Huyện uỷ Tháp Mười
Nhắc đến Tháp Mười, mọi người nhớ ngay đến hai câu thơ của Nhà thơ Bảo Định Giang:
"Tháp Mười đẹp nhứt bông sen,
Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ" (nguyên tác).
Tháp Mười là huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp với diện tích tự nhiên 533.82 km2, có 13 đơn vị hành chính (gồm 12 xã và 1 thị trấn); dân số 131.923 người. Huyện có 49 chi bộ, đảng bộ (gồm 13 đảng bộ xã, thị trấn, 02 đảng bộ Công an, Quân sự; 34 chi, đảng bộ ngành huyện) với 4.872 đảng viên, chiếm 3.69% dân số, là một trong những vựa lúa lớn của Tỉnh.
Tháp Mười hôm nay đã "thay da đổi thịt" với sự nhộn nhịp của phố thị, những con đường trải nhựa thẳng tấp, những tuyến đường bê tông liên huyện, liên xã, liên ấp thông thoáng, những cánh đồng lúa, đồng sen, vườn cây trái bạt ngàn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày, nhiều ngôi nhà khang trang được dựng lên, nhiều cầu bê tông vững chắc nối đôi bờ sông thơ mộng kết nối xóm làng. Chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên. Những thay đổi đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh; các sở, ban, ngành Tỉnh; quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong hành trình xây dựng Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Uỷ ban nhân dân huyện Tháp Mười
Khát vọng xây dựng nông thôn mới
Tháp Mười hôm nay thật sự đã "lột xác". Nếu như khi tách ra, theo Quyết định số 04-CP ngày 05/01/1981 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ), tách một phần huyện Cao Lãnh để thành lập huyện Tháp Mười và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/1981 là một huyện từng là vùng rốn phèn của Đồng Tháp Mười thì nay đã là huyện nông thôn mới. Nếu như những năm đầu, đường đến các xã đi lại khó khăn, "nắng bụi, mưa bùn", thì ngày nay xe ô tô về tới các xã và thậm chí có những con đường liên ấp xe ô tô đi lại được dễ dàng. Nếu như những năm đầu, có những cánh đồng ở Tân Kiều, Trường Xuân, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, Láng Biển… nhiễm phèn rất cao, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (thua lỗ), thì thông qua gieo trồng, cải tạo và bằng những kinh nghiệm thực tế cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất tăng dần bình quân từ 8 - 10 tấn/ha. Có thể nói, Tháp Mười là địa phương đi đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nổi bật về ứng dụng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản để chinh phục và đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính như hiện nay. Nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ, người nông dân nhạy bén và nắm bắt kịp thời sự tiến bộ đó và nhu cầu của thị trường để thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp". Nếu như những năm đầu, nhiều diện tích vườn tạp chưa được cải tạo, nuôi trồng mang tính tự phát, manh múng thì ngày nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là đều tất yếu để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế.
Nhìn một cách tổng quan, có thể thấy với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh… mà giờ đây diện mạo nông thôn của huyện từng bước đổi thay và phát triển vượt bật:
(1) Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng kinh tế nông nghiệp với 06 ngành hàng chủ lực: Lúa gạo, sen, mít, cá sặc rằn, ếch, vịt; ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ luôn được quan tâm, đẩy mạnh; nhiều mô hình hay, hiệu quả được duy trì và nhân rộng góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.
2) Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cứng hoá và là địa phương có hạ tầng tốt nhất của Tỉnh, có thể kết nối với các vùng của Tỉnh và các Tỉnh lân cận; hạ tầng thủy lợi, hệ thống điện được duy trì, bảo dưỡng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
(3) Ngành y tế luôn được quan tâm đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đến nay, 100% trạm y tế tuyến xã được đầu tư đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và tất cả các trạm y tế đều có Bác sĩ, công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân ngày càng tốt hơn, các chương trình y tế quốc gia được triển khai sâu rộng, công tác an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường được chú trọng, hạn chế được các loại dịch bệnh xảy ra. Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tháp Mười thể hiện sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân vì sự phát triển xã hội.
(4) Tháp Mười là huyện có truyền thống hiếu học, luôn là điểm sáng của Tỉnh trong công tác giáo dục đào tạo, trong nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông thuộc nhóm đầu của Tỉnh (có những năm vươn lên đứng đầu) đây là điểm rất đáng ghi nhận.
(5) Cảnh quan nông thôn khang trang, vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội được cải thiện, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; các hoạt động bảo vệ môi trường nhận được sự thống nhất đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư từ việc tham gia trồng hoa, làm hàng rào cây xanh; thực hiện tuyến đường "Sáng - xanh - sạch - an ninh", thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
(6) Với vai trò chủ thể rất quan trọng, phát huy tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", qua đó phát huy cao độ vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đóng góp của cộng đồng dân cư huyện Tháp Mười trong xây dựng nông thôn mới là điểm nhấn của Tỉnh khi người dân đóng góp đến khoảng 40% (1.010/2.547 tỷ đồng) vốn huy động đầu tư trực tiếp xây dựng nông thôn mới (chưa kể vốn tín dụng) góp phần đáng kể giúp huyện Tháp Mười hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trước một năm. Theo đó, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và khơi dậy, phát huy tính cố kết cộng đồng với tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của người dân thông qua hoạt động Hội quán, tổ Nhân dân tự quản, mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới.
(7) Công tác giải quyết việc làm, phát triển công nghiệp, dịch vụ giải quyết tốt thời gian nhàn rỗi cho lao động ở nông thôn, tạo việc làm mới cho người lao động, tăng thu nhập kinh tế gia đình, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hiệu quả, góp phần giảm nghèo và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động của Huyện.
(8) Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp uỷ, chính quyền huyện Tháp Mười luôn quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Phú Điền
Với những kết quả đạt được, Tháp Mười là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 tại Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 19/8/2020. Đây là thành quả rất xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp của huyện. Nhìn lại những nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp của huyện qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới mới thấy đó là sự quyết tâm rất lớn, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cũng như sự định hướng đúng đắn, sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân Tỉnh, của các sở, ban, ngành và sự đồng thuận rất cao của người dân và doanh nghiệp để huyện Tháp Mười sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn một năm so kế hoạch.
Tháp Mười phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao
Trên cơ sở được công nhận huyện nông thôn mới năm 2019, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp huyện Tháp Mười quyết tâm xây dựng huyện đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Khẳng định sự quyết tâm, không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa,… Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười đã ban hành Nghị quyết về xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 - 2025, theo đó Uỷ ban nhân dân Huyện đã cụ thể hóa, ban hành kế hoạch xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững huyện đến cuối năm 2023, các xã chủ động triển khai thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn từ các nguồn vốn Trung ương, vốn Tỉnh hỗ trợ, vốn huyện, cũng như các nguồn vốn lồng ghép khác, trong đó, các ngành và các xã chủ động rà soát, đánh giá mức độ đạt được so với các chỉ tiêu của bộ tiêu chí mới, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện có 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao xã Mỹ Đông, Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Mỹ An. Ước cuối năm 2023, có thêm 02 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao xã Trường Xuân, Phú Điền; xã Mỹ Đông đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo nhóm Tiêu chí Cảnh quan môi trường, đến nay xã đạt 03/04 điều kiện, còn lại 01 điều kiện đang thực hiện (có ít nhất 01 mô hình làng thông minh), ước cuối năm sẽ đạt; duy trì, nâng chất và thực hiện đạt 100% các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới; xây dựng đạt thêm ít nhất 03 chỉ tiêu của tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Đã đăng ký về Tỉnh xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 (xã Láng Biển) và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 (xã Đốc Binh Kiều) dự kiến huyện sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước một năm so với kế hoạch đề ra (theo Báo cáo số 9192/BC-UBND ngày 25/12/2023 của Uỷ ban nhân dân huyện Tháp Mười).
Nội đồng HTX DVNN Thắng Lợi
Để tranh thủ về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024, huyện đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2024 có thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tạo dựng hình ảnh địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động các điểm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đầu tư các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp. Tập trung xây dựng chuỗi giá trị từ các ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh (lúa gạo, sen, mít, cá sặc rằn, ếch, vịt) và triển khai Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành và các xã chủ động khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, duy trì tốt 06 xã đạt nông thôn mới nâng cao, xã Láng Biển đạt 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; xã Đốc Binh Kiều xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 04/06 tiêu chí; Huyện nông thôn mới nâng cao đạt 05/09 tiêu chí. Toàn huyện có 38 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 - 4 sao (28 sản phẩm 3 sao và 10 sản phẩm 4 sao), trong đó, có 22 sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ sen; công tác vận động các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu bao bì, tiêu chí về môi trường để nâng sao các sản phẩm đang được tăng cường.
Tập trung công tác chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác cải cách hành chính, sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong thực hiện thủ tục hành chính, đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, quản lý trên phần mềm một cửa.
Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức và diễn ra sôi nổi, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đa dạng về hình thức, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, góp phần xây dựng văn hoá, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Công tác quốc phòng quân sự địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và đi vào nền nếp, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tội phạm. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024 bảo đảm an toàn, đạt 100% chỉ tiêu.
Tập trung công tác chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác cải cách hành chính, sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng trong thực hiện thủ tục hành chính, đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, quản lý trên phần mềm một cửa.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ Tháp Mười đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nền nếp nghiệp vụ công tác đảng viên; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt", đồng thời phát động phong trào thi đua chuyên đề "tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác kết nạp đảng" và "Chi bộ cơ sở bốn tốt", "Đảng bộ cơ sở bốn tốt" năm 2024. Công tác kết nạp đảng viên được các cấp uỷ tiếp tục quan tâm tạo nguồn, tổ chức bồi dưỡng nhận thức về Đảng để kết nạp. Chỉ đạo các cấp uỷ đảng rà soát, thí điểm thành lập tổ đảng và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên. Đồng thời, thành lập được 05 Tổ đảng nơi đảng viên đi lao động, làm việc xa nơi cư trú. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiến hành giải thể 06 đảng bộ khối, thành lập mới 18 chi bộ cơ sở, nâng tổng số lên 49 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tháp Mười, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân Tỉnh; các sở, ban, ngành Tỉnh; quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, huyện Tháp Mười quyết tâm hoàn thành các mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững; công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch chuyển biến mạnh mẽ; xây dựng đô thị văn minh; nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024 như kỳ vọng của cấp uỷ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, sẽ làm món quà ý nghĩa, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
ĐINH VĂN NĂM
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp
Nguồn: https://btg.dongthap.gov.vn/web/btg/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/19923262?plidlayout=6888
Bình luận (0)