Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu

Hiện nay, trạm y tế thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho Nhân dân, là tuyến y tế gần dân nhất.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng28/05/2025


Truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ tại Trạm Y tế xã Lạc Xuân (Đơn Dương)

Truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ tại Trạm Y tế xã Lạc Xuân (Đơn Dương)

Chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế bao gồm thực hiện công tác CSSKBĐ cho Nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế, khám chữa bệnh, sơ cấp cứu, đỡ đẻ thường, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện công tác phối hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Đồng thời, trạm hướng dẫn chuyên môn và hoạt động đối với y tế thôn bản; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); thực hiện dịch vụ KHHGĐ theo phân tuyến kỹ thuật và theo quy định của pháp luật...

Bà Nguyễn Thị Anh Kim - Phụ trách Trạm Y tế xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) cho biết: Với diện tích xã rộng  10.369 ha, có 15 thôn, dân số 14.401 người, trong đó dân tộc thiểu số 5.759 người, Trạm Y tế xã có đầy đủ các phòng chức năng để hoạt động và nhân lực có 9 người (1 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ và 1 dân số viên) và 15 y tế thôn bản. Hoạt động khám, chữa bệnh của trạm đảm bảo công tác chuyên môn, trực 24/24 giờ. Thực hiện tốt quy chế dược, đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu và khám, chữa bệnh thông thường theo quy định. Quản lý tốt các nguồn thuốc (BHYT, các chương trình, dự án) cấp phát đúng đối tượng, cập nhật sổ sách rõ ràng, không để thuốc hư hỏng, quá hạn sử dụng và tiêu cực xảy ra.

Thực hiện các chương trình y tế dự phòng đạt chỉ tiêu giao, thực hiện kỹ năng giao tiếp và quy tắc ứng xử, tiếp đón và khám, chữa bệnh để thu hút lượt bệnh nhân đến khám tại trạm. Thực hiện các nội dung triển khai trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch ở xã chỉ đạo các hoạt động trong công tác phòng, chống dịch, có mạng lưới giám sát dịch từ xã xuống đến các thôn, có phương án phối hợp với đội y tế dự phòng, bao vây dập dịch khi có dịch xảy ra. Giám sát thường xuyên, chủ động lấy lam tìm ký sinh trùng sốt rét cho những trường hợp có sốt tại trạm và cộng đồng; khám phát hiện và điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét, không để bệnh nhân tử vong do sốt rét, tuyên truyền toàn dân ngủ màn để phòng, chống các bệnh do muỗi truyền.

Quản lý điều trị 100% bệnh nhân lao, điều trị đúng phác đồ không để bệnh nhân bỏ trị (tránh trường hợp bệnh nhân kháng thuốc), tăng cường khám lấy mẫu đàm xét nghiệm để phát hiện bệnh nhân lao. Quản lý điều trị 100% bệnh nhân phong, chăm sóc bệnh nhân tàn tật do phong, khám phát hiện bệnh nhân mới. Tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng muối iốt để phòng, chống các bệnh do thiếu iốt. Triển khai chương trình an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn, tiếp tục kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trạm tổ chức khám phát hiện bệnh nhân động kinh, tâm thần mới trên địa bàn; quản lý, cấp phát thuốc điều trị, vận động gia đình nhận thuốc đủ và đều cho bệnh nhân, không để bệnh nhân bỏ trị. Quản lý người khuyết tật, hướng dẫn người khuyết tật tập luyện tại nhà để sớm hòa nhập vào cộng đồng. Tham mưu cho UBND xã và phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, tuyên truyền, vận động trên 90% hộ dân sử dụng nước sạch, vận động Nhân dân xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; phối hợp với khoa y tế dự phòng và tham mưu cho UBND xã kiểm tra vệ sinh an toàn lao động các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các xí nghiệp trên địa bàn. Tổ chức  khám quản lý sức khỏe cho học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, quản lý 100% số học sinh mắc bệnh học đường.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Trạm Y tế xã Lạc Xuân đã triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em, tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 50%; tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ dưới 5 tuổi đạt trên 45%; tiêm VAT cho phụ nữ có thai đạt trên 50%; cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi  uống vitamin A đạt trên 95%. Tuyên truyền phòng, chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai và bà mẹ có con nhỏ; thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 1 lần/tháng; cân đo trẻ suy dinh dưỡng dưới 2 tuổi hàng tháng, trẻ dưới 5 tuổi 1 lần/năm. Tư vấn cho các cặp vợ chồng về kiến thức kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ KHHGĐ.

Chị Touneh Nai Hương (22 tuổi) ở thôn Tân Hiên, xã Lạc Xuân  chia sẻ: “Tôi có 2 con trai (con lớn 4 tuổi và con nhỏ 1,5 tuổi), cứ mỗi lần các bé hay tôi bị đau, sốt đều đến trạm để khám, tư vấn, chứ tôi không dám tự đi mua thuốc uống. Các cô ở trạm đều nhiệt tình quan tâm khám bệnh, cấp thuốc cho uống từ 3 - 5 ngày, vì vậy nên gia đình tôi có ai đau yếu là đến trạm, nhất là các bé thường xuyên đến để tiêm vắc xin phòng bệnh”.Tại xã Lạc Xuân có 1.612 người cao tuổi (NCT); trong đó có 248 người trên 80 tuổi được khám sức khỏe định kỳ, đạt 100%. Tổng số NCT được khám sức khỏe và lập hồ sơ quản lý là 1.056 người, đạt 65%; khám tại nhà cho 117 NCT không thể đến khám, chữa bệnh tại trạm. Bà Nguyễn Thị Kim Trinh (sinh năm 1967) ở thôn Lạc Xuân 2, xã Lạc Xuân chia sẻ: “Tôi bị bệnh tiểu đường đã 4 năm nay, hàng tháng tôi đều đến trạm thăm khám sức khỏe, đo huyết áp và lấy thuốc chữa tiểu đường để về uống thường xuyên. Thuốc được cấp miễn phí và được hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường, đến nay, tôi thấy bệnh tiểu đường đỡ nhiều, các nhân viên y tế tiếp đón nhiệt tình và nhắc nhở tôi thường xuyên đến khám sức khỏe”.

Với hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, khó khăn khi triển khai tại các xã là: Các bạn trẻ trước khi kết hôn và gia đình chưa thấy được tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hiện nay, việc cung cấp thông tin cho các bạn trẻ còn gặp nhiều hạn chế, trong khuôn khổ nhỏ, chưa nhân rộng được mô hình truyền thông. Đối với trạm y tế, không khám tiền hôn nhân mà chỉ tư vấn tiền hôn nhân, nhưng số lượng các bạn trẻ tham gia rất hạn chế.

Hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, vị thành niên và thanh niên tại tuyến xã thực hiện tại các trường trung học cơ sở (tại Lạc Xuân có 2 trường với khoảng 1.200 học sinh), không có trường trung học phổ thông. Tuyên truyền tại thôn không hiệu quả, số thanh niên nghỉ học thường đi làm xa, không có mặt tại địa phương, một số em ở nhà mời đến hội trường thôn e ngại, không tham gia. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại thôn, đưa chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản vào hoạt động chính của trường học. Đầu tư kinh phí cho các hoạt động thuộc đề án tiền hôn nhân, tham mưu với các cấp để đưa dịch vụ khám tiền hôn nhân vào hệ thống khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-ban-dau-a6304b4/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm