Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thống nhất, linh hoạt trong ứng phó tình trạng khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 27/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ27/05/2025

Thống nhất, linh hoạt trong ứng phó tình trạng khẩn cấp- Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

Theo đó, việc triển khai xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 42 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp...

Theo đó, dự thảo luật quy định: Căn cứ diễn biến thảm họa, dịch bệnh, tình hình quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và trên cơ sở đề nghị của các bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ không thể họp ngay thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Nhằm phân cấp, phân quyền và bảo đảm linh hoạt để ứng phó kịp thời với các tình huống trong tình trạng khẩn cấp, dự thảo Luật quy định: Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất để phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất để phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Dự thảo luật cũng quy định: Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước điều động lực lượng vũ trang đến địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an điều động lực lượng thuộc quyền đến địa bàn ban bố tình trạng khẩn cấp về thảm họa lớn, dịch bệnh để hỗ trợ các lực lượng tại chỗ cứu hộ, khắc phục hậu quả của thảm họa, dịch bệnh hoặc để ổn định, duy trì an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Thống nhất, linh hoạt trong ứng phó tình trạng khẩn cấp- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật

Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật này không thay thế các luật chuyên ngành đang điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng khẩn cấp trong các luật chuyên ngành chưa đầy đủ, cụ thể, do đó cần nghiên cứu, quy định về xác định tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền, biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp trong luật này cho đầy đủ, phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Về việc phân quyền, phân cấp áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản tán thành với quy định giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ: Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất, bảo đảm linh hoạt trong việc ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp.

Về lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp, về nguyên tắc, việc xây dựng, tổ chức lực lượng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tiễn và rà soát với các Luật có liên quan (Luật Phòng thủ dân sự), một số ý kiến đề nghị Luật cần xác định nguyên tắc để tổ chức lực lượng theo hướng có lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi thi hành trong tình trạng khẩn cấp; quy định về lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tương ứng với từng loại tình trạng khẩn cấp; đồng thời, bổ sung quy định về đào tạo, huấn luyện, diễn tập và chế độ, chính sách thường xuyên cho các đối tượng để bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra...

Thu Giang


Nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-nhat-linh-hoat-trong-ung-pho-tinh-trang-khan-cap-102250527182210963.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm