phiếu ngắn hạn, trái phiếu xanh đến trái phiếu có bảo lãnh hoặc gắn với hiệu quả kinh doanh.
Không chỉ cơ quan quản lý hay doanh nghiệp phát hành, mà cả các tổ chức trung gian và nhà đầu tư cũng cần nâng cao nhận thức và năng lực, từ đó góp phần hình thành một thị trường trái phiếu phát triển thực chất, bền vững và chuyên nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính), cho biết hiện Bộ Tài chính đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện 4 nghị định trọng yếu, gồm: nghị định về phát hành trái phiếu ra công chúng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán (trong đó bổ sung chế tài liên quan đến trái phiếu riêng lẻ); và nghị định về xếp hạng tín nhiệm.
Đây được kỳ vọng sẽ là những “mảnh ghép” quan trọng giúp củng cố khung pháp lý cho thị trường trái phiếu, từ đó nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và lấy lại niềm tin nhà đầu tư.
Nguồn: https://baolamdong.vn/siet-don-bay-trai-phieu-doanh-nghiep-chan-nguy-co-vo-no-thuc-ep-tai-co-cau-von-348648.html
Bình luận (0)