Ngay từ sáng sớm, bà con nhân dân bản Khá, xã Sặp Vạt đã tập trung tại khu rừng thiêng của bản để chuẩn bị cho lễ cúng Đông Sửa. Theo người dân địa phương, nghi lễ này đã có từ rất lâu đời, từ thời cha ông để lại. Việc tổ chức nghi lễ Đông Sửa chính là cách người dân bản Khá bày tỏ tấm lòng thành kính với đấng thần linh và các vị tiên tổ đã khai thiên, lập địa, xây dựng bản mường.
Ông QUÀNG VĂN KHỒ - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khá, Sặp Vạt, Yên Châu, Sơn La: Đấy là cha truyền con nối, thế hệ con cháu cứ nối tiếp cho đến bây giờ, ý nghĩa của lễ hội Đông Sửa là cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh.
Nghi lễ Đông Sửa là hoạt động mở màn trong chuỗi các hoạt động được tổ chức tại Ngày hội xoài Yên Châu, nên bà con ai cũng tự hào, háo hức. Từ sáng sớm, mỗi người 1 việc, bà con cùng nhau phát dọn khu rừng, nhóm lửa, đồ xôi, chuẩn bị lễ vật, mâm cỗ để thầy mo làm lễ cúng. Trôi hình thầy cúng…
Ông QUÀNG VĂN PHANH – Thầy cúng bản Khá, Sặp Vạt, Yên Châu, Sơn La: Lễ cúng thì cũng không cần chuẩn bị quá cầu kì, chỉ cần 1 con vịt, 3 con gà, 1 con lợn, 1 chai rượu, 1 gói cơm, mỗi hộ trong bản thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật để làm lễ cúng.
Nghi lễ Đông Sửa nghĩa là cúng rừng thiêng. Trong nghi lễ, có hai lễ cúng, một lễ cúng các vị thần, người có công thành lập bản và một lễ cúng chủ rừng. Nghi lễ được tái hiện 1 cách sinh động, song vẫn mang đậm tín ngưỡng dân gian, thể hiện đời sống văn hóa tín ngưỡng lâu đời của bà con dân tộc Thái.
Bà HÀ THỊ AN – Xã Chiềng Hặc, Yên Châu, Sơn La: Lần đầu tiên thấy họ làm cái nghi lễ này, nhìn cũng thấy hay, tôi cũng rất vinh dự hôm nay được tham dự lễ hội này.
Nghi lễ Đông Sửa không chỉ là dịp để đồng bào tỏ lòng biết ơn đối với tiên tổ mà còn góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu../.
Thực hiện: Vũ Ánh – An Hảo
Nguồn
Bình luận (0)