Trong đó, truyền thông thay đổi hành vi (Behaviour Change Communication – BCC) được xác định là giải pháp trọng tâm và bền vững.
Truyền thông thay đổi hành vi là chiến lược thiết yếu giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ các con đường lây truyền HIV và cách phòng ngừa hiệu quả, từ đó tự điều chỉnh hành vi. Thông qua truyền thông, các thông điệp như sử dụng bao cao su đúng cách, xét nghiệm HIV định kỳ, điều trị ARV sớm và đúng liệu trình được lan tỏa đến cộng đồng, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, truyền thông còn góp phần quan trọng trong việc giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, giúp họ mạnh dạn tiếp cận dịch vụ y tế và xã hội, từ đó tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa lây nhiễm mới.
Trong năm 2024, nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và can thiệp giảm hại, Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu 95 - 95 - 95 theo hướng dẫn của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS): 68,8% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 81,8% trong số đó đang được điều trị bằng thuốc ARV; 99,4% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Theo đó, các hoạt động cụ thể được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai gồm: phát miễn phí 776 bao cao su, 120 bơm kim tiêm và chất bôi trơn cho người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm MSM (nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới).
|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử khiến nhiều người e ngại đi xét nghiệm và điều trị, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, sự thay đổi mô hình lây truyền sang đường tình dục đòi hỏi nội dung truyền thông phải được điều chỉnh theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận hơn đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các nguồn viện trợ quốc tế trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến tính liên tục của các chương trình truyền thông cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả, cần ưu tiên triển khai một số giải pháp sau: ứng dụng công nghệ số trong truyền thông để tiếp cận giới trẻ một cách linh hoạt, hiệu quả; tăng cường tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, kết hợp truyền thông trực tuyến để phát hiện sớm người nhiễm; đào tạo, duy trì đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên y tế, làm cầu nối đưa dịch vụ đến với các nhóm nguy cơ. Đồng thời tăng cường giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS trong trường học, hình thành ý thức phòng ngừa từ sớm; huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, doanh nghiệp và truyền thông đại chúng, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Trong bối cảnh sắp xếp lại mô hình tổ chức theo chính quyền địa phương hai cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ đóng vai trò chỉ đạo chuyên môn các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở. Một số mô hình truyền thông hiệu quả có thể áp dụng và nhân rộng tại Đắk Lắk bao gồm: Chiến dịch “K=K” (Không phát hiện = Không lây truyền): nhấn mạnh thông điệp khoa học rằng người nhiễm HIV nếu điều trị ARV đều đặn và đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế sẽ không có nguy cơ lây truyền qua đường tình dục; Mô hình cộng tác viên tiếp cận cộng đồng: xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên trong nhóm nguy cơ như MSM, người sử dụng ma túy...
Nguyễn Công Thành
Nguồn: https://baodaklak.vn/y-te-suc-khoe/202507/tang-cuong-truyen-thong-thay-doi-hanh-vi-giai-phap-quan-trong-trong-phong-chong-hivaids-dd314d7/
Bình luận (0)