Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “đưa” Xám Ngố đi thành phố

Ngày hội đọc sách 2024

Ngày 20-4, tại Đường sách TPHCM, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, NXB Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu “Hùm Xám và những cuộc phiêu lưu kỳ thú” nhân dịp ra mắt tác phẩm Xám Ngố đi thành phố của nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

Dù đến với văn học thiếu nhi “hơi trễ” so với bạn bè cùng thế hệ, nhưng nhà văn Bùi Tiểu Quyên (hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM) lại tỏ ra khá có duyên và thực sự đã gặt hái được nhiều trái ngọt từ văn học thiếu nhi. Sau thành công của truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa, chị ra mắt thêm Hùm Xám qua sông. Tác phẩm lôi cuốn bạn đọc bởi những câu chuyện vui nhộn của Hùm Xám và những người bạn nơi đảo Thiêng.

IMG_9644.jpg

Từ phải qua: nhà văn Bùi Tiểu Quyên, họa sĩ Ngọc Châu, người thể hiện phần tranh cho cả hai tác phẩm “Hùm Xám qua sông” và “Xám Ngố đi thành phố”

Từ nguồn cảm hứng dồi dào dành cho nhân vật Hùm Xám cũng như tình yêu dành cho trẻ nhỏ, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã sáng tạo thêm phần 2 với tên gọi Xám Ngố đi thành phố. Trong cả hai tác phẩm, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã lồng ghép các yếu tố về không gian, văn hóa, lịch sử vùng đất phương Nam một cách khéo léo. Nhờ đó, đọc Hùm Xám qua sôngXám Ngố đi thành phố, bạn đọc không chỉ đang được thưởng thức một tác phẩm văn học thông thường, mà có cơ hội khám phá, tìm hiểu thêm về một vùng đất. Tình yêu dành cho quê hương, dành cho đất nước từ đó mà được gieo nên.

IMG_9622.jpg

Cả hai tác phẩm của nhà văn Bùi Tiểu Quyên đều có sự lồng ghép khéo léo các yếu tố văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất phương Nam

Có một điều thú vị là trong các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của mình, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã sáng tạo nên những nhân vật độc đáo, để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Ở Cà Nóng chu du Trường Sa là chiếc máy ảnh có tên gọi là Cà Nóng mà chị mang theo trong hải trình ra với Trường Sa. Còn ở Hùm Xám qua sông Xám Ngố đi thành phố, nhân vật chính có tên là Hùm Xám, cũng được gợi cảm hứng từ một chú chó có thật ngoài đời.

IMG_9646.jpg

Nhà thơ Lê Minh Quốc luôn dành tình cảm yêu quý và hỗ trợ nhiệt tình cho thế hệ đàn em

Chia sẻ về mối lương duyên gặp gỡ nhân vật Hùm Xám, nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể: “Buổi chiều của năm 2020, tôi ngồi tắc ráng qua sông Lòng Tàu, tình cờ đi cùng tôi có chú chó nhỏ của miền sông nước. Em tên Vàng, dáng em vững chãi, ngồi ngay mũi tắc ráng và hướng mắt nhìn về phía mặt trời lặn. Em có bộ lông vàng ruộm và thân hình rắn chắc, dáng vẻ khỏe khoắn, phong sương. Tôi ngồi ngắm em Vàng một lúc lâu, và bất giác ngay lúc đó đã nói khẽ với Vàng là nhất định sẽ viết một câu chuyện có hình ảnh “qua sông” đẹp như một bức tranh của em chiều ấy”.

IMG_9633.jpg

Từ trái qua: nhà văn Gia Bảo, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cùng chị gái và mẹ của nhà văn Bùi Tiểu Quyên

Xám Ngố đi thành phố là phần 2 của Hùm Xám qua sông. Trong tác phẩm mới này, chú chó Hùm Xám rời đảo Thiêng, tạm xa những người bạn: Đốm, Bi Béo, Rác, Ốc Sên, thị Mướp, Mái Mơ… để đến một nơi hoàn toàn xa lạ và mới mẻ: thành phố. Trên hành trình băng qua những cung đường nhộn nhịp, nhìn ngắm các tòa nhà cao tầng ấy, Hùm Xám đã có thêm những người bạn mới là Thằn Lằn Sẹo, Mít, Vẹt Xám, Tony Tèo…

IMG_9665.jpg

Nhà báo Trung Nghĩa gửi tặng bài báo do anh thực hiện đã được đóng khung đến nhà văn Bùi Tiểu Quyên như một món quà đầy ý nghĩa

Chia sẻ với PV Báo SGGP, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, nếu bạn đọc theo dõi câu chuyện trong cả 2 tập sách, sẽ hiểu rằng đảo Thiêng và “thành phố” thật ra không phải là hai không gian tách rời, khác biệt mà chính là “một vùng đất đặc biệt”, hàm chứa những giá trị đặc biệt về lịch sử – văn hóa phương Nam. Xám Ngố đi thành phố để nối dài không gian – thời gian và để mở rộng sự hiểu biết; để được thực hiện giấc mơ của đời mình: đi học ở Học viện Cảnh khuyển và được xuôi về đất Mũi – nơi “quê hương bản quán” mà cụ Khuyển Tổ đã luôn nhắc về…

IMG_9626.jpg

Đông đảo sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM đã đến tham dự chương trình

“Xám Ngố đi thành phố còn là để thực hiện vai trò “khuyển truyền ký ức” của cậu, đi để học hỏi, khám phá thế giới; đi để trở về, biết thấu hiểu và bao dung, biết chia sẻ và lắng nghe, biết đối đãi với muôn loài bằng sự tử tế, tình yêu thương và lòng trắc ẩn…”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên bày tỏ.

HỒ SƠN

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-van-bui-tieu-quyen-dua-xam-ngo-di-thanh-pho-post791597.html

Đọc thêm

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách để mở rộng kiến thức, phát triển tư duy

Đại diện Ban tổ chức, doanh nghiệp đã trao tặng sách cho Thư viện tỉnh Quảng Bình, tổng trị giá gần 20 triệu đồng.(PLVN) - Chiều 18/4, tại Thư viện tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào...

Hơn 200 học sinh tham gia đọc sách tại Không gian Thư viện xanh

Học sinh hứng thú tìm đọc những cuốn sách theo sở thíchĐây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).Tham gia chương trình...

Lan tỏa phong trào đọc sách trong lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận

Trải dài theo thời gian, sách được ví như kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, lưu giữ những tinh hoa văn hóa, những bài học lịch sử và những kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua nhiều thế hệ. Nhận thức sâu sắc tầm...

Độc giả trẻ tìm đọc sách văn học, lịch sử

Những tác phẩm không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền tải những giá trị nhân văn, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.Một tín hiệu tích cực là các đầu sách văn học, lịch sử vẫn giữ được chỗ đứng, phản ánh những câu chuyện thời...

Hướng dẫn kỹ năng đọc sách hiệu quả cho học sinh

ThS Lê Thị Hiếu Thảo, Chuyên gia Giáo dục Kỹ năng sống - Kỹ năng Tự hướng nghiệp, giao lưu với HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu).Đây là hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 (21/4).Các em học sinh...

Ngày hội đọc sách 2025