Sửa đổi hàng loạt cơ chế, chính sách, phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đồng thời đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang được kỳ vọng có sự chuyển mình về hạ tầng logistics trong tương lai.
Sửa đổi hàng loạt cơ chế, chính sách, phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đồng thời đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang được kỳ vọng có sự chuyển mình về hạ tầng logistics trong tương lai.
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 – năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ lý do vì sao hàng hoá Trung Quốc có giá cạnh tranh, hệ thống logistics phát triển vượt trội so với các nước trong khu vực.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Ảnh: Lê Toàn |
Đầu tiên, thời gian cấp phép xây dựng của Trung Quốc rất nhanh so với Việt Nam. Trong đó, đơn cử để cấp phép xây dựng một nhà máy ô tô của Tesla, từ khi quyết định đầu tư tới khi hoàn thành công trình chỉ trong vòng 11 tháng; xây dựng một trung tâm thương mại quy mô như Aeon, thời gian hoàn thành dưới 3 tháng.
Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam, để xây dựng một nhà máy ô tô, thời gian hoàn thành công trình phải tính bằng năm.
Thứ hai, mặc dù triển khai xây dựng tuyến cao tốc sau nhiều quốc gia nhưng hiện tại Trung Quốc đã phát triển được hệ thống cao tốc có độ dài lớn nhất thế giới, kết nối các vùng kinh tế với nhau, vì vậy cũng đã thúc đẩy việc di chuyển, vận chuyển hàng hoá, logistics dễ dàng.
Trong khi đó, hệ thống cao tốc, hạ tầng của Việt Nam còn đang hoàn thiện, kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác 5.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đã ngày càng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn về cơ chế được chỉ ra, cần khẩn trương khơi thông, hoàn thiện.
Đơn cử, tại kỳ họp thứ tám đang diễn ra, Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi 4 luật lĩnh vực đầu tư, trong đó, có Luật Đầu tư công.
Trong đó, theo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội, có 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 – năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức (Ảnh: Lê Toàn) |
Ông Lê Tuấn Anh cho biết Dự thảo cũng đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng Quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (trước đây là 10.000 tỷ đồng), quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C lên gấp 2 lần. Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm…Việc đẩy mạnh phân quyền này sẽ thúc đẩy việc triển khai các dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Cùng đó là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
“Với sự đồng lòng của cả hệ thống, chúng ta sẽ làm được những điều mà trước kia chưa làm được, như vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, cấp, địa phương triển khai hiệu quả Dự án đường dây 550kv”, ông Tuấn Anh nhận định.
Bên cạnh việc sửa đổi luật, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, Nhà nước cũng đang tập trung phát triển hệ thống đường bộ, trình Quốc hội đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, đường sắt kết nối phía Bắc, tuyến đường kết nối với Lào và các nước có cùng đường biên giới; cũng như đang xem xét thí điểm vùng phi thuế quan, khu thương mại xuyên biên giới với các nước có chung đường biên giới.
“Các công trình, dự án này sẽ giải quyết được nhiều nguồn lực, tập trung thống nhất, sẽ giúp nền kinh tế có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thêm nữa, với các thông tin tích cực về cơ chế đang từng bước tháo gỡ, cũng như đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tương lai kỳ vọng sẽ có các bước chuyển mình về hạ tầng nói chung và hạ tầng logistics nói riêng”, ông Lê Tuấn Anh kỳ vọng.
Nguồn: https://baodautu.vn/se-co-buoc-chuyen-minh-manh-me-ve-ha-tang-logistics-d228829.html