Gần đây, nhiều khách hàng bất ngờ khi phát hiện một số cửa hàng The Coffee House tại TPHCM bị bịt ổ điện hoặc đã thay thế ổ điện thông thường bằng các cổng sạc USB hoặc Lightning. Quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều từ phía khách hàng, đặc biệt từ nhóm khách hàng có thói quen ngồi lâu để làm việc hoặc học tập.
Trong khi đó, ghi nhận tại Hà Nội, một số chi nhánh The Coffee House không có thay đổi về ổ điện. Nhiều ổ điện vẫn được bố trí ở cả khu vực trong nhà và ban công.
Những ý kiến trái chiều
Thực tế, xu hướng làm việc tự do tại không gian quán cà phê ngày càng trở nên phổ biến. Không ít người dành 8-10 tiếng mỗi ngày để "cắm rễ" ở quán cà phê làm việc và học tập. Do đó, thông tin về việc một số chi nhánh của chuỗi cà phê The Coffee House bịt kín các ổ điện đã gây nên nhiều tranh cãi.
Bởi trước đó, điểm khác biệt thu hút khách hàng của chuỗi cà phê này là thiết kế không gian hướng tới đối tượng là học sinh, sinh viên và người đi làm đến quán cà phê để tìm kiếm một không gian rộng rãi, yên tĩnh, thoải mái để học tập, làm việc.

Thông tin về việc một số chi nhánh của chuỗi cà phê The Coffee House bịt kín các ổ điện đã gây nên nhiều tranh cãi (Ảnh: Chụp màn hình).
Làm công việc tự do (freelancer), Nguyễn Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên tìm đến cửa hàng The Coffee House trên đường Trung Hòa mỗi khi làm việc. Với không gian rộng, khá yên tĩnh, cùng ổ điện được bố trí dày đặc, quán trở thành nơi làm việc lý tưởng giúp Minh có thể thoải mái cắm sạc laptop, điện thoại trong suốt nhiều giờ liền.
"Tôi thường dành khoảng 4-6 tiếng ở đây để hoàn thành công việc. Điểm đặc biệt ở The Coffee House là đa số mọi người đến làm việc và học tập, tạo không gian khá yên tĩnh. Dù chất lượng đồ uống có giảm sút thời gian gần đây nhưng tôi vẫn lựa chọn để đến làm việc", Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, Minh bày tỏ sự lo ngại khi nghe tin một số chi nhánh The Coffee House tại TPHCM đã bắt đầu bịt kín ổ điện. "Nếu việc này lan rộng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm khách hàng như tôi - những người cần sử dụng điện liên tục khi làm việc bên ngoài văn phòng", Minh nói thêm.
Tương tự, chị Lê Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc bịt ổ điện của The Coffee House chẳng khác nào "đuổi khéo những khách ngồi lâu". "Tôi thường ngồi cả ngày ở quán, làm việc, nếu không có chỗ sạc thiết bị, làm sao có thể làm việc được? Quán cà phê không chỉ bán nước mà còn bán không gian và tiện ích nữa", chị nói.
Theo chị Ngọc, hiện có rất nhiều quán cà phê đã kết hợp mô hình co-working (văn phòng chia sẻ) để phục vụ nhóm khách hàng freelancer, startup hay học sinh, sinh viên... với tiện ích đầy đủ như ổ điện, wifi, phòng họp nhỏ và không gian yên tĩnh. Không ít quán luôn trong tình trạng đông khách, kín bàn.
Trong khi đó, dưới góc độ là người kinh doanh, chị Hồng Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng nên hiểu và thông cảm cho The Coffee House khi bịt ổ điện. Việc một người chỉ gọi một cốc nước nhưng ngồi lại trong quán suốt 5-6 tiếng là điều khiến không ít chủ quán phải cân nhắc.
Bởi thực tế, để duy trì hoạt động, chủ quán không chỉ phải đảm bảo lợi nhuận mà còn phải tối ưu hóa công suất phục vụ, trong khi chi phí cho mặt bằng, nhân sự, điện nước… ngày càng tăng cao và tạo áp lực không nhỏ.

Nhiều người thường tìm đến các quán cà phê có bàn làm việc rộng rãi, sẵn ổ cắm sạc để ngồi làm việc thoải mái trong nhiều giờ (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
"Chúng tôi rất trân trọng khách hàng, đặc biệt là những người đến để làm việc hoặc học tập. Nhưng khi một người ngồi cả ngày chỉ với một ly cà phê, đồng nghĩa với việc nhiều khách khác có nhu cầu không có chỗ ngồi. Đó là điều rất khó xử", chị nhìn nhận.
The Coffee House nói gì?
Trước nhiều thông tin trái chiều, ngày 25/5, chuỗi The Coffee House chính thức có thông báo, giải thích. Trên fanpage chính thức, thương hiệu cho biết đang thực hiện một số điều chỉnh nhỏ trong thiết kế không gian. Theo đó, các ổ điện sẽ được bố trí theo từng khu vực để khách hàng có thể lựa chọn không gian phù hợp với nhu cầu.
Những khách hàng cần ổ điện để học tập, làm việc sẽ có khu vực riêng yên tĩnh hơn. Trong khi đó, khách đến quán để trò chuyện, thư giãn hay trải nghiệm dịch vụ cũng sẽ có không gian riêng, nhằm đảm bảo sự thoải mái và không ảnh hưởng đến trải nghiệm chung.
Chuỗi cho biết sẽ tạm thời hạn chế sử dụng ổ cắm trong bán kính 2m quanh khu vực quầy nhằm đảm bảo an toàn. "Tất cả thay đổi đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng đến các khu vực còn lại trong cửa hàng. Các tầng và không gian khác vẫn hoạt động bình thường", chuỗi cà phê cho hay.
The Coffee House được thành lập năm 2014 bởi ông Nguyễn Hải Ninh. Dưới sự lãnh đạo của ông Ninh, The Coffee House liên tiếp gây ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh chóng. Song "ánh hào quang" của The Coffee House dường như mờ nhạt dần kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời đi, chuỗi nhiều lần thay đổi vị trí giám đốc điều hành.
Trong năm vừa qua, chuỗi thông báo đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại nhiều thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đến nay, The Coffee House còn 92 cửa hàng trên toàn quốc, giảm mạnh so với quy mô khoảng 180 cửa hàng vào năm 2021.
Đầu năm nay, Golden Gate đã thâu tóm chuỗi cà phê The Coffee House từ Công ty cổ phần Seedcom. Thông tin này được nhiều người đánh giá là có thể giúp chuỗi cà phê này từng bước lấy lại vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, sau 5 tháng, những thay đổi rõ rệt vẫn chưa được thể hiện, khiến không ít người tiếp tục đặt dấu hỏi về hướng đi mới của chuỗi cà phê từng một thời gây tiếng vang.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/the-coffee-house-gay-tranh-cai-vi-bit-kin-o-dien-tai-mot-so-diem-o-tphcm-20250526015340097.htm
Bình luận (0)