Chỉ số DDCI Sơn La năm 2024 được thực hiện khảo sát từ hơn 1.300 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, bảo đảm tính đại diện và minh bạch cao, phản ánh sát thực tiễn tại cơ sở.
Điểm nhấn của DDCI Sơn La năm 2024 là việc bổ sung hai chỉ số mới: “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” và “Đáp ứng giới trong quản lý, điều hành”.
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã công bố kết quả đánh giá Chỉ số DDCI năm 2024 và vinh danh các sở, ngành, địa phương tiêu biểu có nhiều sáng kiến, nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Khối sở, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La dẫn đầu bảng xếp hạng. Cục Thuế tỉnh Sơn La (Chi cục Thuế khu vực IX) và Sở Y tế lần lượt xếp thứ 2 và 3.
![]() |
Đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố năm 2024. |
Với khối huyện, thị xã, thành phố, thị xã Mộc Châu đứng đầu, tiếp theo là thành phố Sơn La và huyện Yên Châu.
Theo đánh giá, về điểm số DDCI 2024 của đa số các sở, ngành và địa phương đều thấp hơn năm 2021. Điều này cho thấy tốc độ cải cách môi trường kinh doanh tại tỉnh Sơn La chưa theo kịp kỳ vọng của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm số của các địa phương thấp hơn đáng kể so với các sở, ngành cho thấy nhiều địa phương cần chú trọng việc thực thi, hướng dẫn và tính năng động trong giải quyết vấn đề.
Đáng lưu ý, những địa phương có xếp hạng thấp đồng thời cũng là những địa bàn có chỉ số về tính năng động của lãnh đạo địa phương chưa cao.
Các lĩnh vực mang tính nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp như khoa học-công nghệ, tư pháp, bảo hiểm xã hội, lao động, tín dụng, đầu tư vẫn có điểm số khá thấp. Điều này phản ánh môi trường kinh doanh của tỉnh Sơn La chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư.
Đánh giá về các ngành cho thấy sự phối hợp giữa các ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ hơn để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Sơn La.
Gần 85%-89% cơ sở sản xuất kinh doanh cho biết chưa có ý định mở rộng quy mô cũng là một chỉ báo về môi trường kinh doanh của tỉnh Sơn La chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng hoạt động.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và địa phương còn thiếu đồng bộ, đôi khi tạo ra những điểm nghẽn trong quá trình triển khai chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên 79% doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách hỗ trợ sản xuất thân thiện với môi trường, nhưng vẫn cần thêm giải pháp cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh.
![]() |
Trong năm 2025, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của DDCI và nâng cao chất lượng điều hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cam kết đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả điều hành.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức họp nội bộ để phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến kết quả DDCI năm 2024, đặc biệt là đối với các chỉ số thành phần có điểm thấp…
Tỉnh Sơn La cũng giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, hoàn thiện phương pháp luận, điều chỉnh đối tượng đánh giá chỉ số DDCI năm 2025 cho phù hợp với tình hình thực tế sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại các sở, ngành theo nghị quyết của Trung ương.
Nguồn: https://nhandan.vn/son-la-cong-bo-chi-so-nang-luc-canh-tranh-nam-2024-post881327.html
Bình luận (0)