Tối 26/5, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình báo cáo Dự án Phim trường số và chiếu bộ phim "Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội".
Đây là sản phẩm đầu tiên của mô hình phim trường số được ra đời bởi sự hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên và hãng phim CinePlus, nhằm tạo ra những đột phá trong việc khai thác công nghệ, văn hóa.
Bộ phim Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội kể về chuyến phiêu lưu của 2 anh em Dế Mèn, Dế Trũi tại xóm Lầy Lội, nơi những nguy hiểm liên tục rình rập trước sự hiếu kỳ của anh em nhà dế. Để rồi vượt qua nhiều hiểm nguy, tình bạn, tình đoàn kết được ngợi ca. Tác phẩm cũng chuyển tải thông điệp mang tính thời đại khi đề cập vấn đề tái chế, biến đổi khí hậu. Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn, phim còn được lồng ghép yếu tố nhạc kịch. Trong đó, các chất liệu dân gian, nhạc cụ truyền thống được sắp đặt khéo léo mang đậm màu sắc Việt.
Phát biểu tại chương trình, ông Hà Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cineplus cho biết, Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội là bộ phim hoạt hình điện ảnh sản xuất 100% bằng công nghệ 3D, với sự tham gia trực tiếp của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên ở nhiều khâu sản xuất và truyền thông, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Cineplus.
Là tác phẩm chuyển thể từ nguyên tác Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, song bộ phim không đơn thuần kể lại câu chuyện cũ mà trên cơ sở cốt truyện, ekip sản xuất đã cải biên để phù hợp với thị hiếu hiện đại, mở rộng thế giới nhân vật và lồng ghép thêm yếu tố hành động, âm nhạc mang hơi hướng của điện ảnh quốc tế mà vẫn giữ trọn tinh thần nhân văn của nguyên tác.
Đặc biệt, nhiều hình ảnh đặc sắc trong bộ phim này mang đậm nét về mảnh đất và con người Thái Nguyên như: đồi chè, đoàn tàu địa phương, cảnh quan thiên nhiên và nếp sống vùng trung du Bắc Bộ… được lồng ghép tinh tế dưới góc nhìn nghệ thuật, điều này đã góp phần quảng bá mạnh mẽ cho lịch sử, văn hóa, du lịch địa phương.
Phim trường số vừa là giải pháp, vừa là sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ở lĩnh vực nghệ thuật, tập trung vào thúc đẩy phát triển nghệ thuật số, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế số của Thái Nguyên.
Phim trường số được đặt tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên với cơ sở hạ tầng gồm 1 tòa nhà, hệ thống xử lý đồ họa và trường quay phim chuyên dụng. Phim trường số không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn là môi trường đào tạo thực tiễn quý báu cho sinh viên và giới trẻ Thái Nguyên. Sinh viên các trường đại học trong tỉnh đã được đào tạo, tham gia vào quy trình sản xuất giúp nâng cao kỹ năng và từng bước hình thành hệ sinh thái nhân lực sáng tạo ngay tại địa phương.
Mô hình kết hợp đào tạo và thực tiễn này không chỉ giữ chân nguồn chất xám mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng “chảy máu nhân lực” về các đô thị lớn, từ đó xây dựng nền tảng bền vững cho kinh tế tri thức tại Thái Nguyên.
Theo kế hoạch, từ năm 2026, dự kiến mỗi năm phim trường số sẽ cho ra mắt tối thiểu 1 tác phẩm điện ảnh về đề tài văn hóa - lịch sử của Việt Nam. Ngoài phim điện ảnh, sản phẩm của phim trường số còn là phim bộ, truyện tranh, hệ thống giải trí số và đặc biệt là lực lượng nhân sự trẻ, được đào tạo bài bản, thực chiến để cung cấp cho thị trường Việt Nam và quốc tế.
Ngày 30/5/2025 tới đây, bộ phim Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới Xóm Lầy Lội sẽ chính thức khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Đây không chỉ là một sự kiện điện ảnh, mà còn là cột mốc quan trọng khẳng định vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ sáng tạo văn hóa, công nghệ Việt Nam.
VN (theo TTXVN)Nguồn: https://baohaiduong.vn/thai-nguyen-ra-mat-phim-hoat-hinh-dau-tien-duoc-xay-dung-tren-nen-tang-so-412526.html
Bình luận (0)